Multimedia Đọc Báo in

“Mưu sinh” của trẻ em nghèo dịp hè

10:56, 18/07/2010

Rong ruổi trên khắp các nẻo đường bán từng tờ vé số, chạy bàn trong quán ăn, giúp việc nhà hay đi làm thuê… là những công việc làm thêm trong dịp hè của trẻ em nghèo ở cả nông thôn và thành thị. Tuy không được vui chơi sau những tháng ngày học tập căng thẳng, nhưng niềm vui đối với các em là những khoản tích lũy dành dụm được giúp bố mẹ đỡ gánh nặng học phí, sách vở...

 

Ngân Thị Nhung là học sinh lớp 7A, Trường THCS Nơ Trang Lơng, huyện Lak. Gia đình Nhung có 4 anh chị em đều đang đi học, mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông chờ vào 7 sào cà phê, bố mẹ lại không có việc làm ổn định, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhung là chị cả nên ngay từ khi mới học lớp 4, cứ nghỉ hè em lại cùng bố mẹ đi bẻ bắp, hái đậu thuê, giờ lớn hơn thì nhận cả việc cuốc cỏ nữa. Nhung thổ lộ: Do em còn nhỏ nên mỗi ngày chỉ được trả 50 nghìn đồng. Ở thôn bạn nào cũng đi làm thuê như em, không ai được đi học hè hay vui chơi gì cả. Hè nào em cũng phải cố gắng làm thêm kiếm tiền phụ mẹ để còn tiếp tục được đi học và thực hiện ước mơ trở thành cô giáo. Còn với Hoàng Văn Lợi, (15 tuổi, thôn Hà Bắc, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn), mỗi khi hè đến, em lại đi chăn bò thuê kiếm tiền phụ mẹ. Không những vậy, Lợi còn tranh thủ nhặt thêm phân trâu, bò khô về bán. Lợi cho biết, mỗi ngày em nhặt được khoảng 5 kg phân khô cũng kiếm thêm chừng 30.000 đồng. Ở xã còn nhiều bạn cũng đi nhặt phân khô như em.

Phụ giúp bố mẹ bán hàng kiếm thêm thu nhập.
Phụ giúp bố mẹ bán hàng kiếm thêm thu nhập.
Đối với trẻ em nghèo thành thị, mùa hè cũng là dịp các em làm đủ thứ việc. Hè về, khi những bạn bè cùng trang lứa tạm xếp lại sách vở lên kế hoạch cho một chuyến đi chơi hay các lớp học ngoại khóa, thì Nguyễn Thành Trung (phường Tân An) và nhiều em học sinh khác lại rảo bước trên khắp các ngả đường thành phố để bán vé số. Một ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng đến hơn 7-8 giờ tối, Trung kiếm được 50 - 60 nghìn đồng với khoảng trên dưới 100 tờ vé số bán được. Mỗi ngày chi phí tiền ăn 15.000 đồng, còn bao nhiêu em gửi mẹ tiết kiệm. Cũng bằng cách này, anh chị lớn của Trung đã học hết cấp 2 rồi cấp 3. Còn em, đây là mùa hè đầu tiên tham gia lao động. Khác với những bạn trên, em Thương, học sinh lớp 9 lại cùng với em trai đang học lớp 7, từ khi nghỉ hè đã là những người trợ giúp đắc lực cho mẹ trong việc bán hàng. Do nhà Thương bán thức ăn đêm nên có hôm em phải thức khuya phụ mẹ dọn hàng. Còn đối với Yến, một học sinh lớp 10 thì lại chọn cho mình công việc chạy bàn trong quán ăn. Lịch làm việc của Yến cũng khá kín, sáng từ 6 đến 12 giờ, chiều từ 3 đến 9 giờ đêm. Mỗi ngày làm 3 ca như vậy, Yến cũng kiếm được gần 1 triệu đồng/tháng trang trải cho việc học. Hỏi về hoàn cảnh gia đình, Yến kể: “Bố em mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi hai chị em ăn học nên mỗi dịp hè, tụi em lại đi làm thêm kiếm tiền phụ mẹ mua quần áo, sách vở. Phụ việc ở đây cũng như làm việc nhà thôi, chỉ cần chịu khó một chút là được”.
 
Có một thực tế, do nhiều hoàn cảnh khác nhau, trong dịp hè, không ít học sinh, nhất là ở nông thôn đều phải lao động giúp bố mẹ để có thêm thu nhập. Đây cũng là một việc tốt khi mà điều kiện kinh tế gia đình các em còn nhiều khó khăn. Mặt khác, lao động nhẹ, vừa sức cũng là giúp các em rèn luyện sức khỏe, biết quý trọng giá trị của lao động, tránh xa những trò chơi vô bổ và các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh có con em đang ở trong độ tuổi vị thành niên cũng không nên để các em lao động quá sức, căng thẳng, nhất là trong dịp hè. Bởi vì ở độ tuổi này, các em đang trong giai đoạn phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Bên cạnh đó, để các em học sinh nghèo vừa có thời gian làm thêm  dịp hè vừa được tham gia sinh hoạt đoàn, đội, thiết nghĩ các tổ chức đoàn ở cơ sở cần sắp xếp thời gian hợp lý và đổi mới phương thức sinh hoạt sao cho phong phú về nội dung lẫn hình thức, tạo một sân chơi bổ ích, lành mạnh để thu hút đông đảo các em cùng tham gia. Trên hết là cả cộng đồng cần tạo điều kiện cho trẻ em nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc, chuẩn bị về thể lực và trí tuệ để sẵn sàng bước vào một năm học mới.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc