Những điểm mới về phát triển nông nghiệp trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII
Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 với chủ đề: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên”, văn kiện đại hội lần này có nhiều điểm mới ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Văn kiện Đại hội xác định có 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên là về phát triển nông nghiệp: “Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững; ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, kết nối với công nghiệp chế biến và thị trường; tăng cường dự báo thị trường, dần từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp; gắn kết nông nghiệp với phát triển lâm nghiệp ở những nơi có điều kiện. Tạo lập môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành và phát triển ngành công nghệ sinh học trong nông nghiệp để trở thành hàng hóa chủ lực ở quy mô công nghiệp, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường”.
Những nội dung này là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp hiện đại. Những nhiệm vụ được đề cập chính là giải pháp trọng tâm nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém của nông nghiệp và là giải pháp then chốt để hiện đại hóa nền nông nghiệp địa phương.
Văn kiện Đại hội lần này dự báo rất sát tình hình thế giới, đặc biệt tình hình thế giới tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp: “Cạnh tranh thị trường, xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước, nhất là các nước lớn sẽ ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta trong thời gian tới”. Điều này cho thấy Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này đã nhận thức được tầm quan trọng của việc dự báo bối cảnh thế giới, coi đây là cơ sở quan trọng để xây dựng các biện pháp, giải pháp nói chung, trong đó có giải pháp phát triển ngành nông nghiệp.
Mô hình trồng cà chua nova ứng dụng công nghệ cao ở xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Thuận Nguyễn |
Từ đó, văn kiện Đại hội đã đưa ra các giải pháp sát với thực tiễn ngành nông nghiệp địa phương hiện nay. Đó là, ưu tiên quy hoạch phát triển mạng lưới khu, vùng nông nghiệp sạch, gắn với ứng dụng công nghệ cao tại TP. Buôn Ma Thuột và một số huyện lân cận như Cư M’gar, Krông Pắc, Cư Kuin, Krông Ana, Buôn Đôn… Quy hoạch khu chăn nuôi tập trung tại các huyện Buôn Đôn, M’Drắk, Ea Súp, Krông Bông, Cư M’gar... gắn với liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Khuyến khích, tạo điều kiện để tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất lớn các loại nông sản chủ lực, có ưu thế, như: Cà phê, cao su, mắc ca, tiêu, bơ, sầu riêng, cây dược liệu, lúa, ngô… nhằm khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp.
Thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc, chăn nuôi trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp hiệu quả, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Phát triển nuôi trồng thủy sản lồng, bè theo hướng công nghiệp, thân thiện môi trường để tận dụng, khai thác hiệu quả, tiềm năng các hồ chứa, sông lớn.
Triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch; đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng chủ lực, có thế mạnh. Xác định cà phê là ngành hàng mang lại giá trị kinh tế cao; chú trọng xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản hướng đến mục tiêu “Đắk Lắk là điểm đến của cà phê thế giới”.
Những giải pháp này hoàn toàn phù hợp với thực trạng ngành nông nghiệp hiện nay của tỉnh. Kiên trì, thực hiện hiệu quả những giải pháp này sẽ hóa giải được khó khăn của nông nghiệp tỉnh nhà, phát huy được những tiềm năng, lợi thế địa phương.
ThS. Vũ Thị Ngọc
Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk
Ý kiến bạn đọc