Cuộc sống mới của những công nhân người dân tộc thiểu số
Từ cuộc sống tạm bợ, làm thuê nay đây mai đó, những năm trở lại đây, nhiều công nhân người dân tộc thiểu số các buôn ở xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), Cư Suê (huyện Cư M’gar) đã “an cư lạc nghiệp” trong những ngôi nhà khang trang, có thu nhập ổn định từ vườn cao su xanh bạt ngàn.
Khu phố những hộ đồng bào DTTS là công nhân Nông trường Cao su 30-4 |
Tạo việc làm...
Năm 1994, Nông trường cao su 30-4, thuộc Công ty Cao su Dak Lak (DAKRUCO) liên kết trồng 254 ha cao su với 317 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 4 buôn: buôn Sut Hluôt, buôn Đ’răng, buôn Dư, buôn Sut M’dang (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) và buôn Ju (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột). Cũng từ đó, nhiều đồng bào thiểu số trở thành những công nhân Nông trường Cao su 30-4, có cuộc sống ổn định lâu dài. Đến năm 2001, Nông trường đã tiếp nhận thêm 54 thanh niên là người dân tộc thiểu số nghèo, không có việc làm ở các buôn Kô Siêr, Păn Lăm, … (TP. Buôn Ma Thuột) vào làm công nhân.
Hiện tại, trong tổng số 304 cán bộ, công nhân viên của Nông trường thì có 138 công nhân là người dân tộc thiểu số. Từ khi được tiếp nhận vào làm việc, không ít người đã có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao. Để giúp những hộ gia đình liên kết trồng cao su có hiệu quả, Nông trường đã hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác. Đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường,… cho các buôn có công nhân, đồng bào liên kết trồng rừng ở xã Cư Suê. “Gia đình mình trước đây khổ lắm, nhưng từ khi vào làm công nhân cho Nông trường thì cuộc sống ổn định hơn. Các con được đi học để biết cái chữ, trong nhà có ti vi để xem, có xe máy để đi” - anh Y’Jem Mlô ở xã Cư Suê vui vẻ nói.
Với phương châm thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước và các chương trình 132, 134,… của Chính phủ, Nông trường Cao su 30-4 đã tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào làm công nhân, nhằm mục đích giải quyết công ăn việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo sự giao thoa văn hóa, kinh tế, nâng cao dân trí cho đồng bào, góp phần cùng địa phương xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Theo đó Nông trường đã quyết định hỗ trợ 70% định mức chi phí đầu tư, phần thu nợ dần chỉ được áp dụng khi cây cao su đưa vào khai thác. Ngoài ra, công ty còn thường xuyên cử cán bộ về hướng dẫn cho bà con trồng xen canh cây lương thực để lấy ngắn nuôi dài. Khi đưa vào khai thác thì ưu tiên mua với giá có lợi nhất cho người dân.
An cư lạc nghiệp
Đến khu nhà của công nhân Nông trường Cao su 30-4 mới thấy được cuộc sống mới của họ nay đã khác trước nhiều, 32 căn nhà được xây liền kề nhau theo kiểu kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Đây là những hộ đồng bào nghèo trước đây sống ở buôn Kô Siêr và buôn Păn Lăm (TP. Buôn Ma Thuột), từ khi được nhận vào làm công nhân của Nông trường họ đã được cấp nhà với trị giá mỗi căn gần 200 triệu đồng. Với không gian rộng rãi, đường thảm nhựa, trước mỗi ngôi nhà có vườn hoa cây cảnh, điện, nước máy dẫn đến từng nhà. Phía sau là những cánh rừng cao su xanh ngút tầm nhìn.
Được biết, bằng Chương trình “Mái ấm Công đoàn”, ngoài 6 tỷ đồng xây dựng 32 ngôi nhà, lập làng cho các hộ mới gia nhập Nông trường 30-4, những năm qua Công ty Cao su Dak Lak còn huy động được trên 4,8 tỷ đồng, xây dựng 40 ngôi nhà tình nghĩa cho các hộ công nhân nghèo và các hoạt động công tác xã hội khác. Chị H’ơi Ayun kể: “Khi còn ở nhà cũ ở buôn Păn Lăm, gia đình mình nghèo lắm. Hằng ngày, mọi người trong nhà đều đi làm thuê, làm mướn nhưng cũng không đủ ăn. Từ khi vợ chồng mình được nhận vào làm công nhân cao su thì có nhà mới, cuộc sống đỡ khổ hơn. Với 3 ha rừng nhận chăm sóc của Nông trường, mỗi tháng có được hơn 2 triệu đồng. Trước đây, công nhân phải đi hàng chục cây số mới đến nơi để làm việc. Nhưng từ khi được hỗ trợ nhà ở ngay cạnh đất rừng của mình, việc đi lại đã bớt khó khăn”. Mỗi hộ ở đây được giao trồng và chăm sóc từ 2,5 đến 3 ha rừng cao su, với bình quân thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng. Theo mục tiêu mà Nông trường cao su 30-4 đề ra trong đại hội năm 2010 thì nếu hoàn thành kế hoạch, mức lương dự kiến cho công nhân sẽ tăng lên 3,5 triệu đồng/tháng. “Cuộc sống của chúng tôi giờ đây không phải chạy ăn từng bữa nữa. Ngoài việc trồng và chăm sóc cao su, thời gian rảnh chúng tôi còn đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Mấy đứa nhỏ cũng được đến trường học cái chữ. Cả nhà đều được Nông trường đóng bảo hiểm, khi đau ốm không phải sợ thiếu tiền đi khám nữa”, anh Y-Sula phấn khởi nói.
Ý kiến bạn đọc