Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực giảm nghèo ở Ea Uy

06:10, 24/02/2021

Thời gian qua, xã Ea Uy (huyện Krông Pắc) đã triển khai thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Gia đình anh Hoàng Đình Tú ở buôn Hằng 1A trước đây là hộ nghèo, nguồn thu nhập chính dựa vào 2 sào cà phê già cỗi. Năm 2018, gia đình anh Tú được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 2 con dê sinh sản từ mô hình giảm nghèo bền vững. Được quan tâm hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi từ các lớp tập huấn, anh Tú đã mạnh dạn phát triển đàn dê đến nay lên 30 con. Ngoài được hỗ trợ dê giống, gia đình anh Tú còn được UBND xã cho nhận thầu hồ nước khoảng 3 ha để trồng lúa, nuôi cá. Chính những sự trợ lực kịp thời này đã giúp gia đình anh vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Mô hình cải tạo vườn tạp cho thu nhập khá ở xã Ea Uy, huyện Krông Pắc.
Mô hình cải tạo vườn tạp cho thu nhập khá ở xã Ea Uy, huyện Krông Pắc.
“Toàn xã hiện còn 98 hộ nghèo, giảm 281 hộ so với năm 2016. Tất cả các hộ gia đình được thụ hưởng chương trình giảm nghèo trên địa bàn xã đến nay đều đã thoát nghèo”.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Ea Uy

Cũng giống như gia đình anh Tú, gia đình chị Nhơng (dân tộc Xê Đăng) ở buôn Đăk Leng 2 có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chồng mất sớm, không có nhà ở, các con đang tuổi ăn học, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ dựa vào số tiền ít ỏi từ làm thuê. Năm 2018, chị được UBND xã hỗ trợ 2 con bò sinh sản từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhờ nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi thông qua các lớp tập huấn, đến nay bò đã sinh sản được thêm một con bê và phát triển tốt. Ngoài ra, chị Nhơng còn được chính quyền địa phương hỗ trợ 1,3 sào đất trồng lúa theo Chương trình dự án 755 của Thủ tướng Chính phủ để cải thiện cuộc sống. Nhờ sự quan tâm, động viên về nhiều mặt của chính quyền các cấp, gia đình chị đã từng bước thoát khỏi khó khăn.

Để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, năm 2019 UBND xã Ea Uy đã hỗ trợ 10 hộ gia đình ở buôn Hằng 1C với mức 23 triệu đồng/hộ để cải tạo vườn tạp, khoan giếng, làm bờ rào, mua cây giống, làm nhà vệ sinh và mỗi hộ 1 con bò cái sinh sản. Gia đình anh A Phim là một trong những hộ được thụ hưởng chương trình này. Do hoàn cảnh gia đình không có người lao động, UBND xã đã ủng hộ toàn bộ ngày công để làm tường rào, chăm sóc bò cho gia đình, đồng thời cử cán bộ luân phiên trồng và chăm sóc vườn cây đến khi thu hoạch, tạo mọi điều kiện để gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ tận tình, hơn 2 sào cà phê già cỗi, kém năng suất trước đây của gia đình A Phim nay đã được phủ kín bằng vườn cây ăn trái; nhà cửa được gia cố, có hàng rào bao bọc xung quanh... Anh A Phim cảm kích nói: "Khó khăn, thiếu thốn kéo dài khiến cuộc sống gia đình rơi vào bế tắc. Do đó, sự trợ lực kịp thời bằng vật nuôi, cây giống, công lao động và hỗ trợ khoa học kỹ thuật của chính quyền địa phương đã tạo sinh kế cho gia đình, giúp tôi có định hướng để phát triển, ổn định cuộc sống trong tương lai".

Mô hình nuôi dê luân chuyển do Trạm Khuyến nông huyện Krông Pắc hỗ trợ hộ nghèo tại xã Ea Uy
Mô hình nuôi dê luân chuyển do Trạm Khuyến nông huyện Krông Pắc hỗ trợ hộ nghèo tại xã Ea Uy.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Ea Uy cho biết, thực hiện Nghị quyết số 11 của Ban Thường vụ Huyện ủy về Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2018 - 2020, đảng ủy, chính quyền địa phương luôn coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng. Giai đoạn từ 2016 – 2020, toàn xã có 9 mô hình giảm nghèo được triển khai từ các nguồn vốn với hơn 200 hộ được thụ hưởng. Việc triển khai lồng ghép có hiệu quả các chương trình giảm nghèo đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và người dân vùng khó khăn.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.