Đoàn xã Ea Tiêu (Cư Kuin) hỗ trợ đoàn viên phát triển kinh tế
Được Đoàn xã Ea Tiêu đứng ra tín chấp, năm 2008, gia đình anh Nguyễn Việt Hồng ở thôn 10 đã được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội. Từ nguồn vốn trên, gia đình anh đầu tư mua bò sinh sản và chăn nuôi heo.
Nhờ chăm chỉ, chịu khó lại biết tính toán “lấy công làm lãi” nên sau vài năm, gia đình đã xuất bán được vài lứa heo giống; đàn bò cũng đã phát triển được 3 con. Số tiền lãi thu được anh đầu tư mở rộng chăn nuôi và chăm sóc cà phê. Bằng cách “lấy ngắn nuôi dài”, 1,5 ha cà phê đạt năng suất cao hơn trước. Gia đình anh đã thoát cảnh lo cái ăn hằng ngày; số tiền lãi thu được qua các niên vụ cà phê, vợ chồng anh dành dụm để sửa lại nhà cửa khang trang hơn.
Tương tự, từ năm 2006 đến nay, đoàn viên Phan Thị Thùy Dương, ở thôn 10 cũng được Đoàn xã đứng ra tín chấp vay 22 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội và nguồn vốn 120. Với suy nghĩ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để phòng chống rủi ro, dịch bệnh nên Dương mạnh dạn đầu tư chăn nuôi cả ngan, gà, heo thịt, cá và trồng rau. Vì chia nhỏ vốn để đầu tư cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi nên ban đầu Dương chỉ nuôi được số lượng ít, lãi thu được không đáng là bao. Sau nhiều năm tích tiểu thành đại, Dương có vốn mở rộng mô hình và chăn nuôi thêm cả heo rừng. Hiện tại, gia đình Dương đã có hơn 200 con gà và ngan, 3 sào ao cá trắm, trôi, rô phi, đàn heo thịt 15 con và hơn chục con heo rừng. Thu nhập mỗi năm trừ chi phí cũng được hơn 30 triệu đồng.
Đoàn viên thanh niên tham quan mô hình nuôi heo của Phan Thị Thùy Dương (thôn 10, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) |
Tuy đồng vốn vay đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều đoàn viên xã Ea Tiêu thoát nghèo, nhưng trên thực tế, họ còn gặp không ít khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Anh Nguyễn Thành Nam, Bí thư Đoàn xã Ea Tiêu cho biết: “Để giúp đoàn viên phát triển kinh tế, bên cạnh việc đứng ra tín chấp vay vốn, Đoàn xã còn phối hợp với các ngành liên quan mở các lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, Đoàn xã còn định hướng cho đoàn viên tập trung phát triển chăn nuôi bò, heo, gà, cá… để “lấy ngắn nuôi dài” thông qua việc tổ chức tham quan các mô hình chăn nuôi hiệu quả ở nhiều địa phương khác trong huyện”. Tuy nhiên, cũng theo phản ánh của anh Nam và nhiều đoàn viên khác thì để có thể phát triển kinh tế, điều cần thiết nhất vẫn là vốn nhưng hiện nay, số vốn được vay rất ít. Trên thực tế, Đoàn xã hiện có 273 đoàn viên và gần 1.700 thanh niên ở 24 thôn, buôn nhưng từ 2006 đến năm 2008 mới chỉ có 72 lượt đoàn viên, thanh niên thuộc đối tượng nghèo và cận nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách - Xã hội với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Từ năm 2009 đến nay, số vốn do Ngân hàng Chính sách - Xã hội giải ngân đã được phân theo kênh hội, đoàn thể. Trong khi đó, Đoàn xã Ea Tiêu chỉ được đứng ra tín chấp cho đoàn viên, hội viên của 4 thôn (4, 10, 11, 12) vay nhưng cũng chỉ có đoàn viên của 2 thôn 10 và 11 được vay. Vì theo quy định mới, chỉ những đoàn viên, thanh niên thuộc diện hộ nghèo mới được vay vốn nhưng đối tượng này rất ít, thậm chí hiện nay không còn. Vì vậy, số đối tượng đoàn viên được vay ngày càng “bó hẹp” lại và bài toán thiếu vốn vẫn là vấn đề nan giải nhất đối với đoàn viên xã Ea Tiêu.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là với số tiền được vay ít thì phải đầu tư như thế nào cho có hiệu quả. Bởi theo anh Hồng, chị Dương lý giải thì 10 triệu đồng được vay nếu đem đầu tư ngay vào chăm sóc cà phê cũng chỉ đủ tưới nước, mua phân bón một, hai đợt. Vì vậy, để đoàn viên, thanh niên xã Ea Tiêu có điều kiện phát triển kinh tế cần sự “tiếp sức” mạnh hơn không chỉ vấn đề vốn mà cả định hướng phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Nên chăng, ngoài việc đứng ra tín chấp vay vốn, tổ chức đoàn cần chú trọng hơn nữa đến việc định hướng cho đoàn viên trong việc chọn cây trồng, vật nuôi để có thể phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn vay.
Ý kiến bạn đọc