Nâng cao thu nhập từ nghề làm tóc giả
Với lĩnh vực sản xuất có phần khác lạ, xưởng làm tóc giả của chị Đặng Thị Huệ (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) đã tạo việc làm cho nhiều lao động nữ trên địa bàn.
Trước đây, khách hàng sử dụng tóc giả thường là người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật hay người có khuyết điểm về tóc, nhưng hiện nay tóc giả được xem như một mặt hàng thời trang với nguồn khách khá đa dạng, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Kéo theo đó, nghề làm tóc giả cũng khá phát triển, tạo thêm việc làm cho người lao động, nhất là ở vùng nông thôn.
Năm 2012, chị Huệ học nghề làm tóc giả rồi làm việc trong một công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Sau một thời gian, nhận thấy công việc này có tiềm năng phát triển tại quê nhà, nhờ nhân công dồi dào, có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, chị đã về Buôn Trấp mở xưởng, hướng dẫn chị em địa phương cùng làm, gia công tóc giả. Sản phẩm được công ty thu mua, đảm bảo việc làm liên tục. Ra đời năm 2013, đến nay xưởng đã tạo việc làm cho gần 60 công nhân nữ.
Chị Đặng Thị Huệ hướng dẫn nhân công làm tóc giả. |
Chị Huệ cho hay, làm tóc giả trải qua rất nhiều công đoạn như lựa chọn nguyên liệu, đo kích thước và tạo mẫu tóc giả, làm mũ tóc giả, tạo kiểu… và phần quan trọng nhất là đan những sợi tóc thành một bộ tóc giả. Đây chính là công việc mà xưởng chị Huệ đang đảm nhận. Theo chị, công việc này không vất vả nhưng đòi hỏi người làm phải chịu khó, tỉ mẩn, kiên trì vì phải may từng sợi tóc vào mũ theo phương pháp “thắt nút” để tạo thành một bộ tóc giả... như thật để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Thời gian làm xong một bộ tóc giả tùy theo độ thạo việc của người làm, trung bình khoảng 40 giờ/bộ. Tùy độ khéo léo, nhanh chậm mà mỗi người làm tại xưởng có thu nhập từ 3 - 9 triệu đồng/tháng.
Gắn bó với xưởng làm tóc giả đã 4 năm, hiện chị Nguyễn Thị Mỹ Oanh có thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Chị Oanh chia sẻ: “Thu nhập của tôi được tính theo sản phẩm, mới học việc tôi làm chậm nhưng giờ quen tay làm nhanh hơn rồi, ngoài tiền công từ việc hoàn thành sản phẩm, tôi còn được tính thêm tiền thưởng, tiền ăn... Từ khi tham gia làm tóc giả, tôi có thêm thu nhập, chăm lo cuộc sống và đã thoát nghèo. Với người dân chủ yếu làm nông như chúng tôi có công việc ổn định, mức thu nhập như vậy rất là vui”. Các chị trong xưởng đều cho rằng nghề làm tóc giả gia công rất phù hợp với phụ nữ bởi công việc nhẹ nhàng, linh động thời gian, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa có thể tranh thủ thời gian đón con cái, chăm lo cho gia đình...
Nhân công làm tóc giả tại xưởng của chị Đặng Thị Huệ. |
Chị Huệ cho biết thêm, công việc này hoạt động theo hình thức gia công, khoán sản phẩm nên các chị có thể nhận sản phẩm từ công ty về làm theo khả năng, không bị áp lực. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả làm việc, chị đã bố trí mặt bằng, công ty đầu tư cơ sở vật chất, dụng cụ làm tóc… cho công nhân đến làm tập trung. Năm qua nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng nghề làm tóc giả vẫn ổn định, vì công nhân có thể đem về nhà làm, nên vẫn đảm bảo thu nhập. Do nhu cầu gia tăng của thị trường nên chị Huệ vừa mở thêm cơ sở sản xuất tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) và đang dự kiến mở rộng tại tỉnh Đắk Nông.
Nghề làm tóc giả đã giúp nhiều phụ nữ thoát nghèo, “giữ” được chân họ ở lại địa phương, hạn chế tình trạng đi làm ăn xa... Hy vọng sẽ có thêm những mô hình khởi nghiệp hiệu quả cho phụ nữ nông thôn tham gia để phát triển kinh tế gia đình.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc