Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Nở rộ dịch vụ chăm sóc hoa mai

08:52, 18/02/2021

Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu chơi cây cảnh của người dân, trên địa bàn huyện Cư M’gar nở rộ dịch vụ chăm sóc hoa mai, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các chủ vườn.

Với kinh nghiệm 20 năm trồng mai và hơn 17 năm nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoa mai, ông Cao Thế Rượi ở thôn Tiến Thành (xã Quảng Tiến) đã trở nên quen thuộc của những người chơi mai trên địa bàn huyện Cư M’gar. Hiện ông đang chăm sóc, nuôi dưỡng khoảng 200 cây cảnh, cây mai các loại, phần lớn là mai được khách hàng gửi nhờ chăm.

Khách hàng gửi chăm mai cũng rất đa dạng, từ các cơ quan, công ty, doanh nghiệp, đến những người quen, bạn bè... không chỉ ở xã Quảng Tiến, thị trấn Quảng Phú mà còn ở nhiều địa phương khác trong và ngoài huyện. Chi phí do hai bên tự thỏa thuận, tùy theo giá trị, độ lớn, nhỏ của mỗi cây và cả sự hào phóng của khách hàng. Mức giá chăm sóc mai sau Tết của ông Rượi trung bình từ 300.000 – 1.000.000 đồng/chậu. Sau khi trừ chi phí nhân công, điện, nước, phân bón…, mỗi năm việc chăm sóc mai mang đến cho ông Rượi nguồn thu nhập ổn định từ 40 – 50 triệu đồng. Ông Rượi chia sẻ: “Cây mai sau Tết 15 ngày nên mang đến vườn gửi, chậm nhất là 20 - 25 ngày, nếu để càng lâu cây sẽ bị mất sức vì nuôi hoa và trái… Khi chăm sóc lượng phân bón phải vừa đủ liều lượng, chỉ cần quá tay là búp hoa sẽ bị cháy; vặt lá cần phải tính toán kỹ, thời tiết nóng, lạnh thì thời gian vặt lá sẽ khác nhau, những cây đã có búp nâu thì nên vặt trước, vì những cây này sẽ ra bông chậm; còn đối với cây sung sức thì vặt lá sau cùng…”.

Ông Cao Thế Rượi đang cắt, tỉa những chậu mai khách gửi chăm sóc.
Ông Cao Thế Rượi đang cắt, tỉa những chậu mai khách gửi chăm sóc.

Việc chăm sóc mai chơi Tết đã trở thành một nghề kiếm tiền của người trồng hoa, cây kiểng trên địa bàn huyện Cư M’gar từ lâu. Tuy nhiên những năm gần đây khi thú chơi mai kiểng của người dân nở rộ, nhiều hộ có điều kiện khá giả đã sẵn sàng mua các loại cây có dáng độc, hiếm, lạ và có giá trị cao về chưng trong dịp Tết. Không chỉ nhận chăm sóc tại vườn, nhiều chủ vườn còn sẵn sàng tư vấn, chăm sóc cây tại nhà theo nhu cầu… Anh Nguyễn Văn Linh, người dân ở xã Ea Kpam cho biết: “Để cây mai phát triển tươi tốt và cho hoa hằng năm là điều không đơn giản, phải có đủ kiến thức và kinh nghiệm mới làm được. Vì vậy, sau khi chơi Tết xong là tôi lại mang chậu mai đến nhà vườn nhờ chăm sóc hộ, vừa nhàn, vừa yên tâm... Vào dịp Tết có một cây mai để chưng thì cũng tốn vài triệu đồng, trong khi đó giá trả cho chủ vườn chăm sóc mai chỉ vài trăm nghìn đồng”.

Nhìn chung, quy trình chăm sóc mai ở các vườn thường giống nhau như: chăm sóc, cắt tỉa cành, tạo thế, dáng… nhưng mỗi nơi lại có một bí quyết riêng. Tuy nhiên, dù làm gì thì các chủ vườn vẫn phải đảm bảo sau một năm cây mai phát triển tươi tốt, trổ hoa đúng trong dịp Tết. Trong quá trình chăm sóc, nếu trường hợp cây bị chết hoặc mất thì nhà vườn phải đền, nếu mai không nở đúng vào dịp Tết thì chủ vườn phải chọn những cây có giá trị tương đương để khách mang về chưng. Nhìn chung, mỗi chủ vườn chỉ nhận vài chục gốc mai đổ lại để chăm sóc cho tốt, sau khi trừ mọi chi phí tiền nhân công, phân bón thì họ cũng có được nguồn thu đáng kể.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.