Multimedia Đọc Báo in

Mùa vàng vụ lúa đông xuân

08:15, 17/05/2021

Những ngày này, không khí thu hoạch đang rộn ràng trên khắp các cánh đồng ở huyện M’Drắk. Cánh đồng tổ 1 (thị trấn M’Drắk) trồng 15 ha lúa nước.

Trước đây, bà con thường có thói quen trồng lại các giống lúa cất giữ qua nhiều vụ, dẫn đến năng suất giảm dần, chất lượng hạt gạo thấp; thêm vào đó, do thời tiết diễn biến phức tạp, những năm gần đây cánh đồng này là một trong những nơi thường xuyên gặp khó khăn về vấn đề nước tưới. Năm nay, nhờ chuyển đổi cây trồng, lựa chọn những giống lúa có khả năng chống chịu hạn như Nàng Hương, Tám Thơm, Thái Bình...; nông dân chủ động từ khâu làm đất, chọn giống đến chăm sóc đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Năng suất lúa trên cánh đồng này đạt trung bình từ 7 - 8 tấn/ha; trong đó, các giống lúa lai, lúa mới năng suất từ 9 - 10 tấn/ha.

Ở xã Krông Á, nông dân cũng đang tất bật chất những bao lúa lên xe cho thương lái, các máy gặt đập liên hoàn chạy hết công suất để kịp gặt theo danh sách đã đăng ký. Vụ này, toàn xã Krông Á gieo trồng 248,5 ha, chủ yếu là các giống lúa mới, giống lúa lai cho năng suất cao. Tại các cánh đồng, các sân bãi phơi lúa, người dân thu hoạch đến đâu thương lái vào tận nơi thu mua hết đến đấy nên bà con rất phấn khởi.

Người dân khẩn trương đóng lúa để thương lái đến chở tại bãi sân bay (xã Krông Á, huyện M'Drắk).
Người dân khẩn trương đóng lúa để thương lái đến chở tại bãi sân bay (xã Krông Á, huyện M'Drắk).

Gia đình chị Nguyễn Thị Phượng (ở thôn Tân Lập, xã Cư M'ta) có 2 sào lúa nước giống ST25 trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Vì áp dụng giống và phương pháp trồng mới nên gia đình chị Phượng tập trung chăm sóc, bón phân, theo dõi phòng trừ sâu bệnh, chú ý điều tiết nước rải đều từ đầu đến cuối vụ. Nhờ vậy, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, năng suất đạt trên 8 tạ/sào. Lúa được mùa lại được thương lái thu mua ở mức cao, hiện nay giá gạo ST25 dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập trên 20 triệu đồng (sau khi trừ chi phí).

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện M’Drắk cho biết: Vụ đông xuân 2020 – 2021, nông dân trên địa bàn huyện gieo trồng được 2.058,7 ha lúa; trong đó, xã Ea Trang 200 ha, Cư M'ta 296 ha, Krông Jing 225 ha, Krông Á 248,5 ha, Cư San 280 ha, Ea Riêng 168 ha, Cư Króa 122 ha, các địa phương khác từ 50 - 120 ha. UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương bảo đảm nguồn nước tưới từ công trình thủy lợi, điều tiết nguồn nước tưới hợp lý theo từng tiểu vùng; đồng thời tăng cường vận động và hỗ trợ nhân dân thực hiện các biện pháp thâm canh, tăng năng suất, sử dụng nhiều giống lúa mới, giống lúa lai từ 38 - 43% như Syn6, Nhị ưu 838, Arire, giống lúa xác nhận từ 57 - 62%, giống KD18, V13/2, HT1... Theo kết quả gặt thống kê tại 13/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, năng suất bình quân ước đạt 75 – 80 tạ/ha, vượt so với kế hoạch từ 5 – 7 tạ/ha; trong đó, nhiều địa phương đạt năng suất cao như: thị trấn M’Drắk 90 tạ/ha, Krông Jing 76 tạ/ha, Krông Á 77,6 tạ/ha, xã Ea Lai và Ea Riêng 78 tạ/ha,...

Nông dân tham dự Hội thảo đầu bờ giống lúa ST25 trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Krông Jing, huyện M'Drắk.
Nông dân tham dự Hội thảo đầu bờ giống lúa ST25 trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Krông Jing, huyện M'Drắk.

Hiện nay, nông dân toàn huyện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa. Dự kiến đến 25-5, nông dân sẽ thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa vụ đông xuân 2020 – 2021. Trong vụ này, với việc tăng cường đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa giúp nông dân giảm công lao động, tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh tiến độ. Mỗi sào lúa với chi phí thuê máy gặt liên hoàn thu hoạch 300.000 đồng/sào rất thuận tiện và nhanh gọn, sau khi lúa đóng bao chở về phơi, nông dân bán với giá từ 5.500 – 6.000 đồng/kg (lúa tươi), từ 7.500 – 8.000 đồng/kg (lúa phơi khô). Ngoài niềm vui trúng mùa, được giá, nông dân trồng lúa huyện M’Drắk còn phấn khởi hơn khi gặp thuận lợi trong việc thu hoạch, dự trữ nguồn rơm làm thức ăn cho trâu bò.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.