Multimedia Đọc Báo in

Năng lực quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn còn bộc lộ nhiều yếu kém

14:22, 31/05/2010

Tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 70 công trình cấp nước tập trung từ nhiều nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc quản lý các công trình này sau khi đưa vào sử dụng chưa được quan tâm đúng mức,  nên hiệu quả cung cấp nước sạch của nhiều công trình không cao, gây lãng phí…
Theo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 70 công trình cấp nước tập trung, ưu tiên cho các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ở đây. Phần lớn, các công trình cấp nước sau khi nghiệm thu và đưa vào sử dụng đều được các chủ đầu tư bàn giao cho địa phương quản lý vận hành. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các công trình sau khi đưa vào vận hành không những không phát huy hiệu quả mà còn bị hư hỏng và xuống cấp nhanh chóng. Đơn cử như công trình nước sạch tập trung tại buôn Dray Hling và thôn 1 (xã Hoà Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) xây dựng từ năm 2004 – 2005 nhưng chỉ hoạt động được 1 năm, sau đó “nằm nghỉ” cho đến nay, theo cán bộ phụ trách về nước sinh hoạt và môi trường cho biết, các công trình cấp nước sau khi nhận bàn giao đều giao về cho thôn, buôn tự quản và vận hành, thu tiền…Tuy nhiên, do chưa am hiểu kỹ thuật, chuyên môn, trình độ quản lý  yếu đã dẫn đến tình trạng không thu được tiền sử dụng nước nên không có nguồn chi cho việc sửa chữa, bảo hành dẫn đến tình trạng hư hỏng kéo dài và không hoạt động được. Hay các công trình cấp nước ở buôn Ba, Ea Trang (huyện M’Drak), buôn Trắp (Ea Tam, Krông Năng), Cư Kbang (Ea Súp)…do công tác quản lý kém, kéo theo việc bảo quản, bảo dưỡng các hệ thống không được tốt dẫn đến trình trạng bể lắng, đường ống dẫn nước của các công trình này bị bồi lấp, tích tụ nhiều rác thải gây tắc nghẽn van xả, đường ống, khiến nước chảy yếu, bị đục bẩn hoặc hoàn toàn không vận hành được. Hiện tại, trong số 70 công trình cấp nước được xây dựng thì có đến 16 công trình hoạt động trung bình, 12 công trình hoạt động kém, 7 công trình không hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều công trình sau khi nhận bàn giao từ chủ đầu tư, UBND xã đã thành lập Ban quản lý, nhưng lại cử cán bộ kiêm nhiệm, không có bộ phận chuyên môn đảm nhận công tác quản lý, vận hành hoặc giao cho thôn, buôn tự quản. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa xây dựng cơ chế thu chi về tài chính rõ ràng, tỷ lệ nợ tiền sử dụng nước từ các hộ cao, thậm chí có nơi không thu được tiền.

Có thể nói, những bất cập đang tồn tại ở các trạm cung cấp nước sạch nông thôn hiện nay xuất phát từ sự quan tâm chưa đúng mức của các ngành chức năng và chính quyền địa phương. Trước tình hình đó, mới đây, ngành chức năng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, vận hành các công trình này cho cán bộ địa phương, đồng thời đề xuất phương án quản lý sau đầu tư hợp lý hơn. Theo ý kiến ông Lê Aùi Hữu, Trạm trưởng Trạm cấp nước thị trấn Ea Súp thì không nên đầu tư xây dựng các công trình cấp nước rải rác mà nên đầu tư tập trung để doanh nghiệp (nhà nước hoặc tư nhân) quản lý, vận hành thì hiệu quả sẽ cao hơn. Trên thực tế, hầu hết các công trình cấp nước đều nằm ở những vùng khó khăn nên rất khó thu hút sự tham gia của các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp. Thiết nghĩ, để tăng cường quản lý các công trình cấp nước sau khi được chuyển giao, các địa phương ngoài việc thành lập tổ hoặc ban quản lý chuyên trách khai thác công trình, cần xây dựng quy chế hoạt động rõ ràng.Từ nguồn đã thu, ban quản lý được phép chi cho công tác vận hành công trình,  sửa chữa thường xuyên và trả lương cho người lao động đảm nhận quản lý, bảo vệ công trình. Các địa phương cũng cần có kế hoạch hỗ trợ kinh phí hoạt động cho tổ, ban quản lý công trình trong thời gian đầu nếu cần thiết. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân để họ nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ công trình công cộng, chấp hành nghiêm những quy định của Nhà nước và địa phương trong sử dụng nguồn nước này.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc