Multimedia Đọc Báo in

Ngày cuối năm trên công trình đường liên huyện Ea H'leo - Ea Súp

13:40, 07/02/2021

Những ngày này, không khí làm việc trên công trình đường giao thông liên huyện Ea H’leo - Ea Súp diễn ra khẩn trương, sôi nổi. Chủ đầu tư và các nhà thầu đang nỗ lực tăng tốc tiến độ để công trình về đích đúng và vượt tiến độ đề ra.

Dự án đường giao thông liên huyện Ea H’leo - Ea Súp được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư lần đầu tại Quyết định số 841/QĐ-UBND, ngày 17-5-2005 và điều chỉnh lần mới nhất tại Quyết định số 3662/QĐ-UBND, ngày 10-12-2019, với tổng mức đầu tư 345,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.

Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Công trình có chiều dài hơn 46 km, điểm đầu tại Km 626 Quốc lộ 14 (đoạn qua xã Ea Răl, huyện Ea H’leo), điểm cuối tuyến đoạn qua xã Ea Lê (huyện Ea Súp). Hiện đã hoàn thành 4/7 gói thầu, đưa vào sử dụng với tổng chiều dài khoảng 24,5 km. Thời gian thực hiện các gói thầu còn lại như gói thầu số 7 có chiều dài khoảng 14 km đoạn qua xã Ea Răl và Cư Mốt (huyện Ea H’leo), theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 5-2021. Gói số 1 (đoạn qua xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) chiều dài gần 9,5 km; gói số 2 (đoạn qua các xã Cư Kbang và xã Ea Lê, huyện Ea Súp) dài hơn 9 km đã được khởi công xây dựng vào cuối tháng 9-2020, theo hợp đồng ký kết thời gian thực hiện là 730 ngày (khoảng tháng 8-2022 sẽ hoàn thành). Song với quyết tâm cao, chủ đầu tư là Ban A đang phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, nỗ lực về đích trước thời hạn nói trên.

Đường giao thông liên huyện Ea H’leo - Ea Súp đoạn qua xã Cư Amung (huyện Ea H’leo) đã hoàn thành đưa vào  sử dụng
Đường giao thông liên huyện Ea H’leo - Ea Súp đoạn qua xã Cư Amung (huyện Ea H’leo) đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Có mặt tại công trình đường liên huyện Ea H’leo - Ea Súp, chúng tôi chứng kiến không khí lao động nhộn nhịp của công nhân và dàn máy móc, thiết bị thi công trên toàn tuyến. Dịp cuối năm là thời điểm mùa khô, thuận lợi cho công đoạn thảm nhựa mặt đường nên các đơn vị đảm nhận thi công công trình này đã huy động nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm kế hoạch đề ra. Tại Km21+400 đoạn qua xã Cư Amung (huyện Ea H’leo), Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn đã huy động xe lu, xe chở vật liệu để kịp thảm nhựa lớp 1 trước Tết. Trên tuyến đoạn qua xã Ea Lê (huyện Ea Súp), công nhân và máy móc của liên danh Công ty TNHH Hoài Ân và Công ty TNHH Xây dựng Phú Thịnh đang khẩn trương thảm nhựa gói thầu do đơn vị đảm nhận.

Ông Phạm Văn Hạ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh cho hay, quá trình thi công dự án gặp nhiều bất lợi do điều kiện thời tiết, nhưng với sự chủ động của nhà thầu, nhiều gói thầu đạt và vượt tiến độ. Song song với đẩy nhanh tiến độ, chủ đầu tư cũng phân công cán bộ tăng cường giám sát quá trình thi công đối với nhà thầu để bảo đảm chất lượng công trình.

Thi công đường liên huyện Ea H’leo - Ea Súp đoạn qua  xã Ea Lê (huyện Ea Súp)
Thi công đường liên huyện Ea H’leo - Ea Súp đoạn qua xã Ea Lê (huyện Ea Súp).

Người dân dọc tuyến đường dự án đi qua cũng tỏ ra rất phấn khởi khi sắp có tuyến đường hoàn thiện, thuận lợi hơn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Ông Hoàng Văn Cường (thôn 15, xã Ea Lê, huyện Ea Súp) chia sẻ: gia đình ông sinh sống ở đây từ năm 1997, hơn hai mươi năm qua đường sá đi lại khó khăn, hàng hóa sản xuất ra bị tư thương ép giá, con cái đi học rất vất vả. Nay đường liên huyện cơ bản thông tuyến, quãng đường từ huyện Ea Súp đến huyện Ea H’leo rút ngắn còn 1/3, việc đi lại thuận tiện, gia đình ông và bà con vùng biên yên tâm sinh sống, sản xuất.

Đường liên huyện Ea H’leo - Ea Súp hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu giao thông, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biên giới. Đặc biệt, phá thế độc đạo của Tỉnh lộ 1, rút ngắn khoảng cách 1/3 quãng đường giữa huyện biên giới Ea Súp với các địa phương vùng cánh Bắc của tỉnh như Ea H’leo, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ.

Huệ Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.