11:01, 18/07/2010
Mỗi ngành nghề có những nét đặc thù riêng, với nghề báo được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, mỗi chuyến công tác đều có những thuận lợi, khó khăn và đầy ắp kỷ niệm vui buồn…
Những ngày đầu tập tành vào nghề báo, ở một mảnh đất xa lạ mà tôi chưa một lần đặt chân đến, bao nhiêu bỡ ngỡ về đất và người Tây Nguyên, từ sự bất đồng ngôn ngữ đến địa bàn rộng, phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa…càng làm tôi cảm thấy đam mê, gắn bó với nghề hơn. Thời gian dần qua, những bỡ ngỡ ban đầu không còn là “vật cản” trong quá trình tác nghiệp của tôi, thay vào đó là những điều hay, thú vị và kỷ niệm không bao giờ quên sau những ngày rong ruổi ở cơ sở…
Còn nhớ, tháng 4 năm 2009, khi về xã Hòa Đông (huyện Krông Pak) viết bài về việc xây trường học rồi bỏ không, phải đi thực tế đến 3 lần tôi mới lấy được tư liệu đầy đủ. Mặc dù đã hẹn cán bộ chính quyền địa phương qua điện thoại để xếp thời gian, nhưng 2 lần đầu đến họ đều “có việc bận”, lần thứ 3 tôi mới gặp được họ. Khi xong việc, nhìn đồng hồ đã quá 20 giờ, tôi ra về trong cơn mưa xối xả. Chiếc xe máy cọc cạch, đèn tối om, lại toàn đường lầy lội, cứ đi được 5 phút phải xuống gạt bùn một lần thì xe mới chạy được. Phải loay hoay hơn 2 tiếng đồng hồ ở trong rẫy cà phê, không xác định được hướng về, không một mái nhà, ánh đèn lóe sáng. Cảm giác sợ hãi, tôi chỉ khóc mà chẳng biết kêu ai, điện thoại thì hết pin. Thật may mắn, lúc ấy có cặp vợ chồng trẻ đi chơi về khuya, họ đã đưa tôi ra tận quốc lộ 26 mới xác định được đường về. Loay hoay chưa kịp hỏi tên thì 2 người đã vội vàng quay xe khuất dạng. Cho đến giờ tôi vẫn chưa có cơ hội gặp lại họ.
|
Sự gần gũi giữa phóng viên và người dân địa phương trong những chuyến công tác. |
Đến tháng 7 năm đó, trong chuyến công tác vào xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar), một lần nữa tôi lại gặp phải trời mưa. Rút kinh nghiệm, lần này tôi tranh thủ làm nhanh để về sớm. Nhưng với 10 km đường đất từ xã này đến xã Ea Kiết, tôi không thể cầm nổi tay lái. Y Nhân Niê, một thanh niên trẻ làm kinh tế giỏi, nhân vật trong bài viết của tôi cùng với người bạn của anh đã đưa tôi ra đường nhựa. Cơn mưa ập đến mỗi lúc mỗi to, đường trơn xe rất khó chạy, nhiều đoạn tôi đi bộ còn nhanh hơn các anh đi xe. Phải mất gần 2 tiếng rưỡi đồng hồ 2 anh mới “áp tải” tôi đi hết quãng đường đó. Sự nhiệt tình của các anh làm tôi xúc động đến rơi nước mắt. Từ hôm ấy, tôi lại có thêm những người bạn tốt, mỗi lần có dịp về Ea Kuêh tôi lại alô cho anh và những người quen hôm đó để gặp gỡ, trò chuyện, ôn lại kỷ niệm.
Một lần về công tác ở huyện Krông Năng, khi vừa đến xã Phú Lộc, bỗng dưng tôi bị đau, mặt tái mét, nhìn quanh chỉ thấy toàn rừng cao su. Cố chịu đựng rồi tôi cũng tìm được một ngôi nhà nhỏ ven đường giữa rừng cao su bạt ngàn, xin nghỉ tạm một lúc. Trong nhà chỉ có 1 cụ già đang bị ốm và 2 cháu bé khoảng 8 đến 10 tuổi, người gốc Huế. Mặc dù không đi lại được, nhưng lâu lâu cụ lại nhắc nhở cu Rin và bé Út (tên 2 đứa trẻ) xoa dầu, lấy nước cho tôi. Trò chuyện với cụ tôi mới biết bố mẹ của 2 em phải đi làm thuê ở xa, một tuần về một lần nên các em ở với ngoại. Cụ cho biết, phải dạy các cháu biết yêu thương, giúp đỡ người khác từ lúc còn nhỏ, nhờ vậy các cháu rất ngoan và chăm học…
Dẫu chỉ là một lần đến, một lần quen, nhưng họ đã cho tôi thấy tình cảm giữa người dân với những người làm báo sâu nặng đến nhường nào. Thậm chí có những người tôi chưa kịp biết tên, địa chỉ mà chỉ gọi bằng những đại từ là anh, chị, cô, chú… Họ có thể là anh cán bộ xã, bác nông dân hay chị cộng tác viên dân số… thế nhưng, tất cả đều rất nhiệt tình, để trong mỗi bài viết ít nhiều đều có sự đóng góp của họ. Bởi thế, với tôi, bao nhiêu chuyến công tác là bấy nhiêu nghĩa tình sâu nặng…
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc