Multimedia Đọc Báo in

"Than trời" vì không thuê được người hái tiêu

08:49, 18/03/2021

Vụ thu hoạch hồ tiêu năm nay, nông dân trong tỉnh chưa kịp vui mừng vì được giá, thì lại đối mặt với nỗi lo khan hiếm nhân công thu hoạch. Nhiều nhà vườn thắt ruột khi hồ tiêu chín khô trên cây nhưng... không thuê được người hái.

Nhiều chủ vườn tiêu ở huyện Ea H’leo, Cư M’gar... tất tả đi tìm thuê nhân công, nhưng đành về tay không. Chị Lý Thị Ngọc Nhi, ở thôn Hiệp Hòa (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) có 1.000 trụ tiêu, sốt ruột nói: "Mọi năm cũng thiếu lao động, nhưng không đến nỗi khan hiếm như năm nay, dù giá thuê công hái tiêu liên tục tăng. Năm ngoái, giá thuê 170.000 đồng/người/ngày, hiện nay đã tăng lên 200.000 đồng/người/ngày, chưa kể còn hỗ trợ thêm 5.000 - 10.000 đồng tiền xe đi lại, lo bữa ăn phụ mà thuê rất khó".

Nông dân huyện  Cư M'gar  thu hoạch hồ tiêu.
Nông dân huyện Cư M'gar thu hoạch hồ tiêu.

Cách đó không xa, vườn hồ tiêu hơn 600 trụ của chị Phạm Thị Thu Hằng phần nhiều đã chín khô trên cây nhưng vẫn chờ người hái. Chưa năm nào chị Hằng thu hoạch tiêu muộn như vụ này. Chị Hằng than thở: “Tiêu chín, rụng chuỗi xuống gốc rồi, rơi vãi hạt, xót hết cả ruột. Hơn 10 ngày nay, tôi lặn lội khắp nơi thuê người hái mà tìm không ra. Để thu hoạch vườn hồ tiêu, tôi cần khoảng 70 ngày công. Mọi năm, ra Tết là bắt tay vào thu hoạch hồ tiêu, mỗi ngày có từ 7 - 9 nhân công thu hái, còn năm nay đành nhìn tiêu chín rụng".

Với những nhà vườn may mắn tìm thuê được nhân công, chủ vườn có thêm nhiều “ưu đãi’ hơn để giữ chân lao động.  Anh Nguyễn Văn Hùng (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) cho biết, mấy năm nay, nhân công thu hoạch vào mùa vụ thường khan hiếm nên từ trong Tết Nguyên đán, anh phải tìm kiếm nguồn thuê lao động từ tỉnh ngoài lên hái. Để giữ chân người lao động, ngoài việc bố trí chỗ ngủ, lo ăn uống thì nhóm nhân công thu hái trong ngày được chủ nhà lo bữa ăn phụ, nước giải khát, thi thoảng lại hỗ trợ thêm tiền công theo năng suất lao động. “Vườn tiêu của tôi mới hái được 3 ngày, dự kiến phải đến hơn 15 ngày mới xong, nhưng các chủ vườn lân cận đã tìm tới, đặt cọc nhóm nhân công đến hái thuê cho họ sau khi hoàn thành việc thu hái ở vườn tôi", anh Hùng cho biết.

Vườn tiêu của chị Phạm Thị Thu Hằng (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar) chín rụng nhưng vẫn chưa tìm được nhân công hái.
Vườn tiêu của chị Phạm Thị Thu Hằng (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar) chín rụng nhưng vẫn chưa tìm được nhân công hái.
 
"Toàn tỉnh có 33.064 ha trồng tiêu, trong đó có 27.816 ha cho sản phẩm. Hiện, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích hồ tiêu. Nhiều chủ vườn chấp nhận tăng tiền công thu hái nhưng vẫn khó kiếm được lao động".
 
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vũ Đức Côn

Không như thu hái những loại nông sản khác, việc thu hái tiêu khá “kén” người. Ngoài biết kỹ thuật thu hái, đòi hỏi có tính cẩn thận để bảo đảm an toàn trong lúc thu hái vì phải leo lên cao, có những ngọn tiêu cao đến 4 mét. Chị H’Ri Kbuôr (nhân công hái tiêu ở xã Ea M’nang, huyện Cư M'gar) cho hay, năm nay nhiều người thuê hái nhưng vợ chồng chị ưu tiên nhận lời chỗ quen trước. Nghề này tuy vất vả, có phần nguy hiểm nhưng bù lại, cho thu nhập khá. Mùa thu hoạch hồ tiêu thường kéo dài hơn 1,5 tháng, vợ chồng chị hầu như không rảnh ngày nào. Sau mỗi vụ thu hoạch tiêu, vợ chồng chị có khoảng 20 triệu đồng để trang trải cuộc sống. 

Theo tính toán của nông dân, bình quân 1 ha hồ tiêu trồng xen trong vườn cà phê cần từ 100 - 120 công hái. Vì vậy, nhu cầu thuê nhân công thu hái vào vụ là rất lớn. Năm nay, lại rơi vào cảnh thiếu hụt lao động nên càng khó cho chủ vườn. Tình trạng này đã xảy ra vài năm trở lại đây, nhưng năm nay là khan hiếm nhất. Mọi khi, vào mùa tiêu, mỗi vườn có ít nhất 7 nhân công hái thuê, thì năm nay vườn đông nhất cũng chỉ có 4 - 5 người hái, nên tiến độ thu hái chậm. Nguyên nhân chính là do lao động tại chỗ đi làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp, có thu nhập ổn định, nên hiện tại dù giá thuê cao vẫn không có người để thuê. Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho hay, hiện nay nhân công thu hái là người tại chỗ không nhiều, còn nhân công từ ngoài tỉnh đến địa phương làm thuê cũng không dồi dào như mọi năm. Nhân công thu hái thiếu, giá tiêu đang có đà tăng, giá thuê nhân công thu hái rất có khả năng còn tăng nữa.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.