Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui đang đến với xóm di cư nghèo

15:31, 02/07/2010
Xóm di cư tự do nằm trong rừng phòng hộ hồ Ea Súp thượng (xã Cư M’lan – huyện Ea Súp), hình thành gần 20 năm nay nhưng đời sống  người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.Dự án Quy hoạch bố trí khu dân cư với tổng vốn đầu tư trên 35 tỷ đồng giai đoạn 2010 - 2015 hứa hẹn sẽ đổi đời cho người dân nơi đây.
Xóm hình thành năm 1993 khi 25 hộ dân đầu tiên từ Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn…di cư vào. Dân cư ở đây chủ yếu là người Dao từ các tỉnh Tây Bắc và một số người Êđê, Gia Rai. Hiện, toàn xóm có 79 hộ, 324 nhân khẩu. Do ở xa trung tâm huyện, đường sá đi lại khó khăn, một số người dân ở nơi khác thường xuyên vào phá rừng, làm rẫy tại khu vực này nên việc quản lý nhân khẩu và công tác an ninh trật tự rất phức tạp.
Không được đến trường, trẻ em nơi đây chỉ biết chơi đùa trên nương rẫy
Không được đến trường, trẻ em nơi đây chỉ biết chơi đùa trên nương rẫy

Tất cả các hộ dân trong xóm đều thuộc diện nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào trồng bắp, đậu mỗi năm một vụ. Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến cuộc sống khó khăn, vất vả là do từ trung tâm xã vào xóm chỉ có con đường rừng duy nhất, đi bộ phải mất nhiều tiếng đồng hồ. Vào những ngày mưa lớn, đường lầy lội, tắc nghẽn thì xóm bị cô lập thành một ốc đảo giữa rừng. Vì vậy, người dân trong xóm chẳng mấy khi ra ngoài, cuộc sống chỉ quanh quẩn bên nương rẫy và những mái nhà tranh đơn sơ. Ở tách biệt nên đương nhiên là cả xóm không có điện, hầu hết các gia đình đều phải sử dụng đèn dầu. Trong xóm có hai chiếc ti vi dùng điện máy nổ nên đời sống tinh thần cũng rất nghèo nàn. Cả xóm chỉ có 10 người biết chữ, 105 em nhỏ trong độ tuổi đến trường đều không được đi học. Thanh niên trong xóm lớn lên dựng vợ gả chồng mà vẫn…mù chữ. Một khó khăn nữa của người dân xóm nghèo này là không có trạm xá và cán bộ y tế. Hằng năm, trạm y tế xã có tổ chức 2 đợt vào cấp phát thuốc, còn lại việc chăm sóc sức khỏe là do người dân tự lo. Bệnh nhẹ thì dùng lá rừng, nặng phải đi bệnh viện điều trị cũng rất gian nan…Cuộc sống khó khăn, vất vả như thế nên đa số thanh niên trong xóm đều đi làm thuê ở nơi khác.
Gia đình chị Linh Thị Hạnh là một trong những hộ khó khăn nhất. Chị quê Quảng Ninh vào Cư M’gar làm cà phê rồi lấy chồng về đây từ năm 2001. Cả gia đình 6 người chỉ trông vào mấy sào đất rẫy trỉa bắp, cô con gái đầu đã đi lấy chồng bên xã Ea Lê, chồng chị thì bị đau cột sống không làm được việc nặng nên cuộc sống rất chật vật. Bây giờ mọi việc trong nhà đều do chị và cô con gái thứ 2 sinh năm 1994 quán xuyến, chị chỉ mong có được vài triệu đồng chữa bệnh cho chồng mà làm việc cật lực mãi cũng không đủ.
Ông Phạm Văn Thước, Chủ tịch UBND xã Cư M’lan cho biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh xin thành lập thôn mới để quản lý về nhân khẩu và tạo điều kiện thuận lợi để bà con ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Mong ước này giờ đã có tín hiệu vui khi ngày 14 – 8 – 2009, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2147 về việc Quy hoạch bố trí khu dân cư xóm nói trên thành thôn 8, xã Cư M’lan. Theo đó, giai đoạn 2010 – 2015 sẽ đầu tư 35,871 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm phục vụ đời sống của người dân tại đây. Bước đầu trong dự án này đã đầu tư 2 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông vào thôn, trước mắt phục vụ việc đi lại của bà con trong mùa mưa năm nay. Bà Bàn Diệu An Kỳ, Trưởng thôn 8 cho biết, bà con trong xóm rất vui mừng, ai cũng mong thôn mới được thành lập, khi ấy đời sống của họ sẽ đỡ vất vả hơn, bọn trẻ có cơ hội  đến trường.
Kim Nhan

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.