Multimedia Đọc Báo in

Nơi thắp lên những niềm hy vọng

09:10, 30/06/2010

Chúng tôi đến Trung tâm Phục hồi Chức năng Trẻ khuyết tật huyện Ea Kar giữa những ngày tháng Sáu khi Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa, những hạt mưa làm mát dịu đất trời sau những tháng ngày khô hạn. Nhưng nơi đây có một “khoảng trời” mà mỗi khi chạm đến khiến lòng ai cũng rát bỏng…

“Hình hài” của những nỗi đau…

Những ánh mắt nhìn vô định; những tiếng cười ngô nghê; những đôi tay biết đi; những thân hình queo quắt hình dấu hỏi… trong một phòng tập đặc biệt, đó là Thùy, Đức, Nhung, Ngoan, H’Sanh… mà mỗi em là một số phận nghiệt ngã. Nguyễn Thị Thùy, một bé gái năm nay vừa tròn 7 tuổi nhưng không biết nói, thần kinh không ổn định, lúc nào trong người cũng bứt rứt khó chịu, chân tay cứ quẫy đạp không yên. Ôm đứa con gái bé bỏng trong lòng, chị Nguyễn Thị Vượng – mẹ của cháu bé nói như khóc: “ 7 năm rồi, nhìn đứa con lúc nào cũng như nửa điên, nửa dại mà ruột gan như bị xát muối! Từ dạo cháu biết đi, cả nhà không ai dám rời xa bé nửa bước, chỉ cần sơ sẩy là mọi thứ ở trong nhà đều bị bé phá hết. Cố gắng chạy chữa khắp nơi, nhưng đi đâu cũng nhận được những cái “lắc đầu”, không nơi nào chẩn đoán được cụ thể là bệnh gì, chỉ biết đó là một dạng của chứng rối loạn tâm thần”. Nhìn Thùy trong lòng mẹ nhưng không lúc nào yên, tay hễ vơ được thứ gì là ném thứ ấy; chân thì liên tục đạp, thúc vào người mẹ; đôi mắt nhìn trống rỗng… mà thấy xót xa. 7 tuổi, cũng là chừng ấy thời gian em lớn lên với những trận động kinh, những cơn co giật làm cả nhà phải thất thần, sợ hãi, đau đớn. Cứ mỗi lần như thế, chị Vượng lại ôm chặt con vào lòng, đôi mắt hốc hác đã khô cạn nước mắt, chỉ có nỗi đau, tình yêu thương con lặn vào trong.

 

Bé Đặng Phụ Đức, thôn 7, xã Ea Sar bị tật tay bẩm sinh

Còn với Đặng Phụ Đức, một bé trai ở thôn 6, xã Ea Sar, năm nay cũng tròn 7 tuổi, hai bàn tay bị tật bẩm sinh, quắp hẳn vào trong. Mỗi bàn tay em có 4 ngón, nhưng mọi hoạt động cầm, nắm đều phụ thuộc vào ngón tay út và áp út, những ngón tay còn lại liệt hoàn toàn. Chủ nhật nào Đức cũng đến Trung tâm chăm chỉ tập luyện, chỉ với ước mơ thật giản dị là có thể cầm bút để đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Chỉ sau vài tháng tập luyện, được sự hướng dẫn, giúp đỡ của những kỹ thuật viên nơi đây, Đức đã viết được họ tên của mình. Nhìn em nắn nót từng nét chữ, viết lên giấy rồi hồ hởi khoe “Tên của con này!”… mà mắt cay cay. Có ai đó đã nói rằng hạnh phúc là những bất ngờ của nỗi đau. Với Đức, hạnh phúc cũng chỉ giản đơn như thế, “cầm được viết” là điều bất ngờ của chính nỗi đau tàn tật mà em đang phải gánh chịu, đó phải chăng chính là động lực để em vượt lên số phận nghiệt ngã của mình.

 

Các bác sĩ thuộc Hội Đông y huyện Ea Kar đang khám sức khỏe cho cháu Nguyễn Thiên Đức (9 tuổi)

Hình ảnh một bé gái 5 tuổi với gương mặt xinh xắn, dễ thương đang cố những bước chập chững trên chiếc xe tập đi cứ ám ảnh trong tâm trí chúng tôi. Thi Thị Nhung, cái tên được đặt cho bé là niềm tin của người mẹ mong ước cho cuộc đời của con gái luôn được ấm êm, hạnh phúc. Nhưng những bất hạnh của cuộc đời đã ập đến với Nhung khi em lên 2 tuổi. Sinh ra với thể trạng bình thường, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò tập đi” cho đến 15 tháng tuổi Nhung đã biết đi, biết chạy, thế nhưng lên 2 tuổi, đôi chân ấy lại teo tóp và yếu dần, không còn đứng lên được nữa. Khả năng ngôn ngữ của bé cũng không phát triển, 5 tuổi rồi nhưng Nhung không biết nói, những âm thanh bật ra chỉ là những tiếng ú ớ khó nhọc đến tội nghiệp. Như bóng đêm che khuất mọi ước mơ sinh tồn của con người, “bóng đêm” đang bao phủ lấy cuộc đời của em Nguyễn Thiên Đức (9 tuổi) ở thôn Đồng Tâm, xã Cư Huê là bệnh bại não, tim bẩm sinh với những cơn động kinh, co giật liên tục trong ngày. Đức giờ chỉ nằm một chỗ, chân tay co quắp, mọi phản xạ đều chậm chạp, ăn uống cũng rất khó khăn, mẹ phải mớm cho từng thìa. 10 năm nay, vợ chồng chị Vũ Thị Nhẹn gần như kiệt sức để lo cho cậu con trai tật nguyền, hoàn cảnh gia đình vì thế lại càng khó khăn. Mấy tháng gần đây, thể trạng của Đức yếu hẳn đi, cuộc sống trở nên mong manh như những hạt sương trước ánh bình minh…

Đến với các em bằng tình yêu thương

Gần nửa năm qua, đều đặn một tuần 3 buổi, lương y Nguyễn Quang Vịnh (Hội Đông y huyện Ea Kar) lại gác công việc tại phòng khám của gia đình, lỉnh kỉnh chở theo máy châm cứu, máy mát - xa… đến Trung tâm Phục hồi Chức năng Trẻ khuyết tật huyện Ea Kar để điều trị, hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho các cháu khuyết tật. Mỗi buổi, thường xuyên có khoảng 20 trẻ tập luyện, anh Vịnh mướt mồ hôi, chạy đi chạy lại như con thoi, khi thì xoa bóp, châm cứu, lúc thì chỉnh lại tư thế ngồi của các cháu ở máy tập. Không ít lần, anh phải cùng các cộng tác viên, phụ huynh giải quyết các “sự cố” như các cháu lên cơn động kinh hoặc quậy phá, không nề hà bất cứ việc gì ngay cả việc giúp các cháu vệ sinh. Ngoài việc giúp các cháu tập tại Trung tâm, anh còn tư vấn, hướng dẫn cho phụ huynh cùng phối hợp tập luyện cho con em ngay tại nhà. Sự tận tình, chu đáo của anh khiến không ít trẻ khuyết tật tại đây coi anh như người anh trai, người cha của mình. Những ánh mắt ngây dại, những giọng nói ngô nghê như ánh lên niềm vui khi nhìn thấy bóng áo trắng của anh Vịnh. Anh tâm sự: “Phần lớn các cháu ở đây đều bị khuyết tật bẩm sinh như: thần kinh cơ, co chân tay, động kinh, chậm phát triển trí tuệ… Hầu hết gia đình các cháu đều rất nghèo, không có nhiều điều kiện để chạy chữa cho con, vì thế họ coi Trung tâm như một cứu cánh, một nơi họ có thể gửi gắm hy vọng rằng đứa con của mình sẽ có ngày khỏe lại, hoạt động bình thường và hòa nhập tốt với cộng đồng. Vì thế, tôi muốn góp phần giúp các cháu bằng tất cả khả năng, kiến thức về y học của mình”. Quả thật, chỉ có thể bằng tấm lòng yêu thương, người lương y ấy mới có thể gác công việc của mình để đều đặn đến với Trung tâm, bỏ tiền túi mua sắm thêm một số vật dụng phục vụ các cháu và còn bốc thuốc xoa bóp miễn phí cho hơn 40 trẻ khuyết tật.

 

Lương y Nguyễn Quang Vịnh đang hướng dẫn bé Thi Thị Nhung (5 tuổi) tập luyện

Cũng chỉ có thể xuất phát từ tình yêu thương mà với khoản phụ cấp ít ỏi 60.000 đồng/tháng chưa đủ trang trải tiền xăng xe, chị H’Linh Bkrông mới gắn bó với công việc cộng tác viên của Trung tâm trong suốt 8 năm qua. Phụ trách số trẻ khuyết tật của địa bàn xã Cư Huê, không chỉ nắm rõ số lượng các cháu, dạng khuyết tật, hoàn cảnh gia đình, chị H’Linh còn đều đặn đến nhà từng cháu để hướng dẫn gia đình tập luyện, theo dõi mức độ tập, diễn biến tình trạng sức khỏe của trẻ, thông báo lịch và cùng với gia đình đưa đón các cháu đi khám sức khỏe… Công việc khiến chị như con thoi suốt ngày, mọi việc ruộng rẫy, nuôi heo gà, chăm sóc con cái ở gia đình chị đều phải hết sức tranh thủ và nhờ chồng giúp đỡ. Nhìn người phụ nữ ấy thoăn thoắt giúp từng cháu cân đo tại một buổi khám sức khỏe của Trung tâm, chúng tôi cảm nhận được ngọn lửa nhiệt thành trong chị và tin tưởng rằng nó sẽ không bao giờ vơi cạn. Chị H’Linh bộc bạch: “Khi nhận công việc này, tôi cũng hình dung được những khó khăn, vất vả, cũng băn khoăn. Nhưng rồi tôi nghĩ: mình không làm thì ai sẽ làm, ai sẽ giúp đỡ các cháu đây, chúng sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi rồi, mình nên góp sức xoa dịu nỗi đau cho các cháu. Và suốt 8 năm, các cháu đã như là máu thịt của tôi vậy, niềm vui của tôi gắn liền với mỗi tiến bộ của các cháu khi chúng tự đi được, tự cầm nắm được. Cũng đã có những cháu yếu dần và từ giã cuộc sống này, đó là nỗi đau không gì bù đắp được…”.

 

Phụ huynh đưa con em mình đến tập luyện tại Trung tâm Phục hồi Chức năng Trẻ khuyết tật huyện Ea Kar với hy vọng các cháu sẽ sớm hòa nhập cộng đồng.

Không chỉ anh Nguyễn Quang Vịnh, chị H’Linh, Trung tâm Phục hồi Chức năng Trẻ khuyết tật huyện Ea Kar còn có sự góp sức của các kỹ thuật viên, cộng tác viên khác; trong số đó có không ít người đã gắn bó ngay từ những ngày đầu mới thành lập như các chị Nguyễn Thị Mai, Thái Thị Hòa, Nguyễn Thị Truyện, Phạm Thị Yên, anh Đặng Văn Mến, Lê Đình Tuyên… Bằng tình yêu thương của mình, từ năm 2002 đến nay, họ đã góp phần giúp phục hồi chức năng cho khoảng 300 trẻ khuyết tật trên địa bàn.

Mái ấm Trung tâm tuy bé nhỏ nhưng nó đã thắp lên những niềm hy vọng, và như Giám đốc Nguyễn Huệ chia sẻ: con số 120 trẻ em khuyết tật đang được Trung tâm theo dõi, điều trị và phục hồi chức năng, trong đó 70 em luyện tập thường xuyên và 50 em thể nặng được hưởng chế độ còn là con số ít ỏi so với hơn 600 trẻ khuyết tật trên địa bàn toàn huyện. Nếu được mở rộng, đầu tư thêm trang thiết bị tập luyện đầy đủ, hiện đại hơn, Trung tâm sẽ tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật không chỉ ở huyện Ea Kar mà còn trên toàn tỉnh có nhiều cơ hội được điều trị. Có lẽ đó cũng là niềm mong ước của không riêng gì những người có trách nhiệm, gắn bó lâu năm với Trung tâm này mà còn của biết bao trẻ khuyết tật nơi đây.

Lê Hương – Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc