Multimedia Đọc Báo in

Bí đỏ "bí" đầu ra: Nông dân khốn đốn

22:38, 20/05/2021

Vì thấy giá bí đỏ vụ trước cao ngất ngưởng (13.000 - 14.000 đồng/kg), không ít nông dân chuyển sang trồng bí. Thế nhưng thời điểm thu hoạch ở một số địa phương lại trúng vào đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh, dẫn đến tình trạng sản phẩm không bán được.

Anh Nguyễn Hoàng Tình (thôn Nam Hòa, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) thẫn thờ nhìn 2 ha bí đỏ đã đến kỳ thu hoạch, năng suất đạt khoảng 30 tấn/ha, nhưng không có ai mua. Anh Tình cho hay, trước đây anh trồng khoai lang, nhưng thấy bí đỏ dễ trồng, giá cao nên anh chuyển sang trồng bí được hai vụ. Vụ trước, đầu ra khá ổn, nhưng vụ này thì lại không có đầu ra. Tính cả tiền thuê đất thì anh đã đầu tư hết 50 triệu đồng/ha. Giờ sản phẩm bán không được, anh coi như là mất trắng.

ảnh
Ông Nguyễn Sĩ Nghĩa (buôn Mtá, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) thu hoạch bí đỏ bảo quản trong nhà kho.

Tương tự, ông Nguyễn Sĩ Nghĩa (buôn Mtá, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) cho biết, trước đây gia đình ông trồng gừng, nhưng thấy một số thương lái nói giá bí đỏ đang cao nên ông mua giống, chuyển 1 ha sang trồng bí, với chi phí đầu tư hết 60 triệu đồng. Thế nhưng đến khi bí cho thu hoạch, năng suất đạt 30 tấn/ha thì không có thương lái nào thu mua do tình hình dịch bệnh, sản phẩm không tiêu thụ được. Hiện tại, gia đình ông phải thu hoạch về bỏ trong nhà để dọn đất làm vụ mới mà không biết đến khi nào sản phẩm mới bán được.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin, diện tích trồng bí đỏ trên địa bàn huyện khoảng 25 ha, tập trung chủ yếu ở xã Hòa Hiệp. Hiện người dân cơ bản đã thu hoạch xong, giá bán đầu vụ tầm 6.000 - 7.000 đồng/kg. Những diện tích người dân trồng muộn nên thu hoạch trúng thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, giá xuống thấp và không bán được. Phòng cũng đã liên hệ một số đơn vị để giúp người dân tiêu thụ số bí còn ứ đọng.

ảnh
Hội Nông dân huyện Cư Kuin tìm hiểu tình hình thực tế của nông dân trồng bí đỏ tại xã Dray Bhăng

Cũng trong tình trạng "bí" đầu ra, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Ea Kar rơi vào tình trạng điêu đứng khi giá sản phẩm xuống quá thấp. Bà Phan Thị Lưu (thôn 19, xã Cư Bông, huyện Ea Kar) cho biết, gia đình bà trồng 4 sào bí đỏ. Gia đình đã đầu tư gần 20 triệu đồng, chưa kể công sức bỏ ra. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch thì gặp trúng mùa dịch khiến giá bí xuống thấp, các thương lái cũng không mặn mà thu mua. Hiện tại giá chỉ còn 1.500 đồng/kg, nhưng các thương lái còn kỳ kèo, chỉ lựa những quả đẹp mới mua. Gần cả chục tấn bí mà hiện giờ gia đình chẳng biết xử lý như thế nào, nguy cơ phải cắt bỏ hết khi mưa xuống.

Gần đó, 4 sào bí của ông Trần Thiên Phú (thôn 19, xã Cư Bông, huyện Ea Kar) đến thời điểm thu hoạch nhưng cũng không tìm được đầu ra. Theo ông Phú, gia đình đã đầu tư hết 20 triệu đồng, tuy giá rất thấp nhưng các thương lái cũng không đến mua, gia đình đang phải liên hệ các trại cá, trại nuôi bò, heo rừng để bán được đồng nào hay đồng đó.

Được biết, tổng diện tích bí đỏ trên địa bàn huyện Ea Kar là 132 ha, tập trung ở các xã Cư Yang, Cư Bông, Ea Sô, Ea Tih, Ea Pal, Cư Ni... Năng suất bí khoảng 25 tấn/ha. Hiện nay thu hoạch được khoảng 50% diện tích. Người dân đang gặp khó khăn trong việc bán sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Sản phẩm không có thị trường tiêu thụ nên giá rẻ, bí chọn giá 3.000 – 4.000 đồng/kg, loại xô dưới 2.000 đồng/kg.

ảnh
Ruộng bí đỏ đến kỳ thu hoạch của hộ ông Trần Thiên Phú (xã Cư Bông, huyện Ea Kar).

Theo thông tin của những địa phương có trồng bí đỏ, đối với loại cây này thì không xây dựng kế hoạch riêng cho gieo trồng, mà nằm trong khung kế hoạch sản xuất các loại rau. Vì vậy diện tích luôn biến động theo giá cả thị trường và có năm được giá, năm mất giá.

Năm nay, những vùng thu sớm thì giá cả và đầu ra ổn định hơn; những vùng trồng muộn, thu hoạch trúng thời điểm dịch COVID-19 thì sản phẩm bị ứ đọng, dù giá rất thấp nhưng cũng không bán được. Trước tình hình trên, Công ty Cổ phần Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên mới đây cũng đã kết nối với một số hộ trồng bí đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, nhưng số lượng không được nhiều.

Hiện công ty cũng kêu gọi một số đối tác kết nối với nông dân để tiêu thụ sản phẩm, hy vọng sẽ giúp người dân được hạn chế một phần thiệt hại. Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh, việc tìm kiếm đầu ra cho tất cả các loại nông sản đang là vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, qua thông tin thì có tình trạng người dân một số địa phương trồng bí không có đầu ra. Sở đã giao cho phòng chuyên môn liên hệ các siêu thị, cửa hàng nông nghiệp giải quyết giúp người dân. Tuy nhiên, cái quan trọng hiện nay là phải khắc phục tình trạng sản xuất không gắn với thị trường. “Người dân cần hướng tới việc liên kết sản xuất, tạo ra nguồn sản xuất tập trung, sản xuất có chứng nhận. Khi đạt được những điều này thì sẽ tránh được tình trạng đầu ra không ổn định”, ông Dương nói.

Ông Nguyễn Lưu Tuệ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư Kuin cho biết, trước tình trạng trên, Hội cũng đã hướng dẫn người dân tìm phương pháp bảo quản sản phẩm nhằm tìm kiếm thị trường sau đợt dịch này.

Thời gian tới, Hội sẽ chú trọng công tác phổ biến thông tin thị trường để bà con nắm bắt, không chạy theo giá cả để gieo trồng tự phát như hiện nay.

 

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.