Multimedia Đọc Báo in

Hướng phát triển vì sự bền vững trong nông nghiệp

18:51, 10/02/2021

Đưa sản xuất nông nghiệp về gần với hệ sinh thái rừng là hướng đi của Đắk Lắk trong bối cảnh nền nông nghiệp đang đối mặt với nhiều vấn đề thiếu bền vững.

Sản xuất thuận theo tự nhiên

“Cà phê cảnh quan” hay “vườn rừng” đang dần trở thành cụm từ quen thuộc đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk. Ở đó nông dân canh tác theo hướng phát triển tiểu hệ sinh cảnh cà phê gần với hệ sinh thái rừng, với các tầng sinh thái gồm: tầng cây gỗ vượt tán nắm giữ vai trò dẫn dắt hệ sinh thái; tầng tạo tán quần thể giữ vai trò quyết định đặc tính hệ sinh thái; cây thảm phủ mặt đất giữ vai trò cải tạo hệ sinh thái; đai xanh cách ly hóa chất...

Với hướng phát triển này, Chương trình cảnh quan bền vững tỉnh Đắk Lắk được thực hiện khá thành công trên diện tích 5.200 ha ở 3 xã Ea Tân, Ea Toh và Dliê Ya (huyện Krông Năng). Sau 5 năm thực hiện (2016 - 2020) đã góp phần giảm 14% lượng phân bón hóa học và giảm 17% lượng nước tưới. Việc áp dụng các biện pháp thực hành canh tác bền vững cũng đã góp phần làm giảm 11% chi phí sản xuất và 10% lượng CO2 được phát thải ra môi trường. Thu nhập của người nông dân trong vùng thí điểm tăng thêm 30% thông qua trồng xen và đa dạng hóa cây trồng.

Anh Đặng Văn Huy, chủ Nông trại Dangfarm (bìa trái) chia sẻ về cách canh tác cà phê theo hướng hữu cơ. Ảnh: H. Thuận
Anh Đặng Văn Huy, chủ Nông trại Dangfarm (bìa trái) chia sẻ về cách canh tác cà phê theo hướng hữu cơ. 
“Phát triển nông nghiệp gắn với cảnh quan bền vững là hướng đi tất yếu, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do. Với kế hoạch đến năm 2025, Đắk Lắk sẽ đưa tổng diện tích cà phê cảnh quan lên khoảng 90.000 ha, thì đây là lộ trình phù hợp cho một nền nông nghiệp bền vững”.
ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT)
 

Ngoài chương trình này, hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp, nông trại phát triển theo hướng vườn rừng mang lại hiệu quả cao. Có thể kể đến Nông trại Dangfarm (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar), với 5 ha cà phê canh tác theo hướng hữu cơ đã được anh Đặng Văn Huy phát triển theo mô hình vườn rừng. Bằng cách trồng xen trong vườn cà phê các loại cây ăn quả, cây trồng che bóng và thảm thực vật bên dưới nhằm tạo ra các tầng tán gần giống với hệ sinh thái rừng. Sau hơn 10 năm cải tạo lại vườn theo hướng thuận với thiên nhiên, ngoài giá trị mang lại về kinh tế cho sản phẩm cà phê và các loại trái cây hữu cơ, cách làm của anh còn có ý nghĩa nhân văn là xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp cho thế hệ tương lai.

Hướng đến phục hồi rừng

Cũng hướng tới một nền nông nghiệp xanh nhưng anh Phạm Quang Thái, Giám đốc Công ty TNHH Rồng Xanh có một hướng tiếp cận khác. Đó là anh liên kết với một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Yang Tao (huyện Lắk) sống gần rừng để thí điểm mô hình vườn rừng theo hướng bảo tồn và phục hồi rừng.

Cách của anh là đưa ra những giá trị thuận thiên nhiên, nhưng phải vượt trội về kinh tế. Anh Thái chia sẻ: “Để cải tạo đất và tăng thu nhập, tôi đã khuyến khích người dân trồng cây sâm đất xen trong vườn cà phê và thu mua với giá 100 nghìn đồng/kg (sau một năm trồng). Không chỉ là việc cải thiện thu nhập mà khi người dân trồng cây sâm đất xen trong vườn cà phê thì đồng nghĩa như một cam kết họ sẽ không được sử dụng thuốc diệt cỏ cũng như bón phân hóa học. Ngoài trồng cây sâm đất, tôi còn khuyến khích họ trồng các loại cây thảo dược, thảo mộc và trực tiếp thu mua về làm trà. Điều này đã tạo được một thảm thực vật cho đất và người dân đã tự thay đổi cách thức sản xuất, chuyển sang canh tác thuần hữu cơ, gần với thiên nhiên”.

Anh Phạm Quang Thái, Giám đốc Công ty TNHH Rồng Xanh (giữa) đang trao đổi về mô hình vườn rừng. Ảnh: H. Thuận
Anh Phạm Quang Thái, Giám đốc Công ty TNHH Rồng Xanh (giữa) đang trao đổi về mô hình vườn rừng. 

Bên cạnh đó, để phát triển tầng tán cao hơn của hệ sinh thái gần rừng, anh còn khuyến khích các hộ bảo tồn và trồng thêm các loại cây rừng trong vườn, nhất là những loại cây lấy hạt như kơ nia, óc khỉ… làm cây che bóng cho vườn cà phê và thu hoạch trái để tăng thêm thu nhập. Hiện tất cả các giống cây người dân được hướng dẫn trồng đều mang những giá trị thuận với thiên nhiên. Đây cũng là mô hình mà công ty anh Thái đang khát khao được nhân rộng.

Theo Tiến sĩ Phạm Công Trí, Cố vấn kỹ thuật cấp cao của Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH), với một vườn cây được kiến tạo đa tầng, từ cao đến thấp được bố trí một cách phù hợp không chỉ giúp đa dạng thu nhập cho người nông dân mà còn mang đến một môi trường cảnh quan sinh động. Đắk Lắk có đầy đủ yếu tố thuận lợi để thực hiện mô hình vườn rừng. Tuy nhiên, cần nhìn nhận mô hình vườn rừng (hay còn gọi là sản xuất cà phê thông minh kết hợp phục hồi rừng) là mô hình nông lâm kết hợp, nhưng là một hệ sinh thái mang đặc trưng của rừng và đầy đủ như một kiểu rừng. Có như vậy thì sản phẩm nông nghiệp hay lâm nghiệp sản xuất ra mới cho hiệu quả kinh tế cao và làm tăng khả năng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.

Minh Thuận – Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.