Multimedia Đọc Báo in

Nhân Ngày truyền thống Người cao tuổi 6-6

Chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp đổi mới đất nước

14:23, 06/06/2010

 Do những tiến bộ vượt bậc của nền y học cũng như nhiều ngành khoa học khác, loài người đang đứng trước một hiện tượng mới mẻ. Đó là lớp người cao tuổi, kể cả ở nước ta, ngày càng tăng về số lượng và chiếm một tỷ lệ quan trọng trong xã hội.

Quan tâm, chăm sóc người cao tuổi là trách nhiệm của toàn xã hội.
Quan tâm, chăm sóc người cao tuổi là trách nhiệm của toàn xã hội.

Cuộc đời và sự nghiệp của người cao tuổi nước ta gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Họ chính là những nhân chứng lịch sử và rất nhiều người đã trực tiếp làm nên lịch sử, góp phần cùng toàn dân lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đó là những vị lão thành cách mạng, những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những Anh hùng Lực lượng vũ trang…, những người đã cống hiến trí tuệ, tuổi thanh xuân cho đất nước. Nhiều người hiện nay vẫn còn gánh vác những trọng trách trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội.
 
Một điều thật cảm động là có rất nhiều vị lão thành dù tuổi cao, sức yếu, vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp, nêu gương mẫu mực trong cuộc sống về ý thức lao động, tinh thần rèn luyện giữ gìn sức khỏe, tấm lòng nhân ái, vị tha…

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tự hào về lớp người cao tuổi nước ta. Với uy tín cao, sự mẫu mực về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống, cùng vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng lao động và nghiệp vụ phong phú, đa dạng của mình, người cao tuổi thật sự là một bộ phận hợp thành nguồn lực nội sinh quý giá của dân tộc.

Với những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy cả một đời người, thế hệ người cao tuổi có nhiều năng lực tiềm tàng để tiếp tục có những đóng góp hết sức đáng trân trọng trong mỗi gia đình cũng như trong cộng đồng xã hội. Lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của nước Việt Nam ta đã ghi nhận nhiều quyết định sáng suốt và công lao đóng góp to lớn của các bô lão. Cuối thế kỷ 11, Lý Thường Kiệt đã 85 tuổi còn kiên quyết yêu cầu triều đình được đi đánh giặc ngoại xâm. Hội nghị Diên Hồng lịch sử vào năm 1.285 đã ghi lại một dấu son trong lịch sử về ý chí kiên cường bất khuất, giữ vững độc lập, tự do của nhân dân ta mà tiếng nói quyết định của các bô lão là tiêu biểu cho ý chí kiên cường đó.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, người cao tuổi nước ta đang đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao – Gương sáng”, tích cực hoạt động trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội theo năm nội dung chủ yếu:
- Nêu gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
- Nêu gương sáng góp phần phát triển giáo dục, xây dựng con người.
- Nêu gương sáng trong xây dựng đời sống văn hóa.
- Nêu gương sáng trong xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
- Nêu gương sáng trong xây dựng củng cố Hội Người cao tuổi lớn mạnh.
Thế hệ trẻ hôm nay có nhiều điều kiện thuận lợi để phấn đấu vươn lên về nhiều mặt so với thế hệ cha anh. Song những mặt thuận lợi ấy chỉ được phát huy trên cơ sở biết kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, biết kế tục sự nghiệp của cha anh. Những biểu hiện phủ nhận sự nghiệp phấn đấu, hy sinh của lớp người đi trước hoặc coi thường kinh nghiệm của lớp người cao tuổi, thiếu quan tâm chăm sóc và chưa biết quý trọng những đóng góp rất đáng kính của người cao tuổi trong mọi gia đình, trong các cộng đồng xã hội là những biểu hiện vừa trái với đạo lý thường tình, vừa không đúng với quy luật của sự kế thừa – phát triển.
“Kính lão, trọng thọ” là đạo lý, truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam, bắt nguồn từ lòng biết ơn sâu sắc đối với lớp người cao tuổi đã từng phấn đấu vất vả cả đời mình để nuôi dạy con cái, chăm lo hạnh phúc gia đình và đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Là lớp người có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục lớp trẻ; cần cù, sáng tạo trong lao động; dũng cảm, kiên cường chống giặc ngoại xâm; sống mẫu mực, tiêu biểu cho lòng yêu nước, thương người…, vì vậy, trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước, các lớp người cao tuổi việt Nam luôn được quý trọng, tôn vinh.
Người cao tuổi Việt Nam vô cùng tự hào về truyền thống vẻ vang của mình, trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là tấm gương tiêu biểu sáng ngời của lớp người cao tuổi.
Ngày 24-9-1994, Chính phủ đã quyết định thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam trên cơ sở kế thừa truyền thống của Hội Phụ lão cứu quốc. Đến nay, sau 15 năm xây dựng và phát triển, Hội đã có trên 7.100.000 hội viên, chiếm 90% số người cao tuổi.

Báo cáo Chính trị Đại hội X của Đảng nêu rõ: “Đối với người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để hưởng thụ văn hóa, được thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, chiến đấu của người cao tuổi trong xã hội và gia đình. Xây dựng gia đình “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, cháu con hiếu thảo”. Giúp đỡ người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa vượt qua khó khăn trong cuộc sống".

Ngày 27-9-1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 59-CT-TƯ về “Chăm sóc người cao tuổi”, và ngày 3-2-2010, ra Thông báo Kết luận số 305-TB-TƯ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 59-CT-TƯ, nêu rõ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong giai đoạn mới, coi đây là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Người cao tuổi, và gần đây, đã thông qua Luật Người cao tuổi, khẳng định vị trí, vai trò, tiềm năng quý giá, một lực lượng xã hội quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân, thể chế hóa những chính sách về chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trong đời sống xã hội.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Hội Người cao tuổi là tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và thành quả cách mạng. Hội Người cao tuổi đã phát huy vai trò nòng cốt trong xã hội hóa việc chăm sóc, cổ vũ động viên người cao tuổi phát huy tài năng, thi đua phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, cho cộng đồng, cho đất nước, góp phần xóa đói, giảm nghèo trong người cao tuổi và trong xã hội. Năm 2010, qua Hội nghị điển hình tiên tiến ở các cấp, có hơn 300.000 cụ được tôn vinh là người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Các cấp Hội đã cùng với cán bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tham gia tích cực vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Những người cao tuổi Việt Nam tiếp tục sống khỏe, sống vui, sống có ích để xứng đáng với sự tôn vinh và trách nhiệm cao cả mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã trao tặng: “ Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nguyễn Xuyến

Ý kiến bạn đọc