18:21, 30/07/2010
Những trận “đại hồng thủy” có quy mô hoành hành rộng và mức độ tàn phá lớn ở Tây Nguyên xuất hiện liên tiếp trong các năm 2007 và 2009 gây tổn thất nghiêm trọng về người và của đã cho thấy thiên tai lũ lụt ở Tây Nguyên, nơi vốn được coi là có nền khí hậu hiền hòa đang trở nên ngày một khốc liệt hơn. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tính chất nguy hiểm đặc biệt của thiên tai lũ lụt ở Tây Nguyên, đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm trong việc tổ chức phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra và phải có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống, góp phần hạn chế các tác nhân hình thành thiên tai.
Lũ quét, dạng thiên tai đặc biệt nguy hiểm, đã được ghi nhận là xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở Tây Nguyên. Điều đáng nói là hằng năm lũ quét đã xuất hiện ở chính những nơi mà nó đã từng xuất hiện, từng tàn phá khốc liệt và có nguyên nhân hình thành không mấy khác so với những lần xuất hiện trước: vẫn là do mưa lớn, đất không có cây rừng bảo vệ nên nước tập trung quá nhanh hoặc do nước lũ về vượt khả năng điều tiết của hồ đập, vỡ hồ đập tạo tổ hợp lũ sinh lũ quét.
|
Người dân khắc phục hậu quả sau một trận lũ quét. (Ảnh: T.L) |
Rõ ràng vấn đề lũ quét đã được định hình một phần, đã biết nguyên nhân, cơ chế hình thành, vận động; khu vực có nguy cơ xuất hiện cao nhưng chúng ta vẫn thiếu các biện pháp phòng tránh hiệu quả. Ở góc độ chuyên môn, công tác cảnh báo, dự báo lũ quét vẫn còn chung chung, chưa cụ thể bởi chúng ta chưa có được những hỗ trợ của máy móc thiết bị như: hệ thống đo mưa tự động để có thể truyền thông tin về trung tâm xử lý ngay từ khi mưa bắt đầu hình thành, thậm chí một số nơi còn chưa có cả trạm đo mưa thủ công, nên thông tin, số liệu phục vụ cho công tác dự báo lũ quét thiếu và chậm. Vì vậy, để chủ động phòng tránh lũ quét ở Tây Nguyên đòi hỏi sự đầu tư nhiều hơn về kiến thức khoa học cũng như kinh phí thực hiện.
Tuy mức độ nguy hiểm không lớn như lũ quét song với diện ảnh hưởng rộng hơn, thời gian gây hại kéo dài, lũ lụt trên các sông suối luôn gây hại rất lớn và gần như cố định vùng ảnh hưởng. Trong những năm gần đây, bằng việc củng cố và mở rộng mạng lưới quan trắc đo đạc, công tác thu thập số liệu, thông tin ngày một tốt hơn nên kết quả dự báo quá trình hình thành, mức độ, khả năng, phạm vi gây ảnh hưởng ngập lụt của nước lũ chính xác hơn. Phần lớn các đợt mưa lũ trên các lưu vực sông đều được dự báo trước với thời gian dự kiến đủ để chính quyền và nhân dân vùng bị ảnh hưởng kịp thời triển khai các biện pháp phòng tránh, chống lũ. Tuy nhiên, công tác truyền thông tin cảnh báo dự báo lũ lụt tới người dân vùng lũ còn chậm; người dân còn chủ quan, chưa thực sự chủ động tự bố trí phòng tránh lũ. Phần lớn những người dân vùng ảnh hưởng lũ lụt của sông vẫn dựa vào kinh nghiệm của mình, trong khi tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho diễn biến lũ lụt có những thay đổi sai khác với quy luật (chẳng hạn những đợt mưa lũ lớn trong các năm 2007 và 2009 vừa qua). Điều đó khiến lũ lụt vẫn gây tổn thất lớn về người và của.
Mùa lũ năm 2010 ở Tây Nguyên mới chỉ bắt đầu, lũ lụt đang có xu hướng ngày càng khốc liệt hơn nên công tác phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do lũ lụt gây ra vẫn là những vấn đề cấp bách. Để hạn chế được mức độ gây hại của lũ lụt, chính quyền và nhân dân các địa phương nên chủ động đối phó. Đặc biệt, phải có các bản tin cảnh báo, dự báo lũ lụt có độ chính xác cao và bảo đảm đủ thời gian tối thiểu để triển khai các biện pháp phòng chống, tổ chức tránh lũ. Các địa phương chịu ảnh hưởng của lũ lụt cần có các phương án tối ưu để triển khai ứng phó kịp thời, chính xác khi có các thông tin về khả năng xuất hiện lũ lụt. Đối với Tây Nguyên thời gian dự kiến của dự báo lũ tương đối chính xác (chỉ khoảng 6-12 giờ) nên việc triển khai công tác cứu hộ di chuyển người và tài sản ra khỏi vùng lũ cần phải được thực hiện hết sức nhanh chóng, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện từ trước. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai lũ lụt và các phòng chống đến tận người dân, giúp họ ý thức tự bố trí phòng tránh khi lũ lụt xảy ra. Cần có các biện pháp an toàn trong khai thác, vận hành các hồ chứa, đập dâng trong mùa mưa lũ bởi trên địa bàn Tây Nguyên hiện có rất nhiều hồ đập, công trình thủy lợi, thủy điện. Nếu các hồ chứa luôn chủ động điều tiết tốt thì không những công trình được an toàn mà còn có thể góp phần làm giảm mức độ lũ lụt ở hạ lưu.
KS Nguyễn Văn Huy
(Trung tâm Khí tượng thủy văn Kon Tum)
Ý kiến bạn đọc