Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng cuộc sống: Nhìn từ góc độ dân số

18:20, 30/07/2010

Trong những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nên công tác dân số đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm 1,6% so với cùng kỳ. Theo đó, chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh cũng đã được nâng lên. Tuy nhiên, cuộc vận động giảm sinh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

  Tuyên truyền tốt, hiệu quả cao

Xác định công tác Dân số-KHHGĐ (DS-KHHGĐ) là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống nhân dân, những năm qua, cấp ủy và chính quyền xã Cư Kpô (huyện Krông Buk) đã lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương, huy động tối đa các nguồn lực thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Trong đó, công tác thông tin, truyền thông về các biện pháp KHHGĐ đối với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh con được quan tâm hàng đầu.

Để giúp người dân có nhận thức đúng về những lợi ích của việc sinh con thưa, sinh con ít sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hàng tháng, những người làm công tác dân số của xã đã không quản ngại khó khăn, lặn lội xuống địa bàn, đến từng nhà tuyên truyền cho chị em các biện pháp tránh thai hiện đại để bảo vệ sức khỏe, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Đồng thời, Ban DS-KHHGĐ xã còn thường xuyên phối hợp với các tổ chức, đoàn thể địa phương tuyên truyền cho chị em nhận thức rõ mối liên hệ giữa việc thực hiện KHHGĐ và công tác phát triển kinh tế hộ. Nhờ vậy, đến nay, 100% thôn, buôn trong xã đã xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước về công tác DS-KHHGĐ; 80% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xã chỉ còn 15% (giảm 6,7% so với năm 2001) và là một trong những địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 thấp nhất huyện; đặc biệt, trong xã có buôn Ea Nho 3 năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3. Làm tốt công tác dân số, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm, đến nay chỉ còn khoảng 5%; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt trên 98%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 18% (năm 2009 là 23% và năm 2008 là 29%)… 

Chị Huỳnh Thị Dương, Phó ban DS-KHHGĐ xã Cư Kpô cho biết: Yếu tố quan trọng làm nên thành công trong công tác DS-KHHGĐ ở địa phương chính là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với công tác này. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về DS-KHHGĐ được thực hiện nghiêm túc với hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp trình độ nhận thức của nhân dân đã giúp chúng tôi tìm được “tiếng nói chung”  với người dân. “Tiếng nói chung” ấy đã góp phần thay đổi nhận thức của mọi người trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, nâng cao đời sống vật chất, từng bước xóa đói giảm nghèo. Đến nay, trên địa bàn xã đã có rất nhiều gia đình kinh tế khá giả nhưng quyết tâm dừng lại ở 2 con để nuôi dạy con tốt…
Khi chính quyền và nhân dân đồng lòng
Nhận thức được mối quan hệ giữa dân số và đói nghèo, trong nhiều năm qua chính quyền xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) đã xác định: giảm tỷ lệ gia tăng dân số, tạo mô hình gia đình ít con hạnh phúc để nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân là mục tiêu quan trọng và lâu dài trong lộ trình phát triển bền vững. Hiện toàn xã có 2.209 hộ với hơn 10.636 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78,7%. Đời sống của người dân, còn gặp nhiều khó khăn một phần do  đông con. Nên Ban dân số KHHGĐ xã đã kết hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thông qua các chiến dịch truyền thông dân số, sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ; đưa chính sách dân số - gia đình và trẻ em vào hương ước, quy ước của thôn, buôn; cùng với Trạm y tế thực hiện tốt các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình… Tất cả điều này đã tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tâm lý, hành vi sinh đẻ và chăm sóc sức khỏe sinh sản ở mỗi người, mỗi gia đình. Người dân đã hiểu được ý nghĩa của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và xây dựng mô hình gia đình ít con, ấm no, bình đẳng, hạnh phúc. Đặc biệt, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số đã chấp nhận việc sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và quy mô gia đình ít con. Anh Y Blăm Mlô, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết: “Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông, nhận thức của bà con đã được nâng lên rõ rệt, nhất là ở các cặp vợ chồng trẻ họ chỉ dừng lại từ 1-2 con và khoảng cách sinh đã dài hơn. Nhờ sinh thưa, sinh ít, đời sống kinh tế của bà con đã khá hơn trước, hầu như nhà nào cũng có “của ăn của để”.

Từ những nỗ lực trên, công tác dân số ở xã đã có sự chuyển biến tích cực và đạt kết quả đáng khích lệ. Trong số gần 2.000 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã có hơn 1.000 người áp dụng các biện pháp tránh thai; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên hàng năm giảm từ 0,2% đến 0,6% và tỷ suất sinh năm 2009 giảm xuống còn 18,7%0. Tỷ lệ sinh con thứ 3 năm 2009 là 15,2%, giảm 0,5% so với năm 2008. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn đạt được mục tiêu đề ra, 99% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường; trên 70% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá; số hộ nghèo năm 2009 còn 18,93%, giảm 6,14% so với năm trước.
Buôn Ea Chàm B (xã Cư Drăm) không còn hộ sinh con thứ 3
Trong những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên nhiều chị em dân tộc thiểu số tại chỗ buôn Chàm B (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) đã chấp hành tốt chính sách dân số. Nhờ vậy, nhiều chị em đã có điều kiện nuôi con khỏe, dạy con ngoan, phát triển kinh tế và xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Sau khi lập gia đình được 1 năm, anh Y Sat Bdap ra ở riêng, tài sản là căn nhà gỗ nhỏ và vài sào đất trồng hoa màu. Được cán bộ dân số xã vận động, vợ chồng anh quyết định KHHGĐ để tập trung chăm lo làm kinh tế. Nhờ vậy, sau 12 năm, anh đã có trong tay 5 sào cà phê, 2,5 ha đất trồng hoa màu, xây dựng được nhà cửa khang trang, 2 đứa con (1 trai, 1 gái) khỏe mạnh và đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của buôn. Tâm sự với chúng tôi, anh Y Sat cho biết: “Bố mẹ mình đã nghèo lại đông con nên cuộc sống cứ túng thiếu mãi, không lo cho con cái học hành được? Trong buôn đa số những nhà đông con kinh tế đều kém phát triển, nên vợ chồng mình bàn với nhau dù gái hay trai cũng chỉ sinh hai đứa để có điều kiện chăm lo cho chúng ăn học và xây dựng hạnh phúc gia đình”. Tương tự, vợ chồng chị H’Ken Niê khi mới lập gia đình cũng có ý định sinh nhiều con để có thêm người làm rẫy. Nhưng sau khi có đứa thứ 3 (1 lần sinh đôi), nhận thấy cuộc sống quá khổ cực, luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau mặc dù hai vợ chồng cũng chăm chỉ làm ăn nên khi được cán bộ dân số vận động đã quyết định triệt sản. Sau 3 năm thực hiện KHHGĐ, anh chị có thời gian tham gia vào các lớp tập huấn, tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, đến nay kinh tế khá hơn nhiều, có các tiện nghi phục vụ cho cuộc sống.

Cán bộ, cộng tác viên dân số xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) đến thăm gia đình anh Y Sat (Ảnh: Nguyễn Xuân)
Cán bộ, cộng tác viên dân số xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) đến thăm gia đình anh Y Sat (Ảnh: Nguyễn Xuân)
Theo chị H’Hương Êban, chuyên trách dân số xã Cư Drăm thì công tác vận động đồng bào thực hiện kế hoạch hóa gia đình rất khó khăn, bởi nhận thức của họ còn nhiều hạn chế. Xác định việc thực hiện KHHGĐ sẽ góp phần tích cực giúp đời sống bà con bớt khó khăn hơn, trong những năm qua, cán bộ, cộng tác viên dân số xã, buôn đã kiên trì vận động bằng nhiều hình thức, mọi lúc, mọi nơi, tranh thủ sự giúp đỡ của người có uy tín. Bên cạnh đó, trong các buổi họp buôn, sinh hoạt cộng đồng, các đoàn thể luôn lồng ghép tuyên truyền về vấn đề dân số nên nhận thức của đồng bào về thực hiện KHHGĐ dần đã có chuyển biến tích cực. Nhờ đó, cuộc sống của bà con không ngừng được nâng lên, từ 23 hộ nghèo năm 2009 nay giảm xuống còn 11 hộ. Trong buôn có 69 phụ nữ tuổi từ (15-49) nhưng đã có đến 21 chị triệt sản, còn lại đều dùng biện pháp đặt vòng, tiêm hoặc uống thuốc tránh thai. Từ đầu năm 2010 đến nay, buôn Chàm B không có người sinh con thứ 3. 

Xã Cư Klông nghèo đói vì... đông con

Là xã vùng 3 tách ra từ xã Ea Tam năm 2003, nên cuộc sống người dân ở Cư Klông (huyện Krông Năng) còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất kinh tế phụ thuộc phần lớn vào điều kiện tự nhiên. Bên cạnh đó, việc sinh đẻ không có kế hoạch của nhiều hộ dân cũng dẫn đến nghèo đói. Hằng năm, cấp ủy và chính quyền xã Cư Klông đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể trong xã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn để người dân sớm thay đổi nhận thức, xóa bỏ tập tục lạc hậu và chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai, thực hiện KHHGĐ. Đồng thời chính quyền địa phương cũng đã có nhiều hình thức để đầu tư, hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế gia đình, song, hiệu quả vẫn chưa rõ rệt. Chị Huỳnh Thị Triều, Phó trưởng Ban DS-KHHGĐ xã cho biết, công tác dân số của địa phương gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, phụ cấp ít trong khi địa bàn rộng, chi phí đi lại tốn kém và mất thời gian. Đồng thời, do quan niệm “trời sinh voi trời sinh cỏ” và để có nguồn nhân lực lao động, nên đa số các gia đình đều muốn có 3 - 4 con. Chính vì vậy, đời sống của người dân đã khó khăn càng khó khăn hơn. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 đang có chiều hướng tăng, năm 2008 toàn xã có 8 cặp vợ chồng, năm 2009 tăng lên 10, riêng trong 6 tháng đầu năm nay đã có 4 cặp vợ chồng sinh con thứ 3. Chị Trần Thị Dung, thôn Tam Hà, một trong những hộ sinh con thứ 3 nói, muốn “có nếp có tẻ” nên gia đình quyết định sinh thêm con. Đông con, vất vả, thiếu thốn đủ thứ, nhưng cũng đành vậy. Cuộc sống gia đình chị chỉ trông chờ vào mấy sào lúa và rau màu, nhưng do đông con nên cái đói cái nghèo cứ đeo bám quanh năm. Không có điều kiện chăm sóc lũ trẻ gầy gò, xanh rớt. Nhiều gia đình khác trong xã sinh con thứ 3 như chị Nguyễn Thị Huế, Nguyễn Thị Hải… cũng đang phải sống trong cảnh thiếu thốn, nghèo đói triền miên, những đứa trẻ đang học cấp I, II không có điều kiện tiếp tục đi học nên phải bỏ giữa chừng. Anh Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, chính vì sinh nhiều nên đã dẫn đến tình trạng nghèo đói và thất học. Năm 2009, toàn xã có 454 hộ nghèo trong tổng số 1.051 hộ dân. Đối với trẻ em, năm học vừa qua số học sinh cấp I, II là 680 em thì có 6 em bỏ học giữa chừng. Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền địa phương đang tiến hành có quy mô hơn các biện pháp quản lý, tuyên truyền và hướng dẫn tận nơi cho bà con thực hiện vấn đề dân số KHHGĐ. Hy vọng, trong thời gian tới, những cách làm trên sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, có như vậy mới góp phần bình ổn dân số và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Gia tăng dân số và những hệ lụy...
Ea Yiêng là một xã vùng III thuộc huyện Krông Pak, đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả. Một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của họ là sinh đẻ không có kế hoạch. Xã Ea Yiêng có 975 hộ, 5.037 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 92%. Mặc dù chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể đã nỗ lực vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện biện pháp KHHGĐ, nhưng số lượng người tham gia rất ít, hiệu quả vẫn không cao. Đa số đồng bào ở đây vẫn quan niệm “đông con hơn giòn của” dẫn đến tình trạng đẻ nhiều, đẻ dày. Theo thống kê gần đây nhất, toàn xã có 700 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, bình quân mỗi năm có 130 trẻ sơ sinh ra đời, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm tới 25% (khoảng 30 trẻ).
 
Chị Phut (34 tuổi), buôn Kon H’ring tâm sự, vợ chồng chị cưới nhau được 14 năm, đến nay đã có tới 6 mặt con, hằng ngày anh chị và mấy đứa lớn phải đi làm thuê khắp nơi để kiếm ăn qua ngày. Căn nhà của 8 con người này chỉ là mấy tấm ván ghép lại, trời nắng còn đỡ, trời mưa thì chỗ nào cũng trở thành vũng nước.

 

Chị Phut cùng 6 người con trong ngôi nhà ván tuềnh toàng. (Ảnh: Hoàng Tuyết)
Chị Phut cùng 6 người con trong ngôi nhà ván tuềnh toàng. (Ảnh: Hoàng Tuyết)

Không chỉ gia đình chị Phut mà đa số các gia đình có nhiều con trong xã đều chung cảnh ngộ như vậy. Có những hộ 11 mặt con thì cái ăn hằng ngày đã khó, chứ nói gì đến chuyện học hành cho con. Nhiều gia đình chỉ đủ khả năng cho con học hết THCS mà không thể cho học tiếp vì không có phương tiện đi lại… Chị Nguyễn Thị Châm, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế – xã hội hằng năm của xã đề ra đều không đạt được vì vấn đề dân số. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm rất cao (trên 68%), thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 1,9 triệu đồng/người/năm, số trẻ đến trường đúng độ tuổi vẫn còn thấp, tình trạng học sinh bỏ học xảy ra thường xuyên, đời sống vật chất thiếu thốn trăm bề...

Theo chị Châm, để vấn đề dân số ở Ea Yiêng bớt “nóng” cần sự tham gia nhiệt tình của các đoàn thể trong và ngoài xã. Bên cạnh đó, phải thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó chú trọng tới phương châm “đến tận ngõ, gõ tận cửa” tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con để nuôi dạy cho tốt.

 

Nhóm PV (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc