Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện quy định lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải: Khó theo kịp lộ trình

08:20, 12/04/2021

Theo quy định trước ngày 1-7-2021 xe kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ ngồi trở lên phải lắp camera bảo đảm ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này tại các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh rất chậm, thậm chí một số đơn vị mới dừng lại ở việc khảo sát, tham khảo…

Ngày 17-1-2020, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Tại Khoản 2, Điều 13 nghị định này nêu rõ: Trước ngày 1-7-2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả lái xe) trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 km, tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 km.

Như vậy, theo nghị định này, chưa đầy 3 tháng nữa tất cả phương tiện thuộc trường hợp nêu trên phải lắp camera giám sát, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh rất chậm.

Xe buýt đậu đỗ tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk.
Xe buýt đậu đỗ tại Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk.

Ông Trịnh Hữu Kiệm, Trưởng Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, cuối năm 2020 Sở đã có văn bản gửi các đơn vị vận tải, Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk và các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, ngày 29-5-2020 của Bộ GTVT về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Cụ thể, Sở đề nghị các đơn vị vận tải lựa chọn camera giám sát đảm bảo yêu cầu dữ liệu hình ảnh từ camera theo quy định. Đặc biệt lưu ý nguyên tắc đấu nối điện bảo đảm an toàn, tuân thủ đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk tăng cường công tác tuyên truyền đến hội viên trong triển khai thực hiện quy định nêu trên. Trung tâm đăng kiểm kiểm tra việc lắp đặt hệ thống camera giám sát đối với các trường hợp bắt buộc khi phương tiện đưa vào kiểm định và đưa ra khuyến cáo để lái xe, chủ phương tiện khắc phục… Song đến đầu tháng 4-2021 vẫn chưa có doanh nghiệp vận tải nào báo cáo về tiến độ, số lượng lắp đặt thiết bị camera theo quy định để Sở theo dõi.

Toàn tỉnh có 1.212 phương tiện thuộc diện phải lắp camera đảm bảo giám sát công khai theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Thông tư 2/2020/TT-BGTVT. Trong đó, xe khách tuyến cố định có 543 chiếc; xe hợp đồng từ 9 chỗ ngồi trở lên 250 chiếc; xe buýt 183 chiếc; xe công-ten-nơ 119 chiếc và xe đầu kéo 117 chiếc.

Theo tìm hiểu của phóng viên tại một số doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh, quá trình triển khai Nghị định 10/2020/NĐ-CP gặp một số khó khăn, nhất là trong bối cảnh hoạt động vận tải bị tác động bởi dịch Covid-19 trong hơn một năm qua. Bên cạnh đó phải nói đến thực trạng nở rộ các loại xe dịch vụ không đăng ký kinh doanh, xe hợp đồng trá hình cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến hoạt động vận chuyển hành khách của các đơn vị có đăng ký kinh doanh ế ẩm, doanh thu giảm mạnh.

Đơn cử tại Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) có khoảng 100 xe buýt chạy các tuyến từ TP. Buôn Ma Thuột đi huyện trong tỉnh như: Lắk, Krông Bông, Krông Ana và một số huyện thuộc tỉnh Đắk Nông. Theo tính toán của đơn vị, nếu lắp đặt hết 100 phương tiện, riêng chi phí lắp đặt thiết bị ban đầu là hơn 600 triệu đồng, chưa kể phí bảo trì, vận hành máy móc trong những năm tiếp theo. Được biết, phí vận hành mỗi năm đối với một phương tiện khoảng 2,5 triệu đồng/xe/năm. Chi phí ban đầu và chi phí vận hành lớn, trong khi đó 3 tháng đầu năm 2021 doanh thu của đơn vị chỉ bằng 52% so với 3 tháng đầu năm 2020 nên rất khó khăn đối với doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại. Ông Nguyễn Đình Bé, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk cho biết, hiện tại đơn vị đã liên hệ với bên cung ứng dịch vụ lắp đặt thiết bị. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, lượng khách sụt giảm nghiêm trọng. Do vậy, đơn vị đang tính toán, đến giữa năm nay nếu hoạt động vận chuyển khách vẫn ế ẩm sẽ tính đến phương án xin tạm dừng một số tuyến xe buýt, việc lắp đặt camera sẽ lùi lại.

Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải) lập biên bản xử lý vi phạm một trường hợp xe hợp đồng  không có các giấy tờ theo quy định.
Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải) lập biên bản xử lý vi phạm một trường hợp xe hợp đồng không có các giấy tờ theo quy định.

Hợp tác xã vận tải Quyết Thắng (Km 49, Quốc lộ 26, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) có 25 xe buýt chạy nội tỉnh. Hiện doanh nghiệp đã liên hệ và ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ lắp thiết bị camera theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 12/2020/TT-BGTVT của Bộ GTVT, trước ngày 1-7-2021 đơn vị sẽ hoàn thành việc lắp đặt camera theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk thông tin, mới đây Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc lùi thời hạn xử phạt hành chính đối với việc lắp camera theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Thông tư 12/2020/TT-BGTVT. Văn bản nêu rõ: do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô gặp nhiều khó khăn, sản lượng và doanh thu giảm mạnh, đặc biệt vận tải hành khách chỉ đạt khoảng 50 - 60% so với thời điểm trước dịch, nhiều đơn vị phải cắt giảm phương tiện hoặc thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo các cơ quan chức năng lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính đối với việc lắp camera đến ngày 31-12-2022.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.