Multimedia Đọc Báo in

Lính công binh trên công trình Thủy điện Sêrêpôk 4

14:32, 31/05/2010
Những ngày tháng 5 này, trong khí thế thi đua chào mừng Đại hội Đảng các cấp, trên các công trường giải phóng lòng hồ Thủy điện Sêrêpôk 4, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Trung tâm xử lý Bom mìn và Môi trường Quân khu 5 đang miệt mài làm việc dưới cái nắng nóng khắc nghiệt của Tây Nguyên cuối mùa khô.
Pha dung dịch tiêu độc.
Pha dung dịch tiêu độc.
Thứ bảy (ngày 22-5), mặc dù là ngày nghỉ, nhưng trên công trường Thủy điện Sêrêpôk 4, Đại úy Mai Văn Lập, Trưởng phòng kỹ thuật và Trợ lý chính trị Trần Thanh Trung cùng hàng chục chiến sĩ Đội 2 vẫn hăng say làm việc, bảo đảm xử lý triệt để lượng chất độc CS đã phát hiện, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước mốc thời gian đã định, góp phần đưa công trình tích nước và phát điện vào tháng 6-2010.
 
Tận mắt chứng kiến cảnh các chiến sĩ mang mặc những bộ đồ đặc chủng của “bộ đội phòng hóa”, pha dung dịch, tiến hành phun xử lý chất độc, ai nấy mồ hôi đầm đìa, mặt đỏ ngay, chúng tôi cảm nhận phần nào nỗi vất vả, cực nhọc và hiểm nguy của người lính xử lý bom mìn, vật liệu nổ và hóa chất độc. Đại úy Mai Văn Lập cho biết: Đơn vị triển khai nhiệm vụ phát quang, dò phát hiện và xử lý chất độc vùng lòng hồ Thủy điện Sêrêpôk 4 với tổng diện tích hơn 400 ha. Sau gần 5 tháng, đơn vị đã phát hiện độc và xử lý triệt để 31 vị trí có chất độc với diện tích 12 ha, bảo đảm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào cuối tháng 5. Anh Trần Duy Viễn, Phó Ban Quản lý dự án Thủy điện Sêrêpôk 4 cảm phục: “Cán bộ, chiến sĩ Trung tâm xử lý Bom mìn và Môi trường Quân khu 5 thực sự làm việc có kinh nghiệm, có năng lực và luôn giữ được chữ tín”. Thượng úy Phạm Viết Hải, Đội trưởng đội 2 tâm sự: “Nhiệm vụ rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ và hóa chất độc hại là công việc hiểm nguy, không được phép sai sót một ly vì hậu quả sẽ khôn lường. Chính vì thế, trong triển khai công việc, ngoài trình độ chuyên môn, người lính cần phải chấp hành nghiêm quy trình cũng như ý thức kỷ luật. Và trong gần 5 năm qua, toàn trung tâm đã bảo đảm an toàn tuyệt đối, rà phá, tiêu hủy hơn 30 tấn bom đạn, phát hiện và tiêu độc hơn 3.000 ha đất bị nhiễm hoá chất độc hại trong chiến tranh”. 
 
Ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, Trung tâm xử lý Bom mìn và Môi trường Quân khu 5 còn tích cực tham gia công tác dân vận, từ năm 2005 đến nay, đơn vị đã xây dựng và trao tặng 13 nhà tình nghĩa trị giá 265 triệu đồng cho gia đình chính sách, hỗ trợ nhân dân hàng trăm công lao động, tặng hàng nghìn cuốn vở cho học sinh nghèo ở Tây Nguyên. Công trình nối tiếp công trình, khó có thể kể hết những hiểm nguy mà người lính Trung tâm xử lý Bom mìn và Môi trường Quân khu 5 đã đối mặt và vượt qua, dấu chân các anh đã đi qua những nơi mà bom đạn dầy đặc như Sân bay Buôn Ma Thuột, Thủy điện A Lưới, các tuyến đường giao thông trên khắp miền Trung-Tây Nguyên. Và tới đây, người lính của “đơn vị đặc biệt” này sẽ tiếp tục hành quân đến Sân bay Pleiku cùng nhiều công trình khác, góp sức hồi sinh những vùng đất chết.

 Bình Định

Ý kiến bạn đọc