Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Ea Knuếc năng động, sáng tạo trong sản xuất

06:19, 06/04/2021

Quyết tâm giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao thu nhập gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phụ nữ xã Ea Knuếc (huyện Krông Pắc) đã nỗ lực vượt khó, tích cực học tập, lao động sáng tạo.

Thôn Tân Sơn là một trong những thôn thuộc diện khó khăn của xã. Nhờ phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” mà diện mạo kinh tế tại đây dần khởi sắc. Chị Trần Thị Thanh Bình, Chi hội trưởng phụ nữ thôn cho biết, những năm gần đây giá nông sản giảm mạnh, trong khi chi phí sản xuất vẫn tăng, để gắn bó với vườn cây các gia đình đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; trồng xen canh các loại cây trồng trên cùng một diện tích; sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm; đưa cây, con mới vào sản xuất… Với 2,5 ha đất trồng cà phê, gia đình chị Bình đã trồng xen canh hơn 100 trụ hồ tiêu, hàng trăm cây bơ, sầu riêng, xung quanh bờ rào chị còn trồng thêm cây mắc ca… Niên vụ 2020 - 2021, gia đình chị Bình thu được khoảng 6 tấn cà phê nhân, 2 tấn hồ tiêu, cây sầu riêng và mắc ca bắt đầu cho thu bói.

Phụ nữ huyện Krông Pắc tham quan mô hình trồng rau bò khai ở xã Ea Knuếc
Phụ nữ huyện Krông Pắc tham quan mô hình trồng rau bò khai ở xã Ea Knuếc.
Xã Ea Knuếc hiện có 35 mô hình kinh tế của hội viên phụ nữ, trong đó 18 mô hình cho thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm, 13 mô hình từ 70 - 100 triệu đồng/năm, 4 mô hình từ 100 - 250 triệu đồng/năm.

Tương tự, việc tăng gia sản xuất đã nâng cao hiệu quả kinh tế trên 1 ha đất cằn cỗi sau khi nhổ bỏ cà phê già cỗi của gia đình chị Hồ Thị Thanh (ở thôn Tân Hòa 2)... Chị Thanh cho hay, năm 2019 gia đình chị nhổ bỏ cà phê để trồng nhãn Hương chi. Lần đầu tiên chị trồng nhãn và cũng là một trong những hộ đầu tiên trồng nhãn Hương chi trên địa bàn nên có những băn khoăn nhất định về kỹ thuật, thời vụ thu hoạch, đặc biệt là thị trường tiêu thụ. Do đó 200 cây nhãn được chị trồng hai đợt cách nhau khoảng 6 tháng; đồng thời duy trì đàn dê 50 con nhằm lấy phân bón cho vườn cây, trả lại độ phì nhiêu cho đất sau nhiều năm trồng cà phê. Nhờ lựa chọn phương án sản xuất theo hướng hữu cơ mà vườn nhãn của gia đình chị sinh trưởng, phát triển tốt. Tháng 3-2021, 100 cây nhãn trồng đợt đầu bước vào kinh doanh, với hơn 1 tấn quả, thương lái mua tận vườn với giá 20.000 đồng/kg. Số cây nhãn còn lại sẽ cho thu hoạch vào tháng 6 tới.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã cho biết, được Hội LHPN huyện hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp, đơn vị đã thực hiện 4 mô hình sản xuất; lồng ghép tuyên truyền các chính sách phát triển kinh tế cho 7.418 hội viên tham gia… Ngoài ra, Hội LHPN xã còn ký kết ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Seabank cho 279 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn vay gần 6,3 tỷ đồng phát triển kinh tế gia đình; giới thiệu cho 279 chị tham gia lớp học may công nghiệp, dệt thổ cẩm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 5 phiên giao dịch, tìm kiếm việc làm cho 550 chị em; phối hợp với Hội Nông dân xã, khuyến nông xã tổ chức 17 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho 1.711 lượt hội viên tham gia. Qua đó giúp 328 hộ phụ nữ thoát nghèo, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Đến nay, toàn xã còn 42 hộ nghèo, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2016, 15 hộ cận nghèo, giảm hơn 1%...

Chị Trần Thị Thanh Bình (bên phải) thu hoạch hồ tiêu.
Chị Trần Thị Thanh Bình (bên phải) thu hoạch hồ tiêu.

Xã Ea Knuếc có 4.344 phụ nữ trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, trong đó 1.568 người tham gia sinh hoạt tại 16 chi hội với 36 tổ hội. Phụ nữ chiếm 50% dân số, 60% lực lượng lao động nên đóng góp của phụ nữ sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế gia đình, địa phương. Để phát huy vai trò và sức sáng tạo của phụ nữ trong sản xuất, xây dựng nông thôn mới nâng cao, thời gian tới Hội LHPN xã phấn đấu kết nạp 20 - 30 hội viên/năm; phối hợp với ngành chức năng mở các lớp đào tạo, tập huấn cho hội viên về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm hiểu thị trường…

Thanh Hường

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.