Multimedia Đọc Báo in

Hội Phụ nữ xã Dak Liêng giúp hội viên buôn Ranh B phát triển kinh tế

14:49, 12/05/2010

Gia đình chị H’Min Nơm (buôn Ranh B, xã Dak Liêng) tuy có 3 sào cà phê và 8 sào lúa nhưng vì không có vốn đầu tư nên sản lượng thu được chẳng đáng là bao và vẫn phải nằm trong danh sách hộ nghèo của buôn. Năm 2006, được HPN xã đứng ra tín chấp cho vay 15 triệu đồng, gia đình chị đã đầu tư mua 3 con bò và phân bón để chăm sóc lúa.

Biết sử dụng đồng vốn đúng mục đích lại chăm chỉ, chịu khó nên chỉ sau gần 2 năm, đàn bò nhà chị đã tăng lên 7 con, gạo ăn cả năm vẫn còn chục bao để dành lúc giáp hạt. Có thêm ít vốn, chị đầu tư chăm sóc 3 sào cà phê nên cũng thu hoạch được nhiều hơn trước. Từ chỗ 6 người trong gia đình chị phải ăn đong từng bữa, nay đã vươn lên thoát nghèo trở thành điểm tựa cho nhiều chị em noi theo. Chị H’Min cho biết: “Gia đình mình có được như ngày hôm nay tất cả đều nhờ sự giúp đỡ của HPN xã. Trước đây mình ngại đi sinh hoạt Hội lắm nhưng nay không những chỉ tham gia tích cực, đầy đủ các phong trào của Hội, mình còn vận động nhiều chị em khác cùng tham gia. Nhờ vậy, cuộc sống sinh hoạt của bà con buôn thay đổi hơn trước rất nhiều”.

Buôn Ranh B chỉ có 105 hộ đồng bào M’nông nhưng có đến 41 hộ nghèo. Đa số bà con trong buôn tuy cũng có ruộng, rẫy nhưng vì không có vốn đầu tư nên năng suất thấp, cái đói, nghèo cứ đeo bám mãi. Nhiều hộ không dám vay vốn để đầu tư vì sợ thua lỗ không có tiền trả. Được sự tuyên truyền, động viên của HPN xã và sự thành công từ mô hình của chị H’Min mà nhiều chị em đã mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế. Từ năm 2007 đến 2009, HPN xã đã đứng ra tín chấp cho 81 hội viên vay hơn 1 tỷ 239 triệu đồng đầu tư chăn nuôi, trồng lúa, chăm sóc cà phê, mua máy cày phục vụ sản xuất. Tuy là hộ nghèo của buôn nhưng trước đây chị H’Yêm Long Jing luôn ngần ngại không dám vay vốn làm ăn, cả nhà chỉ trông chờ vào 2 sào lúa nên thiếu thốn đủ bề. Được HPN xã dẫn đi tham quan một số mô hình chăn nuôi heo, tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nên năm 2008, H’Yêm đã mạnh dạn vay 15 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách - Xã hội để mua 1 con heo nái và đầu tư chăm sóc lúa. Trong vòng hơn 2 năm qua, gia đình chị đã xuất bán được 7 lứa heo giống, mỗi lứa khoảng 5 cặp với giá bình quân hơn 1 triệu đồng/cặp. Điều đáng nói, chị H’Yêm đã chịu khó trồng thêm rau lang, bắp để nuôi heo nên chi phí đầu tư chăn nuôi thấp, tiền lãi thu được nhiều hơn các hộ khác. Bên cạnh đó, nhờ được đầu tư phân bón đầy đủ nên 2 sào lúa cũng đạt năng suất cao hơn, đủ gạo ăn cho cả gia đình. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, vợ chồng chị còn đi đóng gạch thuê kiếm gần 100.000 đồng/ngày lấy tiền mua thức ăn.

Một buổi sinh hoạt của Chi hội Phụ nữ buôn Ranh B (xã Dak Liêng, huyện Lak).
Một buổi sinh hoạt của Chi hội Phụ nữ buôn Ranh B (xã Dak Liêng, huyện Lak).
Số tiền bán heo thu được, chị dành dụm mua các phương tiện phục vụ sinh hoạt gia đình, nuôi 2 con ăn học và dành riêng để sau này trả nợ ngân hàng. Dẫn chúng tôi đi xem đàn heo giống 10 con mới sinh được gần nửa tháng, chị H’Yêm khoe: “Trước đây gia đình mình chẳng có tài sản gì đáng kể, nhưng từ ngày được HPN giúp đỡ vay vốn, truyền đạt kỹ thuật chăn nuôi thì mọi chuyện đã khác. Nhờ mấy con heo này mà mình đã mua được tivi, xe máy và có tiền lo cho con ăn học. Hết năm nay, gia đình mình sẽ xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của buôn để nhường lại cho hộ khác được vay vốn làm ăn”.

Chị H’Bình Rơyam, Chủ tịch HPN xã cho biết: Tùy điều kiện thực tế của từng thôn, buôn, Hội sẽ hướng cho chị em chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát huy hiệu quả đồng vốn vay. Bên cạnh đó, Hội còn thường xuyên tổ chức kiểm tra mục đích sử dụng đồng vốn của chị em, nếu mô hình nào không hiệu quả thì tìm cách giúp đỡ chuyển sang mô hình khác. Trường hợp nào vay vốn sử dụng không đúng mục đích sẽ bị thu hồi chuyển giao cho hộ khác vay”. Nắm bắt thực tế hội viên phụ nữ buôn Ranh B đều là người dân tộc thiểu số tại chỗ, trình độ nhận thức của bà con còn thấp nên Hội đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hội viên một cách chi tiết cụ thể. Ngoài ra, Hội còn thường xuyên tổ chức cho chị em tham quan, học tập các mô hình làm ăn hiệu quả. Chẳng hạn, năm 2009, Hội đã tổ chức cho 50 chị em trong buôn tham gia học tập mô hình trồng lúa lai năng suất cao ở thôn Lâm Trường. Đến nay, nhiều hội viên đã áp dụng thành công mô hình này như chị: H’Nuôi, H’Nêm, H’Thủy, H’Nhin… HPN xã còn hướng dẫn cho chi hội phụ nữ buôn thành lập 4 tổ đổi công (mỗi tổ 20 người), giúp chị em thu hoạch mùa vụ và những lúc gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn. Ngoài ra, Hội còn huy động những chị có điều kiện kinh tế khá, giúp các hội viên khó khăn. Nhờ cách làm linh động của HPN xã Dak Liêng mà chỉ trong vòng 3 năm, số hộ hội viên phụ nữ nghèo của buôn Ranh B đã giảm từ 41 hộ xuống còn 14 hộ, nhiều hộ có thu nhập từ 20 đến 40 triệu đồng/ năm. Cách làm của HNP xã Dak Liêng là mô hình hay cần được nhân rộng ra nhiều địa phương trong huyện, tỉnh.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc