Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ công tác phòng chống suy dinh đưỡng tại tỉnh ta

08:48, 14/07/2010
Cách đây 10 năm, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh ta ở mức 45,3%, có nghĩa là cứ 10 trẻ dưới 5 tuổi thì có gần 5 trẻ bị suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em thiếu Vitamin A còn rất phổ biến, nhiều trẻ em và phụ nữ bị thiếu máu dinh dưỡng, ở vùng sâu vùng xa còn nhiều người bị bướu cổ do thiếu i ốt.
Trước thực trạng đó, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn khoảng 28% vào năm 2010. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là truyền thông giáo dục, nâng cao kiến thức để giúp người dân nhận thức đúng đắn hơn về chế độ dinh dưỡng hằng ngày và thực hành dinh dưỡng hợp lý. Không chỉ phát tờ rơi, tranh ảnh minh họa, thông tin trên đài truyền thanh, truyền hình địa phương, đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng thôn, buôn còn đến tuyên truyền tận các hộ gia đình, lồng ghép nội dung phòng chống suy dinh dưỡng trong những buổi họp dân, kịp thời giải đáp, hướng dẫn và chuyển tải những kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng đến cho người dân, giúp người dân nhận biết và loại bỏ những tập quán dinh dưỡng có hại đến sức khỏe.
 
Trong các buổi truyền thông về phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, các cán bộ y tế không chỉ hướng dẫn và tư vấn về kiến thức phòng chống suy dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng hợp lý mà còn hướng dẫn cụ thể cho phụ nữ có thai và bà mẹ nuôi con nhỏ cách chế biến thức ăn đầy đủ các nhóm, chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ từ lúc còn là thai nhi, trẻ đang bú mẹ đến tuổi đang ăn dặm. Các cán bộ y tế còn hướng dẫn cho chị em lựa chọn thực phẩm an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, nhóm thực phẩm giàu năng lượng sẵn có ở địa phương để chế biến. Bên cạnh đó, cán bộ y tế ở các trạm y tế xã còn tổ chức các buổi thực hành dinh dưỡng, trình diễn bữa ăn dinh dưỡng, tổ chức các Hội thi “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, Hội thi “Tô màu bát bột”... Nhờ những cách làm như vậy, kiến thức về dinh dưỡng của người dân, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số đã được nâng lên đáng kể. Chị H’Mun K’tla ở buôn Pan, xã Ea Yông (Krông Pak) cho biết : “Tôi đang nuôi con nhỏ và thường xuyên được các cán bộ y tế hướng dẫn cách thức nuôi con đúng như: cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho em bé ăn dặm khi được 6 tháng tuổi… Cán bộ y tế còn hướng dẫn tôi cách nấu bột, nấu cháo đầy đủ dinh dưỡng cho con ăn. Vì vậy, con tôi rất khỏe mạnh, bụ bẫm và phát triển toàn diện”.
a

Hội thi "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan" tại huyện Krông Pak.           (Ảnh: Bảo Châu)


Ngoài ra, các trạm y tế xã còn tổ chức cho trẻ uống Vitamin A đều đặn mỗi năm 2 lần, phụ nữ từ 15-35 tuổi được uống viên sắt định kỳ để phòng chống thiếu máu, chăm sóc phụ nữ có thai, tẩy giun định kỳ cho học sinh... Người dân cũng được hướng dẫn sử dụng muối i-ốt để phòng ngừa các rối loạn do thiếu i ốt, sử dụng muối có trộn i ốt trong chế biến thức ăn gia đình.
a
Cộng tác viên dinh dưỡng đến thăm và hướng dẫn thực hành bữa ăn dinh dưỡng tại hộ gia đình. (Ảnh: Bảo Châu)

Những biện pháp trên đã mang lại kết quả đáng phấn khởi. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn giảm dần, trung bình mỗi năm tỷ lệ này giảm từ 0,8-1,5%.  Đến cuối năm 2009, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi của tỉnh ta chỉ còn 28,4%. Đáng mừng là tại nhiều thôn buôn bà con đã biết tự giác đưa con trong độ tuổi đi tiêm chủng, chủ động đến tham dự những buổi thực hành dinh dưỡng của cán bộ y tế để làm theo.
Ngọc Lan

Ý kiến bạn đọc


Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.