Hội LHPN huyện Cư M’gar: Giúp hội viên dân tộc thiểu số thoát nghèo
Để giúp hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo, thời gian qua, Hội LHPN huyện Cư M’gar đã có nhiều hoạt động thiết thực như thành lập nhóm tiết kiệm, tổ hùn vốn, nhận giúp hội viên nghèo có địa chỉ…Trong đó, việc ủy thác giúp hội viên vay vốn và tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là cách làm đem lại hiệu quả cao.
Từ hướng đi đúng
Bằng số vốn 40 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách – Xã hội (CSXH) từ năm 2008 đến nay, chị H’Malen (buôn H’Ring, xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar) đã đầu tư phát triển kinh tế khá hiệu quả. Những năm trước, gia đình chị chỉ biết đến cây lúa và cây cà phê, nhưng từ khi tham gia sinh hoạt hội, được tham dự nhiều lớp tập huấn và tham quan các mô hình kinh tế tổng hợp, chị đã thay đổi cách nghĩ, cách làm. Theo đó, chị chia nhỏ số vốn vay để đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi heo, chăm sóc 4 sào cà phê và 4 sào lúa. Những diện tích hồ tiêu không hiệu quả, gia đình chị phá bỏ trồng bắp, sắn, rau xanh làm thức ăn cho heo. Với trách nhiệm của tổ trưởng tổ vay vốn, chị H’Malen còn thử nghiệm thành công cách nuôi heo bằng việc tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương rồi hướng dẫn lại cho hội viên. Nhờ vậy, 70 hộ phụ nữ dân tộc thiểu số của buôn H’Ring được vay vốn của Ngân hàng CSXH đều phát triển được mô hình đa cây, đa con đem lại hiệu quả kinh tế cao. “Trước đây mình là hộ nghèo của buôn không dám vay vốn đầu tư sản xuất vì sợ không trả được nợ. Nhờ được hội hướng dẫn cách làm ăn, mình mới mạnh dạn vay, quyết tâm làm kinh tế để thoát nghèo”, chị H’Malen thổ lộ.
Tương tự, trước đây việc chăm lo cho 7 người con ăn học và mọi chi tiêu của gia đình chị H’Run (dân tộc Xê đăng) ở buôn H’Ring, xã Ea H’Đing đều trông chờ vào 3 sào ruộng và 8 sào cà phê năng suất thấp, nên cuộc sống rất khó khăn. Được Hội LHPN xã động viên, khuyến khích chị tham gia đều đặn các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, học hỏi thêm kinh nghiệm của hội viên, rồi mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế. Bắt đầu từ việc “lấy ngắn nuôi dài”, với số vốn vay 10 triệu đồng ban đầu, gia đình chị đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 10 con heo giống, tận dụng những khoảng đất trống trong vườn cà phê trồng thêm rau lang, khoai môn và phá bỏ số diện tích cà phê già cỗi để trồng bắp, sắn lấy thức ăn cho heo. Nhờ chăm chỉ lại biết “lấy công làm lãi” nên mỗi năm gia đình chị cũng xuất bán được 3 lứa heo, trừ chi phí còn lãi hơn chục triệu đồng. Có thêm vốn, gia đình chị đầu tư chăm sóc cà phê, canh tác tốt 3 sào lúa 2 vụ, mỗi năm thu được khoảng 1,5 tấn lúa, đủ lương thực ăn cả năm, không còn lo đói giáp hạt. Số tiền dành dụm được qua từng năm, chị đầu tư cho con ăn học, trả nợ ngân hàng. Năm 2010, gia đình chị tiếp tục được vay thêm 10 triệu đồng nữa để đầu tư chăn nuôi heo. Hiện trong chuồng nhà chị đang có 12 heo thịt chỉ khoảng 2 tháng nữa sẽ xuất chuồng. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi heo, chị H’Run hồ hởi khoe: “Giàu có mình chưa dám nói nhưng cũng có đồng ra đồng vào, lại có tiền nuôi con ăn học là mừng lắm rồi”.
Cán bộ, hội viên tham quan mô hình chăn nuôi heo của chị H’Run ở buôn H’Ring (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) |
“Chìa khóa” thoát nghèo
Chị Trần Thị Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar cho biết, giúp hội viên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của hội. Trong số 939 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ trên địa bàn huyện, phần lớn đều do chị em không có vốn sản xuất, không biết cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nên hiệu quả thấp. Để giúp chị em sản xuất hiệu quả, thời gian qua, hội đã chú trọng hỗ trợ hội viên vay vốn và mở các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học, kỹ thuật. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có trên 5.400 lượt hộ, trong đó có hơn 1.900 hộ phụ nữ dân tộc thiểu số được vay số tiền hơn 63 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện thực tế của từng địa bàn, hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức chuyển giao kỹ thuật ủ phân bằng vỏ cà phê; trồng, chăm sóc cây điều, cà phê, cao su; nuôi heo hướng nạc; trồng bắp lai, đậu đỗ các loại… cho hội viên. Để hỗ trợ hội viên khó khăn, hội cũng xây dựng và duy trì các tổ, nhóm tiết kiệm, huy động chị em có kinh tế khá giúp đỡ hội viên khó khăn về tiền, ngày công, cây, con giống. Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, hội còn phát động phong trào xây dựng heo đất, ống tre tiết kiệm, hũ gạo tình thương để giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc bị thiên tai, hoạn nạn. Ngoài ra, các cấp hội phụ nữ trong huyện còn khuyến khích cán bộ, hội viên xây dựng mô hình điểm (nuôi ếch, làm nấm rơm, chăn nuôi gia súc, gia cầm…), đồng thời tổ chức cho chị em tham quan học tập những mô hình kinh tế hiệu quả ở các địa phương khác.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc