Multimedia Đọc Báo in

Những nông dân thời 4.0 ở Hòa Lễ

08:39, 04/06/2020

Tích tụ ruộng đất, từng bước xóa bỏ lối làm ăn manh mún, đưa những phương tiện máy móc và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những cánh đồng lúa lớn, nâng cao chất lượng nông sản là cách thức làm ăn mới đang được nhiều nông dân ở xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) áp dụng.

Hướng đi này đã góp phần hình thành các vùng chuyên canh lúa nước ở xã Hòa Lễ với diện tích gần 400 ha, năng suất không ngừng tăng lên, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể.

Gần 30 năm gắn bó với đồng ruộng, giờ đây ông Đỗ Nam (51 tuổi, ở thôn 1) được mọi người nể phục không phải hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” mà là việc ông đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm.

Ông đã mạnh dạn đầu tư 700 triệu đồng cải tạo 4 ha đất trồng hoa màu kém hiệu quả thành cánh đồng lúa nước có hệ thống tưới tiêu, bờ vùng, bờ thửa và giao thông nội đồng hoàn chỉnh. Cánh đồng hiện tại trước đây mỗi năm chỉ gieo trồng được một vụ ngô, sắn nhưng thường xuyên bị thất thu do thiên tai…

Băn khoăn, suy đi tính lại nhiều lần, ông Nam bàn với vợ quyết định dành toàn bộ số tiền tích lũy và vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng mua lại hơn 3 ha đất của những người xung quanh để sản xuất. Tuy nhiên, sản xuất cây gì để mang lại hiệu quả và sớm thu hồi vốn lại là một bài toán khó.

Trong “cái khó ló cái khôn”, nhận thấy vùng đất này gần với Bàu Cấm, dù hạn hán nặng nhưng trữ lượng nước vẫn không cạn kiệt…, ông mua máy tưới, thuê máy móc san ủi, cải tạo thành cánh đồng ruộng nước 2 vụ.

Cánh đồng lúa nước rộng 4 ha với hệ thống mương tưới tự làm của gia đình ông Đỗ Nam.
Cánh đồng lúa nước rộng 4 ha với hệ thống mương tưới tự làm của gia đình ông Đỗ Nam.

Vụ đầu tiên, gia đình ông Nam gieo sạ được 3 ha lúa nước nhưng do ruộng mới được chuyển từ đất khô sang, không có nước chân nên lượng nước tưới bao nhiêu cũng như “muối bỏ biển”, năng suất kém, cuối vụ thu không đủ bù chi.

Không nản lòng trước thất bại, ông bỏ ra trên 30 triệu đồng mua gạch, xi măng và tự tay xây dựng trên 200m kênh mương dẫn nước tưới tiêu cho toàn bộ diện tích ruộng. Số đất múc lên để làm ruộng ông hợp đồng xe ủi san bằng thành tuyến đường giao thông nội đồng, thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển sản phẩm. Khâu làm đất, thu hoạch đều được ông sử dụng máy móc vừa tiết kiệm được chi phí nhân công, vừa rút ngắn được thời gian.

Bên cạnh đó, ông Nam còn thường xuyên truy cập Internet tìm hiểu đặc tính của từng loại giống lúa, mạnh dạn thay thế dần những loại giống cũ bằng giống lúa ngắn ngày, có khả năng kháng sâu bệnh, năng suất cao. Nhờ cách làm này, từ vụ thứ hai gia đình ông đã có lãi. Vụ đông xuân 2020 – 2021 là vụ thứ ba ông chuyển sang gieo sạ 3 ha lúa giống Quảng Nam 9 và Hương Châu 6, sản lượng thu đạt trên 35 tấn, với giá bán hiện tại gia đình ông thu gần 250 triệu đồng.

Với sản lượng thu hoạch mỗi mùa hàng chục tấn lúa, nhà ông Nguyễn Lâm Tòng (68 tuổi, ở thôn 5) được người dân trong thôn ví von là “kho hợp tác xã”. Trước đây, sau khi tìm kiếm, ông phát hiện vùng đất nằm dọc theo triền Bàu Dài (thôn 3) có địa thế lòng chảo, hằng năm thường bị lũ lụt nên bỏ hoang, ông Tòng mạnh dạn làm đơn và được chính quyền cho phép khai hoang, vỡ hóa khu đất này.

Khai hoang đến đâu ông thuê xe ủi múc đất từ nơi cao san bằng xuống nơi thấp đến đó, xây dựng bờ vùng, bờ thửa, tự đào đắp 200 m kênh mương bơm nước từ Bàu Dài lên để tưới cây. Mỗi năm mở rộng thêm diện tích một ít, chỉ vài năm sau ông đã có 4 ha ruộng nước hai vụ, những năm trước đây sử dụng giống lúa cũ cũng thu được trung bình 30 tấn/vụ. Vụ đông xuân 2020 - 2021, ông Tòng chuyển đổi 1,5 ha sang trồng giống lúa Hương Châu 6, năng suất đạt 12 tấn/ha.

Nông dân xã Hòa Lễ thu hoạch lúa bằng máy gặt liên hợp.
Nông dân xã Hòa Lễ thu hoạch lúa bằng máy gặt liên hợp.

Cũng với cách làm cải tạo đất khô thành ruộng nước hai vụ, ông Trịnh Quang Hùng (ở thôn 1) đã sang nhượng thêm đất, làm bờ vùng bờ thửa, hình thành cánh đồng lúa nước rộng trên 2 ha. Với hệ số sử dụng đất quay vòng 2 vụ, mỗi năm gia đình ông thu gần 40 tấn lúa. Còn ông Đặng Văn Thơm (ở thôn 2) năm nay đã 72 tuổi nhưng vẫn lên mạng Internet tìm hiểu thông tin, tham gia các buổi hội thảo giới thiệu những loại giống lúa mới. Nhờ nắm vững quy trình kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất mà năng suất lúa của gia đình ông luôn đạt khá cao.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.