Multimedia Đọc Báo in

Nhân "Tháng hành động vì trẻ em"

Giải pháp nào cho tình trạng lao động trẻ em?

11:08, 07/06/2010
Bên cạnh số trẻ em tham gia làm kinh tế để phụ giúp gia đình thì ngày càng có nhiều trẻ phải làm thuê, làm việc như người lớn để nuôi mình, nuôi gia đình. Điều đáng nói là phần lớn các em phải làm việc kéo dài, tiền công thấp và nguy cơ bị ngược đãi, xâm hại, lạm dụng rất cao.
Thực trạng lao động trẻ em trên địa bàn tỉnh
Một số doanh nghiệp chế biến gỗ ở các huyện Krông Buk, Ea H’leo sử dụng lao động trẻ em.
Một số doanh nghiệp chế biến gỗ ở các huyện Krông Buk, Ea H’leo sử dụng lao động trẻ em.

Không có một con số thống kê chính xác nào về tình trạng trẻ em lao động sớm, lao động trong môi trường nặng nhọc trên địa bàn tỉnh. Nhưng một thực tế là vẫn có khá nhiều trẻ do hoàn cảnh gia đình khó khăn đã phải bỏ học sớm để làm việc nặng nhọc trong nhà hoặc phải đi làm thuê, làm mướn giúp đỡ gia đình. Ở khu vực thành phố, thị xã, phổ biến là trẻ em làm giúp việc gia đình, phụ việc ở nhà hàng, cửa hàng, bán hàng rong, đánh giày, quét dọn và thu lượm phế thải... Ở nông thôn, trẻ thường phải lao động nặng nhọc nhiều hơn như: trồng trỉa, gặt hái, cày cuốc, gánh vác, khai thác đá… Không chỉ bị lạm dụng về sức khỏe, lao động trẻ em còn bị lạm dụng về thời gian lao động, tâm lý (đánh, mắng khi làm việc) và tệ hơn là xâm hại tình dục. Trẻ em tham gia vào các hoạt động kinh tế dưới 4 hình thức: Làm kinh tế gia đình; vừa làm kinh tế gia đình, vừa làm thuê; làm thuê và tự kiếm sống. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ trẻ em tự kiếm sống có xu hướng tăng, trong đó lứa tuổi phổ biến bị lạm dụng rơi vào trẻ từ 13-16 tuổi ngày càng nhiều.
Tỉnh ta, lao động trẻ em ở vùng nông thôn là khá phổ biến. Nhiều gia đình, trẻ trở thành lao động chính và thường xuyên phải cáng đáng những công việc nặng nhọc. Em Nguyễn Văn Mạnh 13 tuổi (ở thôn 12, xã Krông Buk, huyện Krông Pak) lau nhanh mồ hôi trên khuôn mặt đen nhẻm của mình hổn hển nói: “Mùa mưa rồi nên nhiều việc lắm, làm không xuể. Nhà cháu có 3 sào rẫy mà mẹ lại bị ốm yếu luôn, cha đi làm ăn xa nên cháu và đứa em gái kế mới 10 tuổi phải cuốc, cày làm đất, gieo trồng đậu, bắp để có cái ăn cho cả nhà 5 người. Mùa thu hoạch cà phê cháu lại đi hái thuê cho người ta, ngày cũng kiếm được dăm chục nghìn đồng…”. Em Hà Huy Tiến 15 tuổi ở xã Quảng Phú (Cư M’gar) thì ấm ức  vì: “Trẻ con đi làm thuê bị đối xử bất công và thiệt thòi lắm. Mỗi ngày cháu vét được số bồn cà phê bằng người lớn, có ngày còn làm hơn họ thế mà tiền công cháu chỉ nhận được bằng 2/3 của người lớn.” Em Y Joan Niê ở buôn Nắc (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) mới 14 tuổi nhưng đã phải thường xuyên lao động nặng nhọc để lấy tiền phụ giúp gia đình. Bỏ học từ năm lớp 4, Y Joan bắt đầu những ngày tháng lăn cù trong bùn đất hết lò gạch này sang lò gạch khác để làm thuê. Từ đóng gạch đến phơi gạch, lao động quần quật như một công nhân thực thụ nhưng Y Joan cùng một số bạn cùng trang lứa nữa chỉ được trả công hàng ngày theo sản phẩm, không được ký hợp đồng làm việc nên dĩ nhiên không có quyền lợi gì khác ngoài những đồng lương rẻ rúng mà các em phải cố hết sức mới có được. Trung bình mỗi tháng các em chỉ thu nhập từ 500.000 đến 600.000 đồng. Với những trẻ lao động tự do như đi bán hàng rong, vé số, lượm ve chai... thu nhập có cao hơn nhưng bình quân mỗi tháng cũng chỉ ở mức 700.000-800.000 đồng/tháng.
Cần có sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương
Trẻ em bán vé số trên đường phố Buôn Ma Thuột.
Trẻ em bán vé số trên đường phố Buôn Ma Thuột.

Thực tế cho thấy: nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ em phải lao động là do sự nghèo đói. Kinh tế khó khăn, nguy cơ có thêm nhiều trẻ em phải lao động kiếm sống trong thời gian tới là khó tránh khỏi. Chị  Đinh Thị Danh, Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Krông Ana xót xa nói: Tình trạng trẻ bỏ học ở bậc THCS trong giai đoạn gần đây có chiều hướng tăng mạnh vì vậy đương nhiên số lao động trẻ em cũng sẽ tăng. Có thể thấy nguyên nhân sâu xa là cơ hội và khả năng tiếp cận của trẻ em đối với hệ thống giáo dục và dạy nghề còn hạn chế. Vì nghèo nên nhiều gia đình không đủ tiền cho con đến trường. Khi trẻ không được học, các em cũng bị tước bỏ cơ hội đào tạo nghề. Cái vòng luẩn quẩn: đói nghèo-thất học-lao động không kỹ thuật-thu nhập thấp-đói nghèo vì thế cứ tiếp diễn… Mặc dù rất bức xúc với tình trạng trẻ em bỏ học, lao động sớm, nhưng chị Danh cũng không nắm được cụ thể con số lao động trẻ em là bao nhiêu vì: Cán bộ Phòng LĐTB&XH thiếu, chị phải kiêm cả quản lý dạy nghề, lao động, việc làm lẫn chăm sóc trẻ em nên làm không xuể. Trong khi đó lại không có đội ngũ cộng tác viên về dân số, trẻ em ở thôn, buôn như ngày xưa. Cán bộ xã thì kiêm nhiệm đủ việc, không có ai chuyên trách về trẻ em nên “mảng” trẻ em thực tế là gần như bỏ ngõ, không có thông tin cập nhật. Chị Danh cũng đã từng mạnh dạn đề nghị lên chính quyền địa phương: mỗi tháng xin kinh phí ngân sách 7,2 triệu đồng nhằm xây dựng lại đội ngũ cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở 72 thôn, buôn để họ nắm tình hình và có báo cáo cụ thể ở địa phương, có thông tin cập nhật. Nhưng nguồn ngân sách huyện eo hẹp lại không có chủ trương từ cấp trên nên đương nhiên không thể đáp ứng được yêu cầu…Đó là thực tế ở một huyện được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em của tỉnh. Phải nhận thấy một thực trạng là ở hầu hết các địa phương, chính quyền chưa quan tâm nhiều đến hoạt động phòng và chống lao động trẻ em. Đa số các huyện đều không nắm được số trẻ em bỏ học để lao động, hoặc số trẻ em rời gia đình đi nơn khác làm việc và công việc của các em ở nơi đó như thế  nào.
Giải quyết vấn đề lao động trẻ em đòi hỏi chính sách đồng bộ và các mô hình can thiệp thích hợp, giám sát chặt chẽ. Để làm được điều này, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban ngành, cộng đồng xã hội, nhà trường của chính các em và gia đình, đặc biệt là chính quyền  và đoàn thể cơ sở. Nếu chính quyền địa phương tiếp tục thờ ơ thì công tác giảm thiểu trẻ em phải lao động sớm vẫn còn là thách thức.
 Minh Quân

Ý kiến bạn đọc