Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch bệnh

08:09, 13/05/2021

Đợt dịch COVID-19 đầu tiên trong năm 2021 đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Theo ghi nhận tại các điểm mua sắm, những ngày sau khi có thông tin về dịch bệnh, việc mua sắm của người dân vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng tích trữ và khan hiếm hàng hóa.

Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cho hay, hàng hóa được siêu thị nhập về đầy ắp trên các kệ hàng. Trong đó, chú trọng bổ sung kịp thời nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm thiết yếu như rau, củ, quả, thịt, trứng, mắm, dầu ăn, gạo, thịt hộp, nước rửa tay, nước sát khuẩn… Về giá bán ra vẫn được siêu thị giữ ổn định như ngày thường, tuyệt đối không có tình trạng “sốt" giá. Ngược lại, còn có nhiều mặt hàng đang nằm trong chương trình khuyến mãi, giảm giá lên đến 50% để hỗ trợ khách mua sắm.

Theo ghi nhận tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh mấy ngày nay, lượng khách đến mua sắm có giảm hơn so với trước, nhưng giá trị các đơn hàng lại tăng lên. Các siêu thị cũng đang đẩy mạnh dịch vụ giao hàng miễn phí tận nhà cho khách hàng trong bán kính 6 km. Việc “đi chợ qua điện thoại” do siêu thị triển khai được nhiều khách lựa chọn. Hàng hóa được người dân mua nhiều nhất là các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu.

Khách chọn mua hàng tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.
Khách chọn mua hàng tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, việc mua sắm vẫn diễn ra bình thường. Theo ông Nguyễn Duy Quảng, Trưởng Ban Quản lý chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, người dân không vội vàng đến chợ mua hàng tích trữ nhiều như đợt bùng dịch lần trước. Thậm chí, thời điểm này, chợ còn vắng vẻ hơn ngày thường, nhưng tiểu thương vẫn bán hết hàng. Nguyên nhân là do nhiều tiểu thương thực hiện bán hàng qua điện thoại, số ít thì đăng lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để bán và giao tận nơi cho khách. “Có lẽ qua đợt dịch trước, tiểu thương đã biết cách chủ động tiếp cận khách hàng để cải thiện doanh thu”, ông Quảng nói. Trong khi đó, công tác tuyên truyền phòng chống dịch cũng được Ban Quản lý chợ triển khai nghiêm túc dưới nhiều hình thức như: loa phát thanh thông báo tại chợ, dán áp phích tuyên truyền, cắt cử người thay phiên nhau đi kiểm tra, nhắc nhở người dân đến chợ mua sắm. Tại tất cả 16 cổng của hai khu chợ B và C, Ban Quản lý chợ đều bố trí nước rửa tay, sát khuẩn, thực hiện đo thân nhiệt và kiên quyết không cho vào chợ nếu phát hiện người dân nào không đeo khẩu trang khi đến chợ.

Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công thương cho biết, đến thời điểm này, hoạt động thương mại tại các địa phương trong tỉnh vẫn bình thường, không có hiện tượng người dân đổ xô thu gom, mua hàng tích trữ. Hàng hóa và sức mua tương đối ổn định, nguồn cung đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Do đó, mọi người không cần thiết phải mua quá nhiều hàng để dự trữ trong thời gian xảy ra dịch tại địa phương.

Trên thực tế, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng đại đa số người dân trên địa bàn vẫn giữ tâm lý bình tĩnh trong mua sắm, tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa của hệ thống phân phối và sự điều tiết của ngành công thương. Chị Phạm Trúc Ngân, người tiêu dùng ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Hàng hóa bày bán nhiều tại các chợ nên tôi không lo việc thiếu hàng. Thay vì ngày nào cũng đi chợ như trước, thì nay tôi mua một lần đủ trong 2 - 3 ngày để sử dụng dần nhằm hạn chế việc đi lại chứ không có ý định mua tích trữ trong nhà”.

Người dân tuân thủ quy định mang khẩu trang khi mua sắm tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.
Người dân tuân thủ quy định mang khẩu trang khi mua sắm tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Công thương đã lên phương án bình ổn giá thị trường các mặt hàng thiết yếu. Trong đó có ba nhóm hàng: lương thực, thực phẩm và thực phẩm tươi sống, gồm: gạo tẻ, muối, đường, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, sản phẩm chế biến khô, thịt heo, thịt gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm đông lạnh, rau, củ, quả... được tập trung dự trữ với mức tăng từ 5 - 10% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng. Riêng 7 doanh nghiệp lớn của tỉnh đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, tham gia bình ổn, sẵn sàng phục vụ nhân dân mua sắm trong đợt dịch với tổng trị giá 68,5 tỷ đồng. Ngành công thương cam kết bảo đảm đáp ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk tăng cường kiểm tra, kiểm soát, theo dõi sát diễn biến thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá trên thị trường. Cùng với chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, Sở Công thương yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tăng cường những biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, khuyến khích phát triển hình thức bán hàng online, hạn chế việc tập trung đông người.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.