Khẳng định bản lĩnh của startup
Khởi nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, nhất là tác động không nhỏ do đại dịch Covid-19 nhưng nhiều startup trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được bản lĩnh "chèo lái" doanh nghiệp của mình.
Đưa sản phẩm mắc ca Đắk Lắk ra thế giới
Ra đời với sứ mệnh tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm mắc ca của gia đình, Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương của startup Nguyễn Thị Thu Phương (xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) đã và đang từng bước khẳng định thương hiệu và mở rộng thị trường ra quốc tế.
Năm 2016, Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương chính thức đi vào hoạt động cho ra thị trường những sản phẩm đầu tiên và được người tiêu dùng đón nhận. Chị Phương chia sẻ, thời điểm đó, mọi việc dường như không thuận buồm xuôi gió khi khó khăn liên tiếp ập đến. Có lúc nản chí, chị muốn bỏ cuộc nhưng rồi lại vực dậy niềm tin, nỗ lực theo đuổi ý tưởng kinh doanh của mình. Để tạo uy tín với khách hàng, chị Phương chủ trương “lấy uy tín làm đầu”, sau đó dần hoàn thiện hệ thống máy móc, từng bước tìm giải pháp vượt qua thất bại. Nhờ kiên định với con đường khởi nghiệp đã chọn, sau một năm đầu thua lỗ, doanh thu của Công ty đã tăng lên theo từng năm. Thành công lại một lần nữa mỉm cười với Thu Phương khi Đề án “Sản xuất và kinh doanh hạt mắc ca” của chị xuất sắc đoạt giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2018, đặc biệt chị đã gọi vốn thành công 5 tỷ đồng cho 36% cổ phần của Công ty tại vòng Chung kết Shark Tank Việt Nam.
Startup Nguyễn Thị Thu Phương kiểm tra công đoạn đóng gói sản phẩm mắc ca tại xưởng sản xuất. |
“Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu, sản phẩm của họ được thị trường trong nước chấp nhận và từng bước xuất khẩu ra nước ngoài, một số startup đã có sự trưởng thành khi tham gia các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh và từng bước khẳng định được bản lĩnh của mình".
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nguyễn Tuấn Hà
|
Hai năm sau thành công tại Cuộc thi, chị Phương không ngừng học hỏi, nghiên cứu để cho ra thị trường những sản phẩm mới; đồng thời cải cách quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn ISO, HACCP vào sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm. Chị Phương cũng đã đầu tư 4 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị với công suất 300 tấn/năm. Năm 2020, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng chị Phương đã xuất ra thị trường khoảng 70 tấn hạt mắc ca. Đối với chị Phương, dịch bệnh Covid-19 đem đến không ít khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp nhìn nhận lại quá trình sản xuất kinh doanh, từ đó hoạch định kế hoạch hoạt động bài bản hơn và quan trọng là khẳng định được bản lĩnh "chèo lái" doanh nghiệp trong môi trường đầy biến động. Nhờ sự kiên trì, nỗ lực của mình, Phương đã đưa doanh nghiệp vượt qua nhiều thách thức, thương hiệu Damaca Nguyên Phương đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao và tiến sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Đài Loan, Pháp.
Trong năm 2021, chị Phương dự định liên kết với người dân địa phương xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn khoảng 100 ha và liên kết với một số tập đoàn sản xuất các sản phẩm hữu cơ, sẽ mở rộng nhà xưởng, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nghiên cứu nhu cầu và hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tại châu Âu.
"Nữ hoàng tinh dầu"
Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2017 với các loại tinh dầu chiết xuất từ nguồn dược liệu, startup Hoàng Thị Thơm (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) đã thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại và Tư vấn Ban Mê Central.
Startup Hoàng Thị Thơm (bìa trái) ký kết mở rộng thị trường và vùng nguyên liệu tại Hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước năm 2020. |
Chị Thơm đầu tư khoảng 600 triệu đồng để vừa phát triển vùng nguyên liệu, lò nấu tinh dầu vừa tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại giới thiệu và quảng bá sản phẩm. "Khởi nghiệp với tinh dầu không chỉ là kinh doanh sản phẩm mà đằng sau đó là mong muốn tạo dựng một thương hiệu tinh dầu thiên nhiên nguyên chất đạt chất lượng cao, thân thiện môi trường, đảm bảo hiệu quả và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng", chị Thơm chia sẻ.
Nhằm tăng giá trị cho chuỗi sản xuất tinh dầu, Công ty của chị Thơm đã liên kết với Trường Đại học Tây Nguyên thành lập một nhóm nghiên cứu các sản phẩm liên quan đến tinh dầu. Chưa dừng lại ở đó, chị Thơm còn tích cực đưa sản phẩm của công ty tham gia các cuộc thi, hội chợ, triển lãm… Dự án tinh dầu thiên nhiên BMEC của chị Thơm là một trong ba dự án khởi nghiệp được các doanh nghiệp cam kết đầu tư, đỡ đầu qua buổi thuyết trình gọi vốn của các startup với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Ngày hội Khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk lần thứ I năm 2019. Chị Thơm vinh dự được UBND tỉnh tuyên dương là cá nhân khởi nghiệp tiêu biểu năm 2019. Trong lần tham dự vòng tuyển chọn Shark Tank mùa thứ ba, dự án tinh dầu mang thương hiệu BMEC của chị Thơm đã lọt vào top 100 sản phẩm khởi nghiệp trong cả nước.
Startup Hoàng Thị Thơm (bên phải) giới thiệu các sản phẩm tinh dầu tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2020. |
Với sự nỗ lực, kiên trì và không ngừng vươn lên, từ 50 ha nguyên liệu liên kết vào năm 2017, đến nay Công ty đã liên kết với 15 hợp tác xã, nâng vùng nguyên liệu lên 500 ha. Công ty của chị Thơm chiết xuất ra hơn 20 loại tinh dầu thiên nhiên mang thương hiệu BMEC và RARIS như: sả, hoa hồng, chanh, bạc hà, hương nhu, gừng, trà xanh… Các sản phẩm tinh dầu của Công ty TNHH MTV Đầu tư Thương mại và Tư vấn Ban Mê Central đã và đang từng bước chinh phục thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, mỗi năm công ty xuất bán ra thị trường khoảng 2.400 lít tinh dầu cả thô và mang thương hiệu. Nhờ đó, năm 2020 doanh thu tăng 10 lần so với năm 2017.
Nói về kế hoạch sắp tới, startup Hoàng Thị Thơm chia sẻ, ngoài phục vụ thị trường trong nước, mục tiêu mà công ty hướng đến là tiếp tục mở rộng sản xuất, tập trung vào kênh bán lẻ và hoàn thiện sản phẩm để xuất khẩu tại nhiều nước hơn nữa.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc