Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ ứng dụng nông nghiệp thông minh

07:04, 05/03/2021

TP. Buôn Ma Thuột có diện tích tự nhiên hơn 37.700 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 70%, riêng diện tích đất trồng trọt chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh đồng nghĩa với đất nông nghiệp tại TP. Buôn Ma Thuột dần thu hẹp lại. Việc triển khai thực hiện hàng loạt các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn đã tạo điều kiện cho nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố phát triển. Những trang trại, nhà kính, nhà màng, cùng nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng đã ứng dụng một phần, hoặc cả hệ thống các thiết bị nông nghiệp thông minh (còn gọi là hệ thống điều khiển tự động) trong quá trình sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường nghe giới thiệu sản phẩm cà chua trái cây ứng dụng nông nghiệp thông minh.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường nghe giới thiệu sản phẩm cà chua trái cây ứng dụng nông nghiệp thông minh.

Ở Công ty TNHH Ban Mê Green Farm, hiện tất cả các trang trại sản xuất cà chua trong nhà màng của công ty đều lắp đặt hệ thống thiết bị nông nghiệp thông minh. Hệ thống điều khiển tự động trong lĩnh vực trồng trọt gồm có hộp cảm biến, bộ điều khiển trung tâm, bộ định tuyến wifi và các thiết bị liên quan trong nông nghiệp thông minh. Hệ thống này giúp người sản xuất nắm bắt kịp thời môi trường và có biện pháp tác động đáp ứng nhu cầu của cây, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện sản phẩm cà chua của công ty đạt chất lượng cao và được nhiều tỉnh thành trong nước đặt hàng. Chị Nguyễn Thái Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Ban Mê Green Farm cho biết, đến thời điểm này công ty đã liên kết thiết kế xây dựng, chuyển giao công nghệ sản xuất cà chua trái cây trong nhà màng cho 10 cơ sở tại TP. Buôn Ma Thuột và một số địa phương trên địa bàn tỉnh và bao tiêu đầu ra cho các cơ sở.

Theo anh Y Rin, chủ mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng tại phường Khánh Xuân, trước kia làm nông nghiệp truyền thống phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, môi trường, dù có bỏ nhiều công chăm sóc nhưng thời tiết không thuận lợi thì rủi ro rất lớn, thậm chí có thể mất trắng. Gần đây anh Y Rin đã áp dụng bộ cảm biến kiểm soát, giám sát 24/24 giờ các chỉ tiêu môi trường liên quan, cảnh báo các chỉ số về yếu tố tự nhiên và kết nối qua “app” trên điện thoại thông minh; từ đó, anh có thể điều chỉnh chế độ tưới kết hợp bổ sung dinh dưỡng kịp thời theo nhu cầu của cây. Nhờ vậy, vườn dưa của gia đình Y Rin luôn đạt năng suất và chất lượng cao, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cuối năm 2020.

Vườn dưa lưới ứng dụng hệ thống nông nghiệp thông minh của Công ty TNHH Tinh Hoa Farm.
Vườn dưa lưới ứng dụng hệ thống nông nghiệp thông minh của Công ty TNHH Tinh Hoa Farm.

Đối với các trang trại quy mô lớn, gồm nhiều khu nhà kính sản xuất dưa lưới liền kề như ở Công ty Tinh Hoa Farm của chị Nguyễn Thị Huệ (phường Tân Hòa), bộ điều khiển trung tâm có khả năng điều hành toàn bộ thiết bị của trang trại để giám sát, kiểm soát các yếu tố liên quan trong quá trình sản xuất, như quạt làm mát, đèn, bơm phun sương, bơm dinh dưỡng, máy lạnh… xử lý cả các thông số (nhiệt độ, không khí, nhiệt độ nước, cường độ ánh sáng…) được báo về từ hộp cảm biến. Chị Huệ cho hay, chị đã lắp đặt công nghệ quản lý hệ thống cảm ứng tự động được đặt hàng lập trình riêng cho cây dưa lưới giống Nhật Bản nhằm tạo môi trường phù hợp nhất cho dưa lưới phát triển. Hệ thống này góp phần quyết định đến năng suất, chất lượng của trang trại dưa lưới, đáp ứng các tiêu chí gắt gao của chứng nhận Global GAP mà trang trại đã được Tổ chức Chứng nhận Quốc tế Bureau Veritas Certification cấp vào năm 2019.

Không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, ứng dụng nông nghiệp thông minh còn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các hệ thống cảm biến và điều khiển các thông số trong quá trình sản xuất có thể được lưu trữ, xử lý để cung cấp cho việc truy tìm xuất xứ của sản phẩm sau này, tạo nền tảng cho việc phát triển ứng dụng nhật ký canh tác, phân tích các dữ liệu cho nguồn cung - cầu. Điều này giúp người sản xuất và cơ quan quản lý dễ dàng xác định tổng lượng đầu tư, chi phí sản xuất hằng năm cũng như dự tính sản lượng sản phẩm để có kế hoạch liên kết đầu ra tốt nhất.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, ngoài các mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, nhà kính, các mô hình sản xuất ngoài trời cũng đã ứng dụng các thiết bị thông minh, điều khiển tự động như hộp cảm biến, hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước cho cà phê, cây ăn quả, rau hữu cơ tại các địa phương như: Hòa Phú, Hòa Thuận, Cư Êbur, Hòa Thắng, Ea Tu… và đã phát huy hiệu quả rõ rệt.

Ứng dụng các thiết bị thông minh trong sản xuất nông nghiệp đã tạo ra sản phẩm đáp ứng các tiêu chí VietGAP, tiêu chí hữu cơ mà TP. Buôn Ma Thuột đã và đang xây dựng kế hoạch đánh giá để tiếp tục hỗ trợ chứng nhận trong thời gian tới, tạo điều kiện cho nông dân liên kết đầu ra các sản phẩm chất lượng.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.