Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở Cư San

11:04, 26/05/2010

Xa xôi và gần như cách biệt với thế giới bên ngoài! Cái cảm giác đó luôn ám ảnh tôi mỗi khi tìm về xã Cư San (M’Drak). Phía sau những con dốc quanh co, Cư San hiện ra trước mắt với những nóc nhà lúp xúp, nhỏ bé nằm xen kẽ giữa các cánh rừng.

Những nếp nhà đơn sơ nằm xen giữa những cánh rừng.
Những nếp nhà đơn sơ nằm xen giữa những cánh rừng.
Mơ ước con đường nhựa
Cách trung tâm huyện M’Drak gần 40 km, địa giới hành chính của xã Cư San khá đặc biệt: Không chỉ tiếp giáp với những xã trong huyện hay các xã của huyện Krông Bông, Ea Kar mà còn nằm sát với một số địa phương của tỉnh Khánh Hòa. Xã Cư San gần như là xã tận cùng, xa nhất của tỉnh Dak Lak. Nối thông xã Cư San với trung tâm huyện M’Drak chỉ có duy nhất một con đường liên huyện mà thực chất đến nay chỉ như là con đường mòn xuyên qua rừng. Có lẽ vì thế Cư San như thể là một "ốc đảo" giữa rừng. Thực phẩm ở đây rất đắt đỏ; ngay đầu con dốc dẫn vào trung tâm xã là hai "trung tâm thương mại" án ngữ với vô số nhu yếu phẩm. Từ mắm muối, đến phân bón; từ bia Sài Gòn đến thuốc trừ sâu, rồi các loại kẹo, mì gói, nước giải khát. Vào mùa khô, hằng tuần, tư thương từ M’Drak hay huyện Krông Bông đều mang hàng vào cung cấp, thực phẩm chủ yếu là trứng, thịt heo, cá khô và rau. Nhưng vào mùa mưa thì có khi cả tháng trời mới có hàng vào. Bởi thế, giá cả luôn tỷ lệ nghịch với thu nhập của người dân. Vật lộn với gần 40 km đường đất, bụi tung mù mịt, tôi khá bất ngờ vì gặp đoạn đường nhựa. Những tưởng sẽ đỡ vất vả hơn nhưng chỉ đi được vài km, đường sá lại đâu vào đó. Theo quan sát, đoạn đường đã được thi công khá lâu, một số đoạn bắt đầu xuống cấp. Sau này tôi mới hay rằng, đây là một phần của công trình đường liên huyện (quy hoạch là đường tỉnh lộ 13) nối M’Drak với Krông Bông nhưng nghe đâu khi có dự án đường Trường Sơn dự định đi qua đây thì việc thi công con đường này phải đình lại dù đã có khảo sát thiết kế đầy đủ, và tất cả chỉ dừng lại ở đó. Chị Hoàng Thị Việt, một người gắn bó với vùng đất này từ khi Cư San chưa tách khỏi xã Ea Trang, than thở. “Ngày khởi công công trình này, người dân rất mừng vui vì nghĩ rằng từ đây việc đi lại, thông thương sẽ dễ dàng hơn, thế nhưng không hiểu vì sao chỉ làm được vài km thì dừng lại”. Ông Nguyễn Văn Nhất, Chủ tịch xã Cư San trăn trở: “Đường nhựa không vào tới xã, theo đó những công trình dân sinh khác cũng khó có thể triển khai được”. Ông cho biết thêm, hầu hết các tuyến đường đang hư hỏng nặng, mùa mưa các phương tiện giao thông không thể đi lại được, còn mùa khô thì chỉ có một số tuyến chính lưu thông được. Do đó, giao thương chủ yếu là tự cung tự cấp, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, việc cần kíp nhất vào lúc này là có con đường nhựa.

Với Cư San, tất cả đều còn ở phía trước, phải chờ đợi để có thể thoát ra khỏi cảnh bị cô lập giữa rừng mà con đường Đông Trường Sơn chạy qua đây là một hy vọng.

Được đi học là niềm mong ước của trẻ em ở Cư San.
Được đi học là niềm mong ước của trẻ em ở Cư San.
Vòng luẩn quẩn tảo hôn - đói nghèo
Cư San có đổi thay theo nhịp sống, nhưng dường như còn chậm. Chủ tịch xã Nguyễn Văn Nhất thông báo: Xã có chín thôn với 1.149 hộ, 6.206 khẩu, trong đó chỉ có 10 hộ kinh doanh. Không có diện tích trồng cây lâu năm, đất trồng lúa trên 210 ha, đất trồng cây hằng năm hơn 63 ha, đất trồng cỏ chăn nuôi 23 ha; tỉ lệ hộ đói nghèo 25,6%, tình trạng tảo hôn còn phổ biến... Cư San nghèo, Cư San cách trở…, hẳn là như vậy! Nhưng vì sao nạn tảo hôn lại là phổ biến? Ông Nhất cho hay, hơn 90% người dân trong xã là đồng bào dân tộc thiểu số từ phía Bắc vào và họ đã mang theo những tập tục của dân tộc mình khi di cư vào đây. Chính quyền đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhưng chưa thể khắc phục tình trạng này. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, tôi được anh Trần Văn Huy, cán bộ xã dẫn đến thôn Ea Krông. Mất hàng tiếng đồng hồ vòng vèo trên con đường mòn khuất dưới tán rừng, chúng tôi đến nhà anh Triệu Tín Quý, một cán bộ làm công tác mặt trận của địa phương. Chúng tôi ngồi trong nhà, ánh nắng rọi xuống như ở ngoài trời. Anh Quý xuề xòa: “Mỗi khi trời mưa tôi phải lấy xô, chậu hứng nước vì nhà dột nát quá”. Trước mặt tôi, một người đàn ông gầy gò bế đứa trẻ gần ba tuổi, mặt lem nhem đất và cũng gầy không kém đang rót nước mời khách. Qua giới thiệu của anh Huy, tôi “ngã ngửa”, Quý mới 19 tuổi và đứa trẻ ngồi trên đùi là con đầu của anh, đứa sau đang được mẹ địu lên nương. Anh Quý nói: “Ở thôn Ea Krông này ai cũng vậy thôi, như nhà tôi là còn ít con đấy”. Như để dẫn chứng cho lời nói của mình, anh Quý dẫn chúng tôi sang nhà anh Liều Séo Séo, cùng tuổi với anh. Nhà anh Séo chỉ có vợ và bốn đứa con nheo nhóc đang phơi sắn ngoài sân. Vợ anh Séo cho biết, chồng chị đang đi còn đi học ở ngoài trường huyện nên chỉ một mình chị ở nhà nuôi con. Chị tâm sự có đến bốn đứa con nhưng đứa lớn nhất mới năm tuổi, đứa nhỏ thì đang nằm trên lưng mẹ, sắp hết thóc rồi, kiếm được đồng nào thì gửi cho chồng đi học ở ngoài huyện, nên nhà chẳng có gì đáng giá. Chia tay thôn Ea Krông, những lời tâm sự chân thành của người dân khiến  tôi ái ngại khi nghĩ đến tương lai của họ. Tất cả sẽ ra sao khi những điều kiện cần thiết nhất để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng chưa có. Vòng luẩn quẩn tảo hôn - đói nghèo đang khiến cuộc sống của người dân nơi đây vốn đã gian nan càng thêm nghèo khó.

Tôi không dám nán lại thêm vì sợ trời tối sẽ rất khó đi. Rời Cư San khi mặt trời đã khuất núi, những người làm nương đang trên đồi trở về nhà, thấp thoáng những bóng em thơ đi học về, tôi mang theo nỗi trăn trở, băn khoăn không biết đến bao giờ Cư San mới thoát khỏi cảnh đói nghèo. Chỉ có việc hoàn thành con đường và sự trợ giúp của Nhà nước mới giúp điều đó thành hiện thực. Với Cư San, có lẽ là chưa đủ, nhưng ở cái xã vùng sâu, vùng xa, thuộc diện nghèo nhất tỉnh này, chừng ấy cũng đáng để hy vọng.

 

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc