Multimedia Đọc Báo in

Phòng chống "giặc lửa" tấn công rừng trong mùa khô

06:21, 24/03/2021

Mùa khô năm 2021 đang bước vào thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh ở mức cao. Để đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) hiệu quả, các chủ rừng, địa phương có rừng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để ứng phó với “giặc lửa”.

Tại Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ 59.491,2 ha rừng đặc dụng với địa hình gồm nhiều dãy núi cao, chia cắt, nếu xảy ra cháy sẽ rất khó ngăn chặn.

Vào mùa khô, những cánh rừng tiềm ẩn nguy cơ cháy cao vì lớp thực bì có độ dày từ 5 - 10 cm nên dễ bắt lửa; có gần 10.000 ha rừng lá kim nằm trong vùng lõi - những loại cây này có nhiều tinh dầu nên nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Ngoài ra, vào mùa khô người dân ở những khu vực giáp ranh với VQG tranh thủ phát dọn, đốt thực bì trên nương rẫy dễ làm lửa cháy lan vào rừng. Chưa kể tình trạng người dân xâm nhập trái phép vào rừng săn bắn, khai thác các lâm sản phụ sử dụng lửa để hút thuốc, nấu nướng có thể gây ra cháy rừng…, do đó việc triển khai các biện pháp phòng cháy luôn được đơn vị chủ động.

“Chúng tôi lấy phòng là chính, ngay từ đầu mùa khô là đã xây dựng phương án và gấp rút triển khai. Chứ ở đây địa hình rừng núi phức tạp nếu xảy ra cháy thì dập lửa vô cùng khó khăn, gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng”, ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc VQG Chư Yang Sin cho hay.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy.
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy.

Cụ thể, trong mùa khô này, VQG Chư Yang Sin đã tiến hành phát dọn hơn 60 km đường băng cản lửa, làm mới bảng cấm lửa, ký hơn 1.000 bản cam kết phòng cháy, không gây cháy rừng với các hộ dân sống gần rừng. Cùng với đó, Vườn đã phân công cán bộ túc trực ngày đêm ở các chòi canh lửa nằm trong vùng lõi của Vườn để theo dõi, thông tin kịp thời khi có cháy xảy ra; tiến hành xử lý vật liệu cháy ở những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao, đặc biệt là khu vực phân bố loài thông ba lá; tổ chức tuyên truyền công tác PCCCR cho người dân thông qua các cuộc họp thôn, buôn; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát…

Tương tự, tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy (huyện Ea H’leo) quản lý diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng nằm trong khu vực có nguy cơ cháy cao. Hệ sinh thái rừng ở đây là rừng khộp vào mùa khô cây rụng lá tạo nên thảm thực bì dày, dễ gây cháy lớn. Để ngăn thảm thực bì dày khi cháy sẽ gây ảnh hưởng đến rừng, đơn vị đã chủ động đốt non (đốt thực bì nhiều lần trong mùa khô) để hạn chế nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 510.000 ha rừng, trong đó hơn 200.000 ha rừng được xác định là khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rất cao, chủ yếu là rừng khộp, rừng lá kim, rừng hỗn giao và rừng trồng có nhiều vật liệu dễ gây cháy, nhất là vào các tháng cao điểm của mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 4). Diện tích rừng có nguy cơ cháy rất cao tập trung tại các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo với 196.466,55 ha và 28.656,09 ha rừng tại các huyện M’Drắk, Krông Bông, Ea Kar, Lắk và Krông Năng.

Cán bộ  kiểm lâm Vườn quốc gia Chư Yang Sin tuyên truyền, vận động các hộ dân sống gần rừng ký cam kết  không gây cháy rừng.
Cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Chư Yang Sin tuyên truyền, vận động các hộ dân sống gần rừng ký cam kết không gây cháy rừng.

Để đảm bảo công tác PCCCR hiệu quả, kịp thời, ông Mai Văn Kiện, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, đơn vị đã triển khai Kế hoạch số 384/KH-UBND, ngày 13-1-2021 của UBND tỉnh về bảo vệ rừng và PCCCR năm 2021 đến các đơn vị trực thuộc, các chủ rừng và địa phương. Trong đó, yêu cầu các đơn vị chủ rừng, địa phương chủ động xây dựng, triển khai phương án PCCCR theo phương châm bốn tại chỗ và phòng cháy là chính, song phải kiên quyết xử lý khi đám cháy mới phát sinh, báo cáo kịp thời tình hình PCCCR lên cấp trên để chủ động ứng phó trong mọi tình huống. Đồng thời tổ chức kiểm tra công tác PCCCR đối với các chủ rừng và địa phương, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý những đơn vị lơ là đối với công tác này; tuyên truyền rộng rãi đến người dân về việc chung tay bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng... Cùng với đó, duy trì lực lượng chốt chặn, tuần tra phát hiện cháy rừng ở các địa bàn; tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ tiếp nhận thông tin cháy rừng khi cảnh báo cháy rừng mức độ IV và V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm); bảo đảm kinh phí, trang bị thiết bị, phương tiện để xử lý khi có cháy rừng xảy ra…

Mặc dù thời tiết trong mùa khô nắng nóng gây nhiều nguy cơ dẫn đến cháy rừng nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các cấp, ngành, các chủ rừng trong công tác PCCCR đã góp phần ngăn ngừa tình trạng cháy rừng xảy ra, nhờ đó những cánh rừng vẫn đang được đảm bảo an toàn.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc