Multimedia Đọc Báo in

An toàn đồ chơi trẻ em: Băn khoăn quanh việc thực hiện “chuẩn”

17:25, 28/05/2010

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, từ 15-4-2010, đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường bắt buộc phải có dấu chứng nhận hợp quy (dấu CR). Nhưng trong thực tế, việc triển khai thực hiện Quy chuẩn còn gặp không ít khó khăn.

 

Vẫn tràn lan hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng
Theo các ngành chức năng, phần lớn đồ chơi trẻ em trên thị trường hiện nay đều là nhập khẩu, trong đó, nhiều loại đồ chơi không có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng theo quy định, hoặc có cũng rất sơ sài. Ông Phạm Gia Việt, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) tỉnh cho biết: Trong đợt kiểm tra chuyên đề về chất lượng, nhãn hàng hóa đồ chơi trẻ em lưu thông trên địa bàn tỉnh vừa qua, Chi cục đã phát hiện khá nhiều vi phạm, trong đó, phổ biến nhất là nhãn hàng hóa không đầy đủ, thiếu nhãn phụ đối với hàng nhập khẩu. Đoàn kiểm tra đã lấy 6 mẫu đồ chơi trẻ em gửi đi giám định chất lượng và độ an toàn tại Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 2, gồm bộ vườn thú nhỏ, bộ anh em siêu nhân, bộ 4 búp bê, máy bay, xe tăng, quả bóng nhựa, lục lạc; trong đó, chỉ có bộ vườn thú nhỏ là hàng sản xuất trong nước, còn lại đều là hàng nhập từ Trung Quốc. Ông Hoàng Tùng, Phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh nhận định: Tuy lực lượng QLTT đã tăng cường công tác kiểm tra, nhưng tình trạng hàng nhập lậu, hàng cấm, không rõ nguồn gốc vẫn còn xảy ra nhiều, trong đó có đồ chơi trẻ em. Thời gian qua, lực lượng QLTT đã phát hiện, thu giữ nhiều mặt hàng đồ chơi nhập lậu trị giá hàng chục triệu đồng, riêng trong tháng 4 đã tịch thu nhiều mặt hàng đồ chơi mang tính bạo lực, gồm 690 súng nhựa, 170 kiếm nhựa…

Đồ chơi luôn đem lại sự say mê cho trẻ.
Đồ chơi luôn đem lại sự say mê cho trẻ.

Theo quy định của pháp luật, đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải chịu sự quản lý cả về hoạt động thương mại cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn chất lượng. Nhưng thực tế, quy định này hầu như chưa được thực hiện tốt. Được biết, đồ chơi trẻ em bày bán trên thị trường trong tỉnh chủ yếu được nhập từ 2 nguồn, một là các cơ sở kinh doanh đặt hàng thông qua các đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh, hai là bạn hàng trực tiếp đến bỏ sỉ tại cơ sở, từ đây mới phân phối ra nhiều điểm bán lẻ mà cơ quan chức năng khó có thể thống kê, giám sát được hết, nhưng dù nguồn nào cũng chủ yếu là hàng nhập ngoại, chỉ có rất ít hàng sản xuất trong nước. Điều đáng nói là phần lớn hàng nhập không qua kiểm tra, không có nhãn mác đầy đủ, trên bao bì nhiều mặt hàng chỉ ghi những dòng chữ nước ngoài rất sơ sài, không có nhãn phụ tiếng Việt với những thông tin cụ thể về hàng hóa như quy định, trong đó có nhiều loại đồ chơi thuộc diện hàng cấm như súng bắn chì, đạn nhựa, kiếm nhựa cứng, thú vật phun lửa, sử dụng ánh đèn la-de, hóa chất không rõ nguồn gốc...Những đồ chơi này tiềm ẩn mối nguy lớn, như đồ chơi có tính bạo lực sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ, khiến trẻ dễ bị kích động tinh thần; chất liệu làm đồ chơi có nhiều chì, khi trẻ ngậm vào hay cầm nắm dễ có nguy cơ bị ngộ độc; ánh sáng ở nhiều đồ chơi làm cho trẻ có nguy cơ hỏng mắt ...

Nhiều đồ chơi trẻ em bày bán trên thị trường không bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật.
Nhiều đồ chơi trẻ em bày bán trên thị trường không bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật.

Không dễ tính “chuẩn”
Trước thực trạng đó, việc siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em là yêu cầu bức thiết. Nhưng thực tế, việc triển khai thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đến nay đã hơn 2 tháng từ khi Quy chuẩn có hiệu lực mà việc gắn dấu CR hầu như mới ở bước “khởi động”. Đại diện các cơ sở đầu mối kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em trên địa bàn cho biết, sau khi nhận văn bản của Chi cục TCĐLCL tỉnh về việc thống kê danh mục mặt hàng đồ chơi trẻ em đang bày bán và còn tồn kho vào đầu tháng 5 này, các đơn vị mới thống kê và gửi lên Chi cục, hiện đang chờ hướng dẫn xem gắn CR như thế nào, trong thời gian chờ đợi tạm thời chưa nhập thêm hàng về. Cửa hàng Thế giới đồ chơi trẻ em trên đường Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột) kinh doanh khá nhiều đồ chơi nhập khẩu cao cấp nhưng tất cả sản phẩm hiện chỉ có nhãn phụ tiếng Việt, ghi các thông tin về sản phẩm và đơn vị nhập khẩu, phân phối, không có dấu CR.  Tại Nhà sách Fahasa, Nhà sách Giáo dục bày bán khá nhiều đồ chơi trẻ có xuất xứ Trung Quốc, nhưng cũng không có sản phẩm dán tem CR. Đại diện Fahasa cho biết, tính đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 10% số nhà  cung cấp thông báo về việc thống kê số lượng hàng tồn, những hàng mới nhập sau thời điểm 15-4 cũng chưa gắn dấu CR vì các nhà cung cấp cho biết họ chưa có dấu này. Còn tại các điểm bán sỉ đồ chơi trẻ em ở chợ trung tâm Buôn Ma Thuột cũng như các điểm bán lẻ ở các huyện, hầu hết người bán đều ngơ ngác khi được hỏi đến việc gắn dấu CR vì họ…chưa hề biết đến quy định này!
 
Theo ông Việt, thực tế việc tính chuẩn đồ chơi trẻ em không đơn giản. Trong buổi tọa đàm về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em” và “Gắn dấu CR đối với đồ chơi nhập khẩu” vừa diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu tham dự đồng tình với nhận định: nếu chiếu theo các văn bản pháp quy thì tất cả đồ chơi trẻ em đang bày bán trên thị trường là chưa hợp chuẩn. Đại diện các cơ quan chức năng cho rằng, việc đánh giá và cấp dấu CR đối với đồ chơi trẻ em hiện nay là rất khó khăn do những mặt hàng đang lưu thông trên thị trường đều không đáp ứng được các tiêu chí để công nhận. Theo giới kinh doanh đồ chơi trẻ em, cần có quy định cụ thể về quy trình kiểm định và gắn dấu hợp quy,  việc kiểm tra phải được thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất tới lưu thông. Thêm vào đó, chi phí cho việc kiểm định mỗi mẫu hàng có thể làm tăng thêm giá thành sản phẩm. Cả nước hiện có 3 cơ quan được quyền chứng nhận hợp quy theo quy định của Tổng cục đo lường chất lượng là Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn và đo lường chất lượng (Quatest) 1, 2 và 3, do đó việc áp dụng chứng nhận hợp quy cần thời gian để các trung tâm chuẩn bị nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp chuẩn bị để làm tốt ngay từ khâu chọn nguyên liệu, sản xuất. Bước đầu, việc đánh giá, chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất, giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất. 

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em quy định rõ những yêu cầu về kỹ thuật, đặc biệt là hợp chất hữu cơ độc hại (chất lỏng và formaldehyt) có trong đồ chơi. Cụ thể, chất lỏng có trong đồ chơi không được có độ pH nhỏ hơn 3 hoặc lớn hơn 10, các chi tiết vải dệt không được chứa formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30 mg trên một kg, các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán không được chứa formaldehyt giải phóng vượt quá 80mg trên một kg. Đối với các loại đồ chơi dùng điện, không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24V và không một bộ phận nào có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24V. Ngoài ra, các bộ phận trong đồ chơi nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có khả năng gây điện giật và các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận này phải được cách điện và bảo vệ để ngăn ngừa rủi ro điện giật.

 

Hoa Hồng

 


Ý kiến bạn đọc