Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Những bước đi vững vàng
Sau 5 năm (2016 - 2020) thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp của Đắk Lắk đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là liên kết sản xuất rất được chú trọng đã tạo ra được nhiều giá trị cho nông sản của tỉnh.
Theo Sở NN-PTNT, để thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp chuyển biến mạnh mẽ, ngành nông nghiệp Đắk Lắk tập trung thực hiện vào 5 đột phá chính, gồm: ứng dụng công nghệ cao; tổ chức lại sản xuất; thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp; đầu tư phát triển thủy lợi; xây dựng thương hiệu, chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và thế giới.
Thu hoạch lúa của các hộ dân liên kết với Công ty TNHH MTV Cà phê 719 tại xã Ea Kly (huyện Krông Pắc). |
Theo kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị tổng sản phẩm ngành nông, lâm, thủy sản đạt 4,33%/năm; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, đưa giá trị sản phẩm hữu cơ trên 1 ha cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ...
|
Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020 tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh liên tục tăng, trung bình đạt 5,64%/năm, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích bình quân đạt 112 triệu đồng/ha, cao gấp 1,37 lần so với năm 2015. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng quy mô lớn, tập trung, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; kết cấu hạ tầng, hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng đa mục tiêu, bảo đảm chủ động tưới cho 82% diện tích cây trồng... Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã có sự chuyển biến rõ nét về chất lượng, đã và đang góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Điều đáng chú ý là các hình thức liên kết sản xuất được quan tâm thực hiện ở các địa phương. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 112 dự án liên kết theo chuỗi (có 9 chuỗi cấp tỉnh, 103 chuỗi cấp huyện). Bên cạnh đó, kinh tế tập thể được củng cố, tiếp tục chuyển đổi hợp tác xã (HTX) hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, chất lượng hoạt động của các HTX ngày càng được nâng cao. Các HTX chủ động hơn trong việc hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và đã có 77 HTX nông nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đã tạo cơ hội cho nông dân được chuyển giao và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất; đồng thời khai thác được nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thị trường của các doanh nghiệp. Các cơ sở, doanh nghiệp liên kết đã đưa sản phẩm vào hệ thống cửa hàng, các siêu thị như: Big C, Co.op mart, Vinmart... và xuất khẩu, góp phần tạo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bảo đảm cho điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (bên trái) thăm vườn cà phê của HTX Dịch vụ nông nghiệp Công bằng Ea Kmat Hòa Đông (huyện Krông Pắc). |
Tiêu biểu như huyện Krông Pắc, trong năm 2020 đã tìm kiếm, khảo sát các dự án để tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân. Đối với cây lúa, Công ty TNHH MTV Cà phê 719 đã liên kết với các hộ nông dân và HTX trên địa bàn xã: Ea Kly, Hòa An, Ea Uy và Ea Hiu hình thành được 5 cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích 1.075 ha để sản xuất lúa giống và lúa, gạo thương phẩm. Đối với thế mạnh cây ăn quả, địa phương cũng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX liên kết với hộ dân thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên cây chanh dây, chuối cấy mô, sầu riêng… Đồng thời, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị xuất khẩu, huyện đã triển khai thực hiện cấp 20 mã vùng trồng cho 425 ha sầu riêng tại xã Ea Kênh và Ea Yông…
Vườn cam trĩu quả của gia đình ông Đoàn Văn Tài (thôn 6, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp). Ảnh: M.Thông |
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương đánh giá: liên kết sản xuất đã và đang giúp ngành nông nghiệp tổ chức lại sản xuất, giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác cũng như gia tăng giá trị nhiều loại nông sản chủ lực của tỉnh. Sắp tới, tỉnh tập trung vào tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với nhóm sản phẩm chủ lực theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và xúc tiến thị trường, xuất khẩu với chuỗi giá trị toàn cầu... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc