Multimedia Đọc Báo in

Gia đình luôn là mái ấm chở che

10:23, 28/06/2010

 

Đang học lớp 11, Hà Văn Vấn bỏ học dở chừng, vào Dak Lak làm thuê đủ nghề, gom được ít vốn rồi mở quán bán cà phê giải khát tại thôn Tam Lập (xã Ea Tam, huyện Krông Năng). Và đây cũng là địa điểm bán vé xe khách Bắc-Nam nên rất nhiều người lui tới.
Mặc dù đã có gia đình nhưng đang trong độ tuổi thích chứng tỏ bản lĩnh đàn ông, lại bị bạn bè xấu rủ rê, khích bác, Vấn quyết định “thử” một lần ma túy cho biết rồi nghiện lúc nào không hay. Từ chỗ chỉ hút lén lút, dấu giếm, Vấn chuyển sang chích và cung cấp cả hàng cho các con nghiện khác. Cả nhà bàng hoàng khi biết tin Vấn nghiện, bao nhiêu của cải, tiền bạc trong nhà lần lượt đội nón ra đi theo những cơn “phê” thuốc của Vấn. Gia đình, bà con làng xóm khuyên can thế nào Vấn cũng không rứt ra được sự quyến rũ của “nàng tiên nâu”.
Hội viên cựu chiến binh xã Ea Tam và bà con hàng xóm đến thăm gia đình Hà Văn Vấn
Hội viên cựu chiến binh xã Ea Tam và bà con hàng xóm đến thăm gia đình Hà Văn Vấn
Trong lúc tưởng chừng như bế tắc đó, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, tổ tự quản phòng chống ma túy của Hội Cựu chiến binh xã và đặc biệt là sự cảm thông, chia sẻ của mẹ, vợ nên Vấn đã tự cai nghiện thành công tại nhà. Vấn chia sẻ: “Trước đây, mỗi ngày tôi “đốt” hết 500.000 đến 1 triệu đồng cho các cơn phê thuốc, cơ thể ngày càng gầy yếu, bỏ bê hết công việc làm ăn. Dù vậy, Hội viên CCB, bà con hàng xóm, anh em không xa lánh mà còn thường xuyên hỏi han sức khỏe, động viên từ bỏ ma túy. Thêm vào đó, được vợ gần gũi, an ủi, phân tích nên tôi nhận ra sai lầm của mình và quyết tâm cai nghiện”. Hiện vợ chồng Vấn đã gầy dựng lại được cơ sở làm ăn cũ và tập trung chăm lo mấy sào cà phê nên cuộc sống cũng dần ổn định.
Khác với Vấn, anh Y Nam Niê (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) lại vì cái bụng chưa hiểu, chưa thông, không phân biệt được cái đúng, cái sai nên đã từng móc nối với các phần tử xấu để kích động bà con trong buôn cùng gây rối an ninh trật tự và bị bắt giam giữ, cải tạo. Trong thời gian này, Y Nam thường xuyên được đại diện chính quyền địa phương, gia đình đến động viên thăm hỏi, khuyên nhủ điều hay lẽ phải nên đã thực sự hối cải. Khi được trở về sum họp với gia đình bà con trong buôn không xa lánh, dòng họ lại quan tâm, đùm bọc nên anh đã tu chí làm ăn, quyết tâm không vấp phải sai lầm nữa. Ngoài việc tập trung canh tác tốt 5 sào cà phê, sẵn có nghề thợ xây trong tay, anh mạnh dạn nhận thầu xây dựng các công trình, nhà ở. Hiện cuộc sống của gia đình anh khá ổn định, đã xây được nhà cửa khang trang, các con đều được đi học nghề, học chữ. Anh Y Nam tâm sự: “Mình thực sự thấm thía rồi, sẽ không bao giờ làm điều gì sai trái nữa để phải xa buôn làng, vợ con vì chẳng có nơi nào bằng mái ấm gia đình. Cứ chịu khó làm ăn lại được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương thì không lo đói”.
Đã có rất nhiều trường hợp lầm lỡ trở về với mái ấm gia đình không chỉ nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng mà quan trọng hơn là sự đồng cảm, chia sẻ của gia đình, người thân. Chính điều đó là động lực giúp họ vượt qua khó khăn, mặc cảm để vươn lên xây dựng lại cuộc sống tốt đẹp hơn.
 Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc