Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị xúc tiến đầu tư huyện Lắk: Khởi đầu cho một lộ trình

07:02, 23/04/2021

Hội nghị xúc tiến đầu tư huyện Lắk năm 2021 diễn ra vào giữa tháng 4 vừa qua được đánh giá là sáng kiến hay, thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo địa phương để tạo nên một huyện Lắk phát triển, trọng tâm là thế mạnh du lịch và nông nghiệp.

Với khoảng 500 đại biểu từ Trung ương đến địa phương tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư huyện Lắk năm 2021, các chuyên gia, nhà đầu tư đều ghi nhận và đánh giá cao việc tổ chức hoạt động của lãnh đạo huyện Lắk. “Tham gia hội nghị lần này tôi thực sự ấn tượng, hoan nghênh sáng kiến tổ chức của huyện Lắk. Trước nay chỉ ở nước ngoài, Trung ương hoặc dừng lại ở cấp tỉnh, hầu như chưa có cấp huyện, điều này không nhiều, không phổ biến... Tôi đặc biệt ấn tượng hội nghị xúc tiến đầu tư này lại được tổ chức tại một huyện rất khó khăn của tỉnh, đây là sáng kiến rất tích cực...”, đó là đánh giá của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại Hội nghị xúc tiến đầu tư huyện Lắk năm 2021 vừa qua.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm địa phương tại Hội nghị xúc tiến đầu tư huyện Lắk năm 2021.
Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm địa phương tại Hội nghị xúc tiến đầu tư huyện Lắk năm 2021.

Tại đây, ông Hiếu cũng chia sẻ, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh phát triển kinh tế tư nhân. Trước đây coi kinh tế tư nhân là một động lực, nay coi là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Như vậy, hội nghị này cũng theo xu hướng, trong tương lai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân vẫn được coi là trụ cột trong phát triển kinh tế đất nước. "Anh Tuyên (ông Võ Ngọc Tuyên, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lắk - PV) phụ trách mảng đầu tư của tỉnh lâu, có lẽ rất hiểu "tiếng lành đồn xa", do đó việc tổ chức các hội nghị xúc tiến cần có sự kiên định, có thời gian để chứng minh, do đó cần sự bền bỉ”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng chỉ ra rằng Luật Đầu tư 2020 (Luật số 61/2020/QH14, ngày 17-6-2020 của Quốc hội - PV) có hiệu lực cách đây hơn ba tháng, quan điểm thay đổi, trong đó có hai vấn đề quan trọng: Phân bổ nguồn lực cạnh tranh hơn; giám sát thực hiện đầu tư dự án chặt chẽ hơn. Theo đó, dự án có thể gia hạn nhưng không quá 24 tháng so với kế hoạch, và chỉ gia hạn sau 24 tháng vì lý do bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh. Do đó, khi triển khai đầu tư phải "thật" ngay từ đầu, hết sức nghiêm túc, nếu không khả năng dự án sẽ bị thu hồi. Cơ quan từ tỉnh, huyện cần nâng cao nhận thức của người dân, chia sẻ, thấu hiểu và hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp vì lợi ích chung. Mối quan hệ ba bên: Nhà nước – doanh nghiệp – người dân có như thế mới triển khai được lâu dài, bền bỉ.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch đường mòn châu Á chia sẻ: “Tôi hoạt động trong lĩnh vực lữ hành du lịch 26 năm qua, dưới góc nhìn người làm du lịch, khách tham quan, tôi thấy tài nguyên du lịch của huyện Lắk và tỉnh Đắk Lắk rất to lớn. Ngoài các nền tảng về điều kiện tự nhiên, các đường bay đến TP. Buôn Ma Thuột tăng cao… rất thuận lợi để phát triển du lịch, tôi nhận thấy chính quyền địa phương rất sâu sát, hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp”.

Bà Tiên cũng thẳng thắn bày tỏ một số vấn đề còn băn khoăn và mong muốn chính quyền địa phương, các nhà đầu tư tương lai xem xét, đó là: Cơ chế quản lý cần thống nhất từ trên xuống (Đơn cử như ngày đầu bà thuê đất tại huyện Lắk để xây dựng Khu nghỉ dưỡng trên hồ Lắk được cấp một mảnh đất khác chỗ đang làm hiện tại. Sau khi làm việc với bên thiết kế lên khảo sát và xây dựng ý tưởng đầu tư, gửi hồ sơ đi thì mới biết vị trí đấy không được kinh doanh du lịch, thuộc bảo vệ của công ty quản lý môi trường rừng); kế đến là hạ tầng du lịch còn quá thiếu thốn (chẳng hạn đi hồ Lắk, khách muốn được cưỡi voi, đi thuyền trên lòng hồ nhưng việc tiếp đón chưa an toàn, việc xuống bến, đi voi còn sơ sài, do dân địa phương làm tự phát, cảnh quan xung quanh chưa có nhiều cảnh đẹp, điểm nhấn để khách chụp hình). Do đó, bà mong các doanh nghiệp đầu tư thêm để thu hút, giữ chân du khách thay vì chỉ đến rồi đi trong ngày.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên (bên phải), Giám đốc Công ty TNHH Du lịch đường mòn châu Á trả lời phỏng vấn  phóng viên bên lề Hội nghị xúc tiến đầu tư huyện Lắk năm 2021.
Bà Bùi Viết Thủy Tiên (bên phải), Giám đốc Công ty TNHH Du lịch đường mòn châu Á trả lời phỏng vấn phóng viên bên lề Hội nghị xúc tiến đầu tư huyện Lắk năm 2021.

Thêm vào đó, địa phương cần có hoạt động bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo vệ hồ Lắk. Hiện tình trạng người dân kích điện, khai thác tận diệt cá khu vực hồ vẫn xảy ra, du khách nhìn thấy sẽ rất phản cảm, không đồng tình việc đó. Do vậy, địa phương nên khoanh vùng khu vực đánh cá, cấm kích điện. Song song với đó, cần có biện pháp bảo vệ voi vì xu hướng du lịch thế giới không cho phép cưỡi voi. Xu hướng này có thể ảnh hưởng tới nguồn thu của chủ voi nên cần có các dự án bảo tồn voi, tạo nguồn sinh kế cho các gia đình nuôi voi, khuyến khích các hình thức cho khách tham quan, tìm hiểu về cách nuôi, chăm sóc voi, các hoạt động của voi,…

Có thể khẳng định, với các dự án kêu gọi đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư huyện Lắk năm 2021 là bước đầu, nền tảng để thu hút doanh nghiệp tìm đến huyện Lắk trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, để những dự án sớm được triển khai, đòi hỏi cả một lộ trình dài. Như nhận định của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Việc tổ chức hội nghị này mới chỉ là bước đầu, cũng như trong hôn nhân thì đây là ngày hôn lễ, bắt đầu của chuỗi rất dài. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì không ý nghĩa, phải duy trì mối quan hệ nồng ấm và phát triển nó, duy trì cho số lượng đông các nhà đầu tư”.

Phạm Hoàng

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.