Multimedia Đọc Báo in

Những "miệt vườn" nơi vùng biên

18:36, 10/02/2021

Ai đã đến vùng biên giới Ea Súp chừng 5 -10 năm nay mà chưa có dịp trở lại có lẽ không thể tin được vùng đất khắc nghiệt ấy giờ đây lại có những “miệt vườn” cây trái xanh mướt quanh năm.

Bài toán thoát nghèo cho vùng đất này đã có lời giải khi những loại cây ăn trái được người dân quê miền Tây Nam Bộ đưa về huyện Ea Súp mấy năm nay. Từ một vài hộ trồng thử nghiệm một ít diện tích, đến nay Ea Súp đã có nhiều mô hình cây ăn trái, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân miền biên viễn.

Đi qua đoạn đường đất quanh co, chúng tôi vào thăm nhà của ông Đoàn Văn Tài (ở thôn 6, xã Ia R’vê) vào một ngày đầu mùa khô. Ngoài trời nóng hầm hập, nhưng trong căn nhà nhỏ của ông lại mát rượi vì ở giữa vườn cây xanh tốt. Lão nông sinh năm 1958 có khuôn mặt phúc hậu, phong thái chân chất nhưng phóng khoáng của người miền Tây. Ông Tài quê ở huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre), lên đây từ năm 2006 theo chủ trương giãn dân tại Đoàn kinh tế - quốc phòng 737.

Vườn cây của Hợp tác xã cây ăn trái Vang Thanh (xã Ya Tờ Mốt)
Vườn cây của Hợp tác xã cây ăn trái Vang Thanh (xã Ya Tờ Mốt).
Ðể nâng cao hiệu quả của cây ăn trái, huyện Ea Súp sẽ phát triển những giống có chất lượng cao như: ổi không hạt, nhãn, chuối Nam Mỹ, xoài cát Hòa Lộc… Ðồng thời khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân để hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái quy mô lớn, tăng năng suất, chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm nâng cao vị thế cây ăn trái trên vùng biên.

Năm 2015, ông Tài mua 1,5 ha đất trồng sắn của người dân địa phương, cải tạo rồi về quê đưa giống cam sành lên trồng. Vốn giỏi về nghề trồng cây ăn trái, nhưng vụ đầu tiên ông cũng thất bại vì khí hậu, nguồn nước vùng này khác hẳn ở xứ dừa Bến Tre. Ông Tài điều chỉnh bằng cách đào mương để tránh úng nước vào mùa mưa, mùa khô thì nước bơm lên ao để giảm bớt phèn rồi mới tưới. Nhờ vậy, vườn cây phát triển tốt, cho thu hoạch ổn định từ vụ thứ hai. Hiện vườn nhà ông Tài có 2.800 cây cam sành, mỗi năm thu hai lứa được gần 80 tấn quả, thương lái đến thu mua tận nơi, mang lại cho gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Năm 2015, anh Lê Văn Thanh (thôn 14A, xã Ya Tờ Mốt) đến các tỉnh Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp mua một số giống ổi, xoài, chanh… về trồng xen trong vườn nhà. Cây trồng của gia đình anh phát triển tốt, sau 3 năm bắt đầu cho thu hoạch, sản phẩm được thương lái đến tận nhà thu mua với giá ổn định. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của mô hình kinh tế này, anh Thanh mạnh dạn chuyển đổi dần 5 ha mía sang trồng cây ăn trái, hiện cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Năm 2017, anh Thanh cùng với với 19 nông dân địa phương thành lập Hợp tác xã cây ăn trái Vang Thanh, liên kết trồng 50 ha cây ăn trái như: nhãn, xoài, ổi, bưởi da xanh…, mỗi năm xuất ra thị trường hàng trăm tấn trái cây các loại.

Huyện Ea Súp hiện có khoảng 2.000 ha cây ăn trái, sản lượng 35.000 tấn, trong đó xoài chiếm 35%, các loại cây có múi 23,4%, nhãn, chuối, mãng cầu và cây ăn quả khác chiếm 41,6%. Theo kế hoạch đến năm 2030, toàn huyện ổn định diện tích 3.500 ha cây ăn trái, sản lượng 50.000 tấn.

Minh Thông

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.