Multimedia Đọc Báo in

Thơm hương cà phê giữa vùng đất khó

08:51, 18/02/2021

Dưới sự dẫn dắt của Hợp tác xã Cà phê chất lượng cao Skin Coffee (HTX), nhiều nông dân ở xã Ea Sin (huyện Krông Búk) và các vùng lân cận đã thay đổi dần cách thu hoạch và chế biến sau thu hoạch cà phê, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Với chị Lê Thị Hạnh (buôn Ea Kring, xã Ea Sin), việc thu hái cà phê quả chín và các công đoạn chế biến bán ướt (semi-washed) không vất vả hơn so với thu hoạch thông thường mà lại được lợi về giá. Gia đình chị Hạnh có 1,7 ha cà phê, tổng sản lượng hằng năm đạt từ 4 – 7 tấn. Mấy năm gần đây, giá cà phê luôn ở mức thấp khiến gia đình chị rơi vào khó khăn vì đầu tư không có lãi.

Năm 2019, chị tham gia các lớp tập huấn do HTX tổ chức và bắt đầu chế biến cà phê bán ướt từ vụ thu hoạch năm ấy. Chị chia sẻ, sản xuất cà phê chất lượng cao không hề phức tạp như tưởng tượng ban đầu. Điều quan trọng nhất là phải thu hái cà phê với tỉ lệ chín cao. Cà phê được rửa qua nước để làm sạch, vớt bỏ quả lép rồi cho vào máy bóc tách vỏ, ủ lên men và phơi khô. Gia đình chị chưa đầu tư được giàn phơi trên cao nên HTX hướng dẫn phơi một lớp mỏng trên bạt và đảo thường xuyên để hạt cà phê khô nhanh và đều.

Vụ đầu tiên, gia đình chị làm được 1 tấn cà phê đạt tiêu chuẩn. Sau khi bán cho HTX, chị được cộng giá và có thêm 12 triệu đồng. Phần chênh lệch này tương đương với gần 3 tạ cà phê nhân xô thông thường cùng thời điểm. Vụ thu hoạch này, gia đình chị đã tự tin hơn trong việc chế biến bán ướt, dự kiến chọn lọc được 2 tấn cà phê chất lượng cao.

Chị Lê Thị Hạnh phơi cà phê chế biến bán ướt sau thu hoạch.
Chị Lê Thị Hạnh phơi cà phê chế biến bán ướt sau thu hoạch.
"Năm 2021, HTX sẽ tiếp tục tham gia chương trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với sản phẩm cà phê hạt chất lượng cao, nắm bắt cơ hội này để tiếp tục nâng tầm và quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn nữa". 
Anh Trần Văn Thuận - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Cà phê chất lượng cao Skin Coffee

Nhớ lại những ngày đầu chọn vùng đất Ea Sin để lập nghiệp, anh Trần Văn Thuận, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Cà phê chất lượng cao Skin Coffee tâm sự, bà con trong vùng canh tác cà phê rất chật vật vì địa bàn xã vừa cách xa trung tâm, xa quốc lộ, lại thường xuyên thiếu nước tưới. Vốn có kinh nghiệm trong nghề mua bán nông sản, anh Thuận nghĩ chỉ có cách làm cà phê chất lượng cao mới có thể giúp bà con phát triển hiệu quả. Vì thế, anh bắt tay thực hiện với cà phê của gia đình trước để các nông dân khác có thể trực tiếp tham quan, đánh giá hiệu quả của phương pháp này. Năm 2018, anh vừa chăm sóc phục hồi hơn 5 ha cà phê của gia đình, vừa chọn lọc cà phê quả chín để chế biến theo các phương pháp lên men (Honey, Natural).

Đầu vụ thu hoạch năm 2019, anh Thuận vận động thành lập HTX với 8 thành viên, liên kết với hơn 40 hộ nông dân canh tác cà phê tại các xã Ea Sin, Cư Kpô, Cư Né (huyện Krông Búk) và xã Ea Nam, Ea Wy (huyện Ea H’leo). HTX đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, cam kết thu mua toàn bộ cà phê đạt chất lượng của thành viên và nông dân liên kết với giá cao hơn giá thị trường cùng thời điểm. Cà phê chế biến theo phương pháp Honey được cộng thêm 12.000 đồng/kg nhân, cà phê chế biến theo phương pháp Natural được cộng thêm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Từ nguồn cà phê này, trong năm 2020, HTX đã xuất bán 100 tấn cà phê nguyên liệu chất lượng cao cho các nhà rang xay và sản xuất hơn 15 tấn cà phê bột. Sản phẩm cà phê bột Skin Coffee của HTX cũng đã được chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao cấp tỉnh .

Anh Trần Văn Thuận theo dõi quá trình rang cà phê tại HTX Cà phê chất lượng cao Skin Coffee.
Anh Trần Văn Thuận theo dõi quá trình rang cà phê tại HTX Cà phê chất lượng cao Skin Coffee.

Anh Thuận cho biết, thành công lớn nhất của HTX là tạo được niềm tin về giá trị của cà phê chất lượng cao, từ đó thay đổi tư duy, tập quán sản xuất cà phê của nông dân. Tuy nhiên, khó khăn mà các nông dân gặp phải là thiếu vốn đầu tư. Để sản xuất cà phê chế biến ướt, HTX đã hỗ trợ nông dân 40% giá mua máy bóc tách vỏ, nhưng toàn HTX cũng chỉ mới có 5 máy. Đến vụ thu hoạch, nông dân phải thuê máy sản xuất khiến lượng cà phê đạt chất lượng cao vẫn còn khá khiêm tốn so với tổng sản lượng. Chính vì vậy, HTX rất mong nhận được sự tiếp sức từ các cơ quan, đơn vị để nông dân tại những địa bàn còn nhiều khó khăn như Ea Sin tiếp cận được nguồn hỗ trợ và xây dựng vùng cung ứng cà phê chất lượng cao, hướng đến các giải pháp canh tác bền vững, thân thiện với môi trường.

Đinh Nga

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.