Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar: Nhiều khó khăn trong đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn

10:05, 16/06/2010

Năm 2008, Huỳnh Tấn Trực, ở xã Quảng Hiệp (Cư M’gar), tốt nghiệp loại giỏi lớp đào tạo nghề sửa chữa xe máy do Trường Trung cấp nghề Dak Lak tổ chức ngay tại xã. Trực còn đi học thêm 6 tháng ở một tiệm sửa chữa xe máy để nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, sau khi học nghề xong, Trực vẫn không thể thực hiện được mong ước là mở một cơ sở sửa chữa xe máy vì không có vốn đầu tư. Cậu đành phải đi làm thuê với thu nhập khá bấp bênh. 
Trực chỉ là một trong số 30% thanh niên chưa có việc làm ổn định ở xã Quảng Hiệp. Tại xã thuần nông với hơn 12 nghìn nhân khẩu này, rất nhiều lao động chưa qua đào tạo, còn trong số những người đã học nghề thì rất ít người sống được bằng nghề. Ông Nguyễn Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp cho biết: “Trong những năm qua, xã đã cố gắng phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn với các loại ngành nghề như: sửa chữa xe máy, điện dân dụng. Tuy nhiên vẫn chưa nhiều thanh niên được đào tạo nghề, số thanh niên có việc làm sau khi đào tạo cũng rất ít, đây cũng là vấn đề hết sức trăn trở đối với chính quyền địa phương”.
Không chỉ ở Quảng Hiệp, tỷ lệ thanh niên nông thôn được đào tạo nghề thấp và tình trạng một số người đã học nghề nhưng chưa sống được với nghề còn diễn ra ở nhiều địa phương khác của huyện Cư M’gar. Mặc dù là huyện có cơ cấu dân số trẻ, lực lượng lao động tương đối dồi dào song đa số lao động này vẫn chưa qua đào tạo nghề, tập trung chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê mới đây, toàn huyện hiện có 2,3% lao động bị thất nghiệp, trong đó chủ yếu là thanh niên vùng nông thôn.
Từ năm 2006 đến nay, huyện Cư M’gar phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh tổ chức được 10 đợt “Ngày hội việc làm” thu hút hàng chục nghìn thanh niên tham gia; mở 19 lớp đào tạo nghề sửa chữa xe máy, máy nổ, điện dân dụng, dệt thổ cẩm, tin học… cho 632 thanh niên. Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn tín chấp cho 105 thanh niên được vay hơn 1 tỷ đồng từ nguồn vốn lao động - việc làm tại chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Tuy nhiên, không nhiều thanh niên được đào tạo nghề xong sống được với nghề. Nguyên nhân chính vẫn là do chất lượng đào tạo chưa cao nên rất nhiều học viên học xong vẫn không thể làm thạo nghề; một số thanh niên chưa mặn mà với việc học nghề; công tác giới thiệu việc làm cho thanh niên sau khi được đào tạo nghề vẫn còn hạn chế…
Thiết nghĩ, để giải quyết bài toán việc làm cho thanh niên nông thôn, các cơ sở đào tạo, dạy nghề cần nâng cao chất lượng giảng dạy theo hướng tăng cường thời lượng thực hành, tiếp xúc với thực tế để giúp người học thạo nghề sau khi được đào tạo; chính quyền các địa phương cần chủ động, phối hợp xây dựng nhiều kênh thông tin để thanh niên dễ tiếp cận và tìm hiểu ngành nghề dự định theo học, giúp thanh niên chọn các ngành nghề đào tạo phù hợp sát thực như: sửa chữa xe máy, máy nổ, điện dân dụng…. đồng thời có những biện pháp tích cực giúp thanh niên sau khi được đào tạo nghề được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, giới thiệu việc làm cho thanh niên…                                                   

Công Phong

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.