Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng ở Băng Adrênh

08:21, 12/04/2021

Những năm qua, nông dân xã Băng Adrênh (huyện Krông Ana) đã đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Việc chuyển đổi trên đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích, tăng năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các nông hộ.

Anh Phạm Viết Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Băng Adrênh cho biết, từ năm 2018 trở lại đây, nông dân trên địa bàn xã bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, đặc biệt các mô hình xen canh được bà con áp dụng rộng rãi như cà phê trồng xen tiêu, xen sầu riêng và các loại cây ăn trái như bơ, mít, nhãn và một số cây rừng có giá trị kinh tế cao…

Để hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các ban, ngành, cơ quan liên quan tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng, hướng dẫn nông dân chỉnh trang, cải tạo vườn, bố trí cây trồng hợp lý; thực hiện mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung… Việc chuyển đổi cây trồng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nhiều hộ có thu nhập ổn định, số hộ khá trên địa bàn xã năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện nay, trên địa bàn chỉ còn 43 hộ nghèo, chiếm 4,23%.

Khách đến tham quan mô hình vườn đa cây của anh Trịnh Ngọc Lương.
Khách đến tham quan mô hình vườn đa cây của anh Trịnh Ngọc Lương.

Điển hình như mô hình trồng đa cây của gia đình anh Trịnh Ngọc Lương ở thôn Ea Tur 1. Trước đây, vườn cây với diện tích 1,2 ha của gia đình anh Lương canh tác cà phê. Tuy nhiên, vườn cà phê thường xuyên bị bệnh rệp đen, khiến năng suất không cao. Anh Lương quyết định chuyển đổi vườn theo hướng đa cây bằng cách trồng xen nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: 300 cây nhãn, 150 cây dổi, 300 cây đàn hương và 60 cây bơ các loại cùng với sầu riêng.

Để việc chăm sóc mô hình đa cây thuận tiện và dễ dàng, anh đầu tư hệ thống nước tưới tự động, cây nào cần nước nhiều thì tưới nhiều, các loại cây cần ít nước anh dùng hệ thống tưới nhỏ giọt. Cây dổi cho thu hoạch quanh năm, hiện nay giá thu mua vào khoảng 800.000 đồng/kg. Đối với cây đàn hương có thể thu hoạch cả trái, hoa, búp để làm trà với giá khoảng 300.000 đồng/kg và khi cây đủ 15 năm tuổi có thể thu hoạch lõi gỗ để chế xuất tinh dầu thơm. Anh sử dụng phân chuồng để bón cho cây vừa cải thiện tình trạng bạc màu đất, cung cấp chất dinh dưỡng để cây phát triển xanh tốt, vừa tiết kiệm chi phí.

Anh Lương chia sẻ: “Năm 2020, đã có 100 cây nhãn cho thu bói được khoảng 1 tấn với giá 25.000 – 30.000 đồng/kg, thương lái thu mua tận vườn nên gia đình tôi không tốn công hái. Cây dổi cho thu hoạch quanh năm. Năm 2021 thì gia đình bắt đầu thu hoạch hoa, búp, trái của cây đàn hương. Bơ các loại cũng đã cho thu hoạch. Nhìn chung, thu nhập từ mô hình đa cây ổn định và bền vững hơn là chỉ độc canh cà phê”.

Vườn sầu riêng của gia đình anh Nguyễn Văn Biển.
Vườn sầu riêng của gia đình anh Nguyễn Văn Biển.

Hộ anh Nguyễn Văn Biển (ở thôn 2) trước đây cũng canh tác cây cà phê, giá cả thị trường không ổn định, thu nhập bấp bênh nên anh đã tìm hướng chuyển đổi cây trồng. Sau khi tìm hiểu, anh Biển quyết định trồng cây sầu riêng xen vào vườn cà phê. Những năm đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật nên sầu riêng ra hoa nhiều và đậu trái ít. Anh Biển bỏ công tìm hiểu trên sách báo, các phương tiện truyền thông, tham gia các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ về kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng…, đặc biệt là trực tiếp tham quan thực tế những mô hình sầu riêng tại TX. Buôn Hồ. Nhờ được cầm tay, chỉ việc, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, anh đã thành công trong trồng, chăm sóc cây sầu riêng, năng suất đạt cao. Năm 2020, gia đình anh thu hoạch được khoảng 10 tấn sầu riêng trên diện tích 8 sào, thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Từ hiệu quả bước đầu này, anh Biển quyết định phá diện tích cây cà phê già cỗi, tiếp tục trồng cây sầu riêng xen mít với diện tích khoảng 3 ha.

H’Jim Hmok


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.