Multimedia Đọc Báo in

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cư M’gar: Những nỗ lực góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình

12:45, 21/06/2010
Bằng nhiều biện pháp thiết thực, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cư M’gar đã nâng cao nhận thức cho hội viên (HV) về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, đã góp phần giảm thiểu số vụ đánh đập, ngược đãi xảy ra trên địa bàn.
Theo đánh giá của Hội LHPN huyện Cư M’gar, sau gần 3 năm triển khai, khoảng 98% HV đã được tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Việc thông tin, tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức: nói chuyện trực tiếp tại các chi, tổ hội, câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ với pháp luật”; lồng ghép trong các buổi sinh hoạt thôn, buôn. Đặc biệt, trong năm 2009 Hội đã tổ chức Chương trình Giao lưu tìm hiểu kiến thức Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình, với sự tham gia của 10 đội đến từ các CLB Phụ nữ với pháp luật của các xã, thị trấn. Chương trình đã tuyên truyền các nội dung:  quyền lợi của nạn nhân bạo lực gia đình; chính sách của Nhà nước về phòng chống bạo lực gia đình; những hành vi bị nghiêm cấm, những địa chỉ tin cậy để nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình tìm đến xin được được tư vấn, giúp đỡ.
Ban tổ chức trao giải cho các đội xuất sắc.
Ban Tổ chức trao giải cho các đội xuất sắc.
Chị Trần Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar cho biết, hầu hết các vụ bạo lực gia đình xuất phát từ sự cam chịu của phụ nữ, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Không ít trường hợp khi cán bộ Hội tìm đến động viên, giúp đỡ, lúc ấy các nạn nhân mới mạnh dạn trình bày hoàn cảnh của mình. Trường hợp chị M.T.C (thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến) là một ví dụ. Hai vợ chồng ra đồng gặt lúa, thiếu bao đựng, chị quay về nhà lấy. Do ở nhà quá lâu để vá lại số bao bị chuột cắn, khi chị vừa cầm bao ra tới ruộng, lập tức bị chồng “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” mà chẳng cần hỏi một tiếng. Hay như trường hợp của chị TTN (xã Cư M’gar), 15 năm lập gia đình cũng là ngần ấy thời gian phải sống trong cảnh “địa ngục”. Hằng ngày phải chịu đựng những lời chửi bới tục tĩu và những trận đòn chết đi sống lại từ người chồng cộc cằn, thô lỗ. Nhiều lần chị N. định bỏ nhà ra đi, thậm chí tìm đến cái chết nhưng thương các con bơ vơ, đành nén chặt đau khổ trong lòng.
 
Một nguyên nhân khác dẫn đến bạo hành gia đình là do vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng trong việc phân công công việc, người phụ nữ phải đảm đương, quán xuyến quá nhiều việc, từø việc đồng áng đến việc nhà, trong khi đó các ông chồng lại chẳng chia sẻ…
 
Trong năm 2009, Hội LHPN huyện Cư M’gar đã xây dựng thí điểm CLB “Gia đình hạnh phúc” tại xã Quảng Tiến, với sự tham gia của 30 cặp vợ chồng tiêu biểu. Các cặp vợ chồng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con, phát triển kinh tế gia đình. Những vấn đề liên quan đến tổ chức cuộc sống, phân công công việc trong gia đình cũng đã được các thành viên phân tích nhằm xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ. Anh Nguyễn Ngọc Tây Sơn, người sáng lập ra CLB Gia đình hạnh phúc nói: “Qua những lần sinh hoạt, các cặp vợ chồng đã nhận thức đúng giá trị đích thực của hạnh phúc, từ đó, tự điều chỉnh hành vi, cách ứng xử, chung tay xây dựng tổ ấm của riêng mình. Gia đình hạnh phúc chắc chắn không có chỗ cho bạo lực chen chân”. Mô hình này đang được Hội LHPN huyện Cư M’gar nhân rộng tại một số xã. Ở xã Quảng Tiến, trong 2 năm 2008 - 2009, số vụ bạo lực gia đình giảm hơn 80%. 6 tháng đầu năm 2010, toàn xã có 10 trường hợp xin ly hôn, trong đó, chỉ có 3 trường hợp là do bạo hành. Hội Phụ nữ cùng với Ban tự quản thôn đã hòa giải thành công 9 vụ. Tuy nhiên, cũng theo chị Trần Thị Loan, ngoài sự nỗ lực của Hội Phụ nữ các cấp, rất cần sự lên tiếng, giúp đỡ, kiên quyết đấu tranh của cộng đồng xã hội, đặc biệt là các nạn nhân để giảm thiểu dần những cảnh đời bất hạnh, cũng như hậu quả đáng tiếc do bạo lực gia đình gây ra. Trong đó, cần phải nâng cao trách nhiệm của mỗi người góp phần phát hiện, ngăn chặn các hành vi bạo hành gia đình. Đã đến lúc mọi người cần phải xem bạo lực gia đình không còn là chuyện trong gia đình, chuyện “đóng cửa bảo nhau” mà là vấn đề của xã hội và phải lên án, chấm dứt thói xấu đó.
Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.