Multimedia Đọc Báo in

Trên hành trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp (kỳ 3)

06:10, 01/04/2021

Nâng cao năng lực hệ sinh thái khởi nghiệp

Mặc dù công tác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn hạn chế, khó khăn...

Khó tiếp cận vốn, chính sách...

Startup Nguyễn Văn Sơn (huyện Krông Pắc) chia sẻ, khởi nghiệp từ sản phẩm Trà Mãng cầu, bản thân anh cùng các startup khác đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là trong khâu xây dựng thương hiệu sản phẩm, thành lập công ty và tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, nhiều dự án khởi nghiệp còn khó khăn trong khâu tiếp cận nguồn vốn vay, việc tiếp cận với các “nhà đầu tư thiên thần” cũng không dễ, dẫn đến không ít đề án, ý tưởng khởi nghiệp đã thất bại ngay từ những năm đầu khởi nghiệp.

Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn là có thật bởi hầu hết các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn vừa qua được bố trí từ ngân sách địa phương, chưa có sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương nên các hoạt động triển khai rời rạc, hiệu quả và tính lan tỏa chưa cao. Một yếu tố tác động không nhỏ đến hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp là sự hạn chế về cơ sở vật chất, nghiên cứu sản phẩm và các kỹ năng quản trị, điều hành, kiến thức về kinh doanh của các dự án khởi nghiệp.

Dự án chế tạo, phát triển và sản xuất kính thiên văn (phản xạ) của nhóm sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên  đoạt giải triển vọng tại Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk lần thứ 2 năm 2020.
Dự án chế tạo, phát triển và sản xuất kính thiên văn (phản xạ) của nhóm sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên đoạt giải triển vọng tại Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk lần thứ 2 năm 2020.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh hướng đến mục tiêu thu hút vốn đầu tư để hỗ trợ khởi nghiệp, nhân rộng các mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công, từ đó phát triển cả số lượng và chất lượng của DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực phát triển kinh tế, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 8.000 DN mới và củng cố lớn mạnh gần 10.000 DN hiện hữu.

Hiện nay, các quy định, cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ngày càng được hoàn thiện, nhưng còn thiếu nhiều nội dung cần được hướng dẫn cụ thể, như: các chính sách về phát triển trung tâm nghiên cứu, vườn ươm công nghệ, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo công lập và ngoài công lập. Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa còn chung chung, điều kiện cao, thủ tục phức tạp nên các startup rất khó tiếp cận. Mặt khác, sự liên kết, phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn rời rạc. Thời gian qua, các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy đã có sự quan tâm, hưởng ứng tham gia hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhưng chưa nhiều. Hơn nữa, công tác tổ chức quản lý, vận hành bộ máy để xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các cấp, địa phương chưa được quan tâm sâu sát.

Cần giải pháp đột phá

Nhằm tháo gỡ các khó khăn cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, tỉnh đã đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành chính sách để hỗ trợ thúc đẩy DN khởi nghiệp phát triển, đồng thời hướng dẫn cụ thể các chính sách phát triển trung tâm nghiên cứu, vườn ươm công nghệ, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo công lập và ngoài công lập. Tỉnh cũng đề xuất Trung ương quan tâm, bố trí nguồn kinh phí hằng năm để triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh theo chiều sâu đạt chất lượng, hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh xác định cần có những giải pháp đột phá, lộ trình phù hợp hơn nữa nhằm nâng cao năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo, phát triển những DN khởi nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ số trong lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh là nông nghiệp hữu cơ, đồng thời hỗ trợ những doanh nghiệp khởi nghiệp này để đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước… Trước mắt, cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý chính sách thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, xây dựng, ban hành các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, cần đưa các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh có khả năng thương mại hóa để trở thành động lực quan trọng xây dựng nền kinh tế sáng tạo của tỉnh, khởi nghiệp từ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được nghiệm thu.

Startup Nguyễn Văn Sơn  (bên trái)  giới thiệu  sản phẩm  Trà Mãng cầu.
Startup Nguyễn Văn Sơn (bên trái) giới thiệu sản phẩm Trà Mãng cầu.

Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng ở giai đoạn tiếp theo, việc thành lập các CLB hoạt động đổi mới sáng tạo tại các cấp cơ sở, địa phương và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trong thanh niên, lực lượng lao động ở thành thị và nông thôn, học sinh các trường trung học phổ thông, sinh viên, giảng viên, thanh niên được tỉnh lựa chọn là nhiệm vụ quan trọng. Hằng năm, các sở, ban, ngành, địa phương sẽ tổ chức các chương trình, sự kiện, đào tạo, tập huấn liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên toàn tỉnh.

Đặc biệt là tăng cường hoạt động hiệu quả Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, thu hút nhiều doanh nhân thành đạt cống hiến vào sự nghiệp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk với các chức năng, nhiệm vụ hướng đến công tác chuyển đổi số, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển công nghệ.

Thiết nghĩ, để giải quyết bài toán thiếu sự liên kết, tỉnh cũng cần khuyến khích các DN tham gia các chương trình liên kết ngành, liên kết vùng và phát triển công nghiệp hỗ trợ; tập trung hỗ trợ DN trong các ngành có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, tham gia mạng lưới liên kết sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm định hướng xuất khẩu và phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuỗi giá trị toàn cầu.

Khả Lê

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.