Multimedia Đọc Báo in

Những bất cập trong việc thực hiện chế độ, dịch vụ xã hội đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

09:39, 23/04/2010

Tai nạn lao động  và bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng, gây tổn thất lớn cho người bị tai nạn, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, việc cải thiện điều kiện lao động, thực hiện các chế độ, cũng như dịch vụ hỗ trợ… cho các đối tượng này chưa bắt kịp yêu cầu của thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn.

Những tồn tại, bất cập
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 5.093 doanh nghiệp với 94.000 lao động. Nhưng theo báo cáo của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì trong năm 2009 chỉ có 40 doanh nghiệp thực hiện công tác báo cáo tình hình an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ. Tuy chỉ chưa đầy 1% số doanh nghiệp báo cáo nhưng cũng đã cho những con số đáng quan tâm với: 36 vụ tai nạn lao động  làm 36 người bị nạn, trong đó có 5 người chết, 14 người bị thương. Trong năm cũng đã xảy ra 31 vụ cháy, làm chết 2 người, bị thương 4 người. Qua kết quả kiểm tra sức khỏe cho 201 lao động ở các đơn vị báo cáo thì có 31 người bị mắc bệnh nghề nghiệp (chiếm tỷ lệ hơn 15%).
Theo quy định, người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp sẽ được hưởng 2 loại dịch vụ là dịch vụ chi trả hỗ trợ tài chính và dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nhưng trên thực tế thì các dạng dịch vụ này không phát huy được quyền lợi với tất cả những người lao động. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều cố tình che giấu các vụ tai nạn lao động vì bệnh thành tích (sợ ảnh hưởng đến các danh hiệu thi đua), hoặc một số đơn vị không đóng BHXH cho người lao động, không có hợp đồng lao động... Họ thường tự giải quyết, đền bù bằng quỹ phúc lợi của đơn vị hoặc lợi dụng sự không am hiểu của người lao động về Luật Lao động, các chính sách xã hội để trốn tránh trách nhiệm. Việc bồi thường trực tiếp cho người lao động giữa các doanh nghiệp thường chênh lệch và không có tính chia sẻ rủi ro. Trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc phá sản, việc bồi thường càng khó thực hiện. Thêm vào đó, cùng một mức thương tật như nhau với cùng một mức lương như nhau, người lao động ở những doanh nghiệp có điều kiện kinh tế kém hơn sẽ chỉ được hưởng mức bồi thường thấp hơn. Hoặc nhiều doanh nghiệp, do không có quỹ bồi thường nên trong một số trường hợp khi tai nạn xảy ra, xuất hiện một số hình thức vận động quyên góp quỹ tự phát. Điều này cũng gây ra những vấn đề phức tạp về cơ chế quản lý quỹ, cơ chế chi thuế và tính ổn định hoạt động của quỹ. Ở một số trường hợp, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà phải điều trị kéo dài, không thời hạn thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn và người bệnh cũng khó tìm nguồn tiền lớn chi trả để sớm phục hồi sức khỏe...  Nguồn quỹ này mới chỉ đơn thuần chú ý đến các chi trả trợ cấp khi xảy ra TNLĐ, BNN mà chưa có các hoạt động để thực hiện việc phòng ngừa, giảm TNLĐ, BNN và cải thiện các dịch vụ hỗ trợ cần thiết. Những người bị tai nạn lao động may mắn vì được đơn vị sử dụng lao động đóng đầy đủ các loại bảo hiểm và được hưởng Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN từ Bảo hiểm xã hội thì cũng mất khá nhiều thời gian. Nguyên nhân chủ yếu là do có sự chậm trễ, chồng chéo trong điều tra tai nạn lao động. Thêm vào đó, trong hồ sơ thực hiện chế độ BNN bắt buộc phải có biên bản đo kiểm môi trường lao động, nhưng công việc này thường là chậm. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người bị TNLĐ, BNN cũng có nhiều bất cập.
Theo quy định, các doanh nghiệp phải có cán bộ y tế và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp. Nhưng thực tế thì các cơ sở sản xuất đều không mấy quan tâm đến vấn đề này. Theo điều tra của các cơ quan chức năng, chỉ có chưa đầy 10% cơ sở có cán bộ y tế theo quy định và thường tập trung ở các doanh nghiệp lớn, còn 90% cơ sở vừa và 100% cơ sở nhỏ người lao động không có người chăm sóc sức khỏe tại chỗ. Trong năm 2009 Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra vệ sinh lao động tại 98 đơn vị, trong đó có gần 30% đơn vị không đạt tiêu chuẩn và có nguy cơ cao bệnh nghề nghiệp.

Khai thác đá là nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN nhưng hiện không có doanh nghiệp nào thực hiện báo cáo ATVSLĐ và thực hiện chế độ bảo hiểm cho người bị TNLĐ, BNN.
Khai thác đá là nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN nhưng hiện không có doanh nghiệp nào thực hiện báo cáo ATVSLĐ và thực hiện chế độ bảo hiểm cho người bị TNLĐ, BNN.

Nguy cơ và giải pháp
Theo xu thế phát triển của tỉnh, từ năm 2010 trở lên, trung bình mỗi năm sẽ có thêm từ 500 đến 700 doanh nghiệp được thành lập mới (đa phần là doanh nghiệp nhỏ). Cùng với đó là các ngành công nghiệp khai khoáng, xây dựng, hóa chất có xu thế phát triển mạnh sẽ  tạo nên những thách thức lớn về mất an toàn vệ sinh lao động và ô nhiễm môi trường lao động, đồng nghĩa với nguy cơ gia tăng số người  bị TNLĐ, BNN hoặc có liên quan đến nghề  nghiệp. Hiện nay có 25 BNN được bảo hiểm và dự kiến trong thời gian tới sẽ bổ sung vào danh mục BNN thêm một số loại bệnh nữa. Như vậy số người mắc BNN sẽ lớn hơn rất nhiều. Sự gia tăng ô nhiễm môi trường lao động, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ cũng sẽ làm tăng số người mắc mới BNN. 
Những thách thức này đòi hỏi việc hoàn thiện các dịch vụ về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp một cách tương xứng là yêu cầu cấp thiết. Đây là những dịch vụ có tính kỹ thuật đặc thù và rất tốn kém, đòi hỏi phải có đầu tư lớn và cơ chế tài chính phù hợp, trong đó có việc hình thành và phát triển Quỹ bồi thường tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thực hiện tốt các hoạt động phòng ngừa TNLĐ, BNN cũng như các dịch vụ về an toàn và sức khỏe để giảm gánh nặng bồi thường, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chế tài phạt nặng mang tính răn đe đối với các doanh nghiệp không thực hiện báo cáo tình hình ATVSLĐ-PCCN, cố tình che dấu người bị TNLĐ, BNN để bảo đảm quyền lợi thiết thực cho người lao động.

Minh Quân

 


Ý kiến bạn đọc