Multimedia Đọc Báo in

Hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô: "Chới với" trong mùa dịch

08:32, 12/05/2021

Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây bị tác động mạnh, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “chới với”, lượng khách chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhiều xe liên tỉnh... "rớt tài"

Thời điểm trước dịp Lễ 30-4 và 1-5, lượng khách đi lại ở các bến xe trên địa bàn tỉnh khá ổn định, mặc dù tỷ lệ lấp đầy ghế không hết song tình trạng "rớt tài" (xe không chạy) ít khi xảy ra. Tuy nhiên, sau dịp lễ này, đặc biệt khi thông tin cả nước ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19 thì hoạt động vận tải trở nên ảm đạm. Tại Đắk Lắk, trong những ngày gần đây, đặc biệt từ tối 8-5, khi thông tin trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thì lượng khách trên mỗi chuyến xe giảm mạnh, có những chuyến chỉ được 3 - 4 khách, thậm chí không có khách đi.

Một số xe
Một số xe "rớt tài" đậu tại Bến xe liên tỉnh.

Ghi nhận tại Bến xe liên tỉnh vào sáng 11-5, khác với cảnh tấp nập xe ra vào bến trong thời điểm không có dịch bệnh xảy ra, hiện tại toàn bộ khu vực chờ khách, các phòng bán vé đều đìu hiu, vắng vẻ. Hầu như các xe xếp tài, qua giờ khởi hành nhưng không có khách nên phải đỗ lại bến. Anh Loan Văn Thiện, nhân viên nhà xe Cao Nguyên chạy tuyến Đắk Lắk – Hà Nội cho biết, cả 3 ngày nay (từ ngày 9 đến ngày 11-5) khi thông tin tại Đắk Lắk có 2 trường hợp mắc COVID-19 thì xe đường dài hầu như không có khách đi. Đơn cử như trong ngày 11-5, theo lịch dự kiến 16 giờ cùng ngày xe sẽ xuất bến từ Bến xe liên tỉnh đi Hà Nội nhưng chưa hề có khách mua vé hoặc đăng ký qua điện thoại, như vậy khả năng chuyến chiều 11-5 sẽ bị "rớt tài" do không có khách. Tương tự, nhà xe Sơn Tùng chạy tuyến Buôn Ma Thuột – Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cũng thông báo tạm dừng tuyến do không có khách đi. Bên cạnh các xe "rớt tài", dồn chuyến, một số nhà xe dù không có khách vẫn chấp nhận chạy lỗ để giữ tuyến trong thời gian cao điểm dịch bệnh diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên phạm vi cả nước. Cụ thể, một số nhà xe như: Thái Sơn chạy tuyến Đắk Lắk – Đà Nẵng; nhà xe Vương Chi chạy tuyến Đắk Lắk – Hà Nội… mỗi ngày xuất bến chỉ được 3 - 4 khách/xe.

Ông Mai Văn Đàm, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần (CTCP) Bến xe liên tỉnh thông tin, từ đầu tháng 5, nhất là từ khi Đắk Lắk ghi nhận ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên trong năm 2021, người dân hạn chế đi lại rất nhiều nên lượng khách sụt giảm mạnh, nhất là với các tuyến đi, đến địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh như Hà Nội, Đà Nẵng. Hiện nay, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại bến, đơn vị đã có văn bản gửi đến các HTX, doanh nghiệp vận tải và ki-ốt bán hàng tại bến chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, tất cả mọi người khi làm việc, đi lại trong phạm vi bến bắt buộc phải đeo khẩu trang đúng cách, trường hợp không chấp hành bến xe sẽ từ chối phục vụ và yêu cầu ra khỏi khu vực bến…

Xe buýt, taxi ế ẩm khách

Cùng chung tình trạng với xe khách liên tỉnh tuyến cố định, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và taxi ế ẩm, doanh thu và lượng khách giảm mạnh. Tại Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk có 100 phương tiện xe buýt thì chỉ còn 60 xe hoạt động, mà chủ yếu là hoạt động giữ khách, mỗi chuyến chưa được 10 khách, thậm chí chỉ có 1 - 2 người lên xe. Lái xe Từ Ngọc Anh, chạy tuyến Buôn Ma Thuột – Krông Bông chia sẻ, như thường lệ 6 giờ 30 xe anh xuất phát từ trung tâm huyện Krông Bông về Buôn Ma Thuột, những ngày thường lượng khách ổn định khoảng 15 - 20 người. Tuy nhiên, chuyến xe sáng 11-5 dọc hành trình chỉ được 4 khách. Ông Nguyễn Đình Bé, Giám đốc Công ty cho hay, nếu tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài, cộng với thời điểm nghỉ hè của học sinh, sinh viên, dự đoán từ cuối tháng 5 đến tầm giữa tháng 8 năm nay, đơn vị chỉ duy trì khoảng 30 chiếc. Bởi với lượng khách như thời điểm hiện tại thì mỗi chuyến xe hoạt động, doanh nghiệp phải bù lỗ rất nhiều.

Khu vực quầy bán vé tại Bến xe liên tỉnh vắng bóng người.
Khu vực quầy bán vé tại Bến xe liên tỉnh vắng bóng người.

Đối với các đơn vị vận tải bằng taxi, tình hình không khá hơn. Tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh Đắk Lắk, 10 ngày đầu của tháng 5-2021, doanh thu giảm khoảng 40%, trong khi đó lượng khách giảm hơn 60%. Hiện tại, các điểm tiếp thị khách chủ yếu của đơn vị như Sân bay Buôn Ma Thuột, các khách sạn lớn ở trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, bệnh viện… lượng khách rất ít. Anh Nguyễn Ngọc Hà, tài xế của Hãng Mai Linh buồn rầu nói: “Tôi thường xuyên đậu xe khu vực Bến xe liên tỉnh, những ngày gần đây để kiếm được 200.000 đồng/ngày (chưa trừ chi phí xăng xe, khấu hao xe) là rất khó. Chẳng hạn như ngày 11-5, cả người và xe bám bến mà chỉ được 1 “cuốc” thu về 80.000 đồng. Tôi biết tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu đi lại của người dân rất ít, nhưng vì mưu sinh nên vẫn phải duy trì nghề lái để trang trải cuộc sống hằng ngày”.

Trước tình hình khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp, HTX vận tải đã xoay xở bằng cách dồn chuyến, luân phiên lao động tại đơn vị. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thu nhập của tài xế, nhân viên phục vụ xe. Do đó, về lâu dài, đơn vị vận tải mong muốn Chính phủ có các gói hỗ trợ doanh nghiệp để vượt qua "cơn bão" dịch.

Sở Giao thông vận tải cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 133 đơn vị kinh doanh vận tải, trong đó có 55 đơn vị vận tải hành khách, với 275 tuyến liên tỉnh và 11 tuyến nội tỉnh. Vận tải hành khách bằng xe buýt có 6 đơn vị, với khoảng 180 xe, vận tải taxi có 10 đơn vị, với gần 1.600 chiếc.

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.