Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Ea Bar phát triển các mô hình kinh tế tập thể

06:12, 24/02/2021

Thời gian qua, Hội Nông dân xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) đã vận động người dân xây dựng nhiều mô hình kinh tế tập thể phù hợp với điều kiện của địa phương, mang lại hiệu quả trong sản xuất.

Nhận thấy triển vọng từ mô hình trồng rau trên địa bàn xã, tháng 11-2019, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hợp tác (THT) trồng rau, gồm 15 thành viên, với tổng diện tích khoảng 5 ha rau, củ các loại; trong đó, rau ngót và măng tây chiếm hơn 2 ha. Sau khi thành lập, THT đã được Phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn hỗ trợ cây giống, tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo… Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn THT sản xuất theo quy trình VietGAP, giúp người dân đưa hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương vào sản suất; sử dụng phân hữu cơ bón lót cho cây, hạn chế dùng phân và thuốc hóa học trong quá trình chăm sóc. Với chứng nhận rau đạt tiêu chuẩn VietGAP đã giúp sản phẩm có mức giá cao hơn so với việc canh tác thông thường.

Người dân xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) đang thu hoạch rau ngót.
Người dân xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) đang thu hoạch rau ngót.

Ông Nguyễn Bá Ngọc, Tổ trưởng THT cho biết, trước đây người dân trồng rau với diện tích nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình. Khi thành lập THT, người dân chủ động tham gia và đầu tư sản xuất, tăng diện tích gieo trồng. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Tổ cũng thường xuyên tổ chức họp định kỳ, trao đổi kinh nghiệm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình trồng trọt… Sản phẩm rau của THT được Công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) thu mua và bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi tháng THT cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn rau, củ các loại, mang lại thu nhập ổn định cho người dân hơn 10 triệu đồng/sào/vụ (trồng 2 – 3 vụ rau/năm).

Tương tự, tháng 9-2020, Hội Nông dân xã cũng thành lập THT nuôi gà, với 20 thành viên. Phòng NN-PTNT huyện đã hỗ trợ mỗi thành viên trong THT 100 con gà giống và mở lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc; cách phòng dịch bệnh cho vật nuôi; hướng dẫn người dân chăn nuôi bằng phương pháp sử dụng đệm lót sinh học… giúp họ yên tâm sản xuất. Bà Trần Thị Xâm (thôn 8), thành viên THT nuôi gà chia sẻ, trước đây gia đình nuôi gà theo phương pháp truyền thống nên gà thường bị bệnh dịch và chậm lớn. Từ khi tham gia THT, được hướng dẫn cách sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, bà đã áp dụng phương pháp này cho mô hình nuôi gà của gia đình. Chỉ sau ba tháng, đàn gà 200 con của gia đình đạt trọng lượng hơn 2 kg/con, với giá bán 60.000 – 65.000 đồng/kg, đã mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình bà.

Mô hình trồng măng tây của Tổ hợp tác trồng rau.
Mô hình trồng măng tây của Tổ hợp tác trồng rau.

Ngoài ra, Hội Nông dân xã còn thành lập thêm THT trồng dâu nuôi tằm, gồm 3 thành viên, trồng khoảng 2,4 ha dâu. Sau 15 ngày chăm sóc, tằm đã cho thu hoạch kén, trung bình đạt 40 – 50 kg kén/hộp. Sản phẩm được bán qua tỉnh Lâm Đồng, với giá từ 100.000 – 150.000 đồng/kg, giúp người dân thu lãi từ 5 – 6 triệu đồng/hộp.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bar, nhiều năm nay, địa phương luôn chú trọng đến vấn đề phát triển kinh tế tập thể nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả trong sản xuất. Đến nay, Hội đã thành lập được 3 THT (trồng rau, nuôi gà, trồng dâu nuôi tằm). Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ về cây giống, con giống, kỹ thuật… của Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông huyện, đã giúp người dân có thêm động lực để phát triển kinh tế. Các THT hiện đang hoạt động hiệu quả và mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Trong thời gian tới, Hội sẽ vận động người dân thành lập thêm các THT nuôi thỏ, dê… phù hợp với thực tế địa phương. Bên cạnh đó, Hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để tạo đầu ra thuận lợi.

Phương Thảo

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.