Multimedia Đọc Báo in

Khẳng định thương hiệu Simexco Đắk Lắk

13:40, 07/02/2021

Năm 2020, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp không ít khó khăn, một số DN không đứng vững phải phá sản, nhưng Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) vẫn giữ vững là DN xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam.

Simexco Đắk Lắk có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực là cà phê và hồ tiêu. Trải qua gần 30 năm phát triển, Simexco Đắk Lắk ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế, đưa hình ảnh của cà phê Buôn Ma Thuột vươn xa.

Vận chuyển cà phê phục vụ cho xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk
Vận chuyển cà phê phục vụ cho xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Thời gian qua, Simexco Đắk Lắk đã có những giải pháp tập trung nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu, thực hiện các chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa, sản xuất ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường. Từ năm 2009, công ty đã triển khai thực hiện Chương trình nông nghiệp bền vững ở hai mặt hàng chủ lực là cà phê và hồ tiêu được chứng nhận theo các bộ tiêu chuẩn chứng nhận toàn cầu: UTZ, 4C, Mưa rừng Rainforest Alliance, Công bằng thương mại Fairtrade FLO, Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. Hằng năm, công ty tổ chức khoảng 200 lớp tập huấn cho 8.000 nông dân về quy trình sản xuất, tái canh, thu hoạch và chế biến sau thu hoạch; hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc và chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê nhân Robusta có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Đơn vị cũng xây dựng hệ thống quản lý từ công ty đến nông hộ, kiểm tra giám sát và đánh giá nội bộ, tuân thủ thực hiện quy trình sản xuất, thu hoạch và chế biến sau thu hoạch.

Nhờ coi trọng chất lượng và đề cao chữ tín trong kinh doanh nên trong bối cảnh các thị trường lớn đang khắt khe về hàng rào thuế quan, kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm thì Simexco Đắk Lắk luôn có bước đột phá về thị phần xuất khẩu. Nông sản do đơn vị xuất khẩu có độ phủ sóng trên 48 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Hà Lan... Đây cũng là những thị trường có số lượng tiêu thụ sản phẩm trên 1.000 tấn/năm và là một trong số các thị trường truyền thống của công ty.  Đặc biệt, Simexco Đắk Lắk còn là một trong những đơn vị tiên phong trong việc sản xuất cà phê đặc sản “fine Robusta”. Sản phẩm của công ty đã tham gia Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2019 tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 và có sản phẩm đạt chất lượng đặc sản, được UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen.

Vận chuyển lô hàng phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk
Vận chuyển lô hàng phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk.

Để phục vụ công tác sản xuất kinh doanh, Simexco Đắk Lắk đầu tư xây dựng kho chứa hàng, nhà máy chế biến; lắp đặt thiết bị tiên tiến, hiện đại với năng lực chế biến đạt trên 120.000 tấn/năm. Đơn vị cũng đã chế biến được 20 tiêu chuẩn hàng xuất khẩu theo yêu cầu của khách hàng nước ngoài, trong đó có trên 50% lượng hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao giúp tăng giá trị của mặt hàng xuất khẩu. Công ty tiếp tục đầu tư mở rộng kho hàng tại Chi nhánh Bình Dương bằng việc xây dựng hệ thống silô chứa hàng công suất 3.000 tấn.

Ông Lê Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Simexco Đắk Lắk cho hay, trong thời gian tới, đơn vị vẫn sẽ kiên trì với định hướng tập trung nâng cao giá trị từ chuỗi cung ứng, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu bền vững, tăng cường thực hiện đồng bộ các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường... nhằm khẳng định vững chắc vị thế, chất lượng của cà phê Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, là đối tác tin cậy của nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng.

Trâm Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.