Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Cần thúc đẩy tăng diện tích sàn nhà ở

09:16, 11/07/2021

Theo Sở Xây dựng Đắk Lắk, năm 2021 toàn tỉnh phấn đấu phát triển diện tích sàn nhà ở khu vực đô thị đạt tỷ lệ bình quân 29,5 m2/ người, khu vực nông thôn là 22 m2/ người. Để đạt kết quả này, công tác vận động, tạo điều kiện hình thành nhà ở cho người dân tại các khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn, nhất là những khu vực phát triển đô thị mới cần được ưu tiên thúc đẩy.

Một chuyên gia tư vấn xây dựng ở TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, mục tiêu phấn đấu đạt diện tích sàn nhà ở Đắk Lắk năm 2021 thực sự là ước mơ của nhiều đô thị cả nước. Đơn cử như ở TP. Hồ Chí Minh đến nay, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều và phải đến năm 2030, đô thị lớn nhất cả nước này mới kỳ vọng đạt 26,5 m2/người. Một đô thị Nam Trung Bộ đang phát triển khác là TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) cũng đang đề nghị phấn đấu đến năm 2025 đạt 26,5 m2/người, và đến năm 2035 mới tính đến tỷ lệ 28 m2/người.

So các con số này với Đắk Lắk, rõ ràng là chênh lệch lớn. Nhất là với TP. Buôn Ma Thuột, tỷ lệ được đề ra là đến năm 2025 sẽ đạt 30 m2/người tại khu vực đô thị và 28 m2/người tại khu vực nông thôn. Diện tích nhà ở bình quân cả tỉnh sẽ đạt 28,9 m2/người. Một chuyên gia tư vấn nhận xét: “Dư địa phát triển đô thị hóa, tăng diện tích nhà đô thị ở Đắk Lắk như vậy là khá lớn, rất thuận lợi để nhắm đến nhiều tiêu chí hiện đại, văn minh. Lợi thế là các khu đô thị ở đây còn ít dân cư, đang phát triển thêm hạ tầng. Do đó, công tác quản lý, tạo điều kiện cho các khu đô thị hình thành, phát triển mạnh hơn, thuận lợi bố trí người dân xây dựng nhà ở trên đất nền và tiếp nhận nhà ở thương mại rất cần được địa phương coi trọng”.

Công tác quản lý đô thị Buôn Ma Thuột cần được coi trọng để phát triển diện tích nhà ở theo hướng  hiện đại, văn minh.  Ảnh: Hoàng Gia
Công tác quản lý đô thị Buôn Ma Thuột cần được coi trọng để phát triển diện tích nhà ở theo hướng hiện đại, văn minh. Ảnh: Hoàng Gia

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Đắk Lắk, 6 tháng đầu năm 2021, bài toán điều tiết phát triển diện tích nhà ở đô thị với quy hoạch đã có vẫn còn hạn chế. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật các đô thị vẫn chưa đạt, tỷ lệ phủ kín quy hoạch tại các dự án phát triển đô thị mới chưa cao. Các dự án đang triển khai ở địa phương vẫn còn thiếu các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý đô thị… và chất lượng các đồ án quy hoạch còn nhiều hạn chế, tầm nhìn ngắn hạn…

Đặc biệt, công tác quản lý quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, hạ tầng xã hội vẫn còn thiếu đồng bộ, triển khai chậm, thiếu sự phối hợp giữa quá trình quy hoạch và xây dựng, giữa sở ngành địa phương, giữa các địa phương cơ sở. Điều này dẫn đến hiện trạng một số địa phương còn để xảy ra tình trạng có dự án đầu tư không tuân thủ quy hoạch, cắm mốc giới không rõ ràng khiến nhà đầu tư triển khai sai lệch và bị lãng phí.

Sở Xây dựng Đắk Lắk đánh giá, với 6 tháng còn lại của năm, để đạt mốc chỉ tiêu phát triển diện tích sàn nhà ở đô thị đề ra, cần bảo đảm tiếp tục bảo vệ tốt công tác quy hoạch, thực hiện quản lý theo quy hoạch và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư triển khai các dự án đúng tiến độ và chất lượng các công trình.

Cụ thể, việc thẩm định quy hoạch xây dựng cần huy động được sự tham gia của cộng đồng dân cư, phản biện của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp để đảm bảo tính khả thi về quy hoạch, phù hợp nhu cầu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Công bố thông tin các khu vực quy hoạch rõ ràng để người dân nắm bắt, kiểm soát chặt chẽ công tác xây dựng, triển khai các dự án trong vùng quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ, chạy theo các dự án. Quan trọng hơn, công tác tuyên truyền phổ biến thông tin về quy hoạch cho người dân nắm bắt, tăng cường phối hợp quản lý giữa các sở ngành và địa phương trong giám sát triển khai các dự án cần được thống nhất, đồng bộ.

Trước mắt, Sở Xây dựng Đắk Lắk đề ra các nhiệm vụ cụ thể như: hoàn tất công tác chọn nhà đầu tư ở các dự án khu dân cư nông thôn mới Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), nhà ở xã hội Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột); đề xuất đưa các dự án đã hoàn thành đầu tư qua kinh doanh như dự án khu đô thị mới Tây Tân Lợi, phát triển nhà ở hỗn hợp Tân Lợi…; xác nhận điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai ở Đô thị sinh thái văn hóa Cà phê Suối Xanh, dự án Eco City…; tham mưu thực hiện chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở tại dự án khu đô thị Ân Phú…

Đánh giá từ các tổ chức tư vấn cho thấy, khi công tác quy hoạch được bảo đảm, gắn kết với điều kiện thực thi, triển khai đồng bộ, đúng thời điểm của các dự án, định hướng kiểm soát và quản lý phát triển đô thị sẽ rõ ràng, đạt được các tiêu chí phát triển cụ thể. Trong đó, chỉ số sàn nhà ở đô thị do các chủ đầu tư dự án phát triển, hoặc người dân tự xây dựng nhà ở sẽ được tổ chức nghiêm túc và thực hiện bài bản. Qua đó, mục tiêu thúc đẩy phát triển diện tích sàn nhà ở đô thị và vùng nông thôn Đắk Lắk nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, với các chỉ số khả quan, sẽ thực hiện được, thực sự tạo cơ hội bền vững cho những tầm nhìn đô thị tương lai.

Nguyên Đức


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.