Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối nạn tảo hôn ở thôn Ea Luêh

08:40, 16/08/2010

Cách trung tâm huyện Krông Bông gần 40 km, thôn Ea Luêh thuộc xã vùng 3 Cư Drăm  có 110 hộ, gần 600 khẩu đồng bào dân tộc Mông. Phụ nữ ở đây không chỉ đẻ nhiều, đẻ dày mà còn có rất nhiều trường hợp tảo hôn, đã gây ra nhiều hệ lụy đối với đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây. 

Tảo hôn... lời ru buồn
Vừa dẫn đường, chị H’Hương Êban, chuyên trách dân số xã Cư Drăm cho biết: “Thôn Ea Luêh có gần 600 khẩu thì có hơn 200 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đồng bào dân tộc Mông ở đây vẫn còn hủ tục tảo hôn nên hầu hết phụ nữ đều lấy chồng sớm và nhiều người mới 30, 40 tuổi đã có 6-7 đứa con”. Chúng tôi đến nhà chị Vàng Thị Mai vào một buổi trưa nắng như đổ lửa nhưng 3 đứa con nhỏ của chị đều không mặc gì, ngồi chơi giữa trời, mồ hôi nhễ nhại. Thằng em út mới khoảng 18 tháng tuổi đang “trần như nhộng”, ngồi phệt giữa nền đất bưng bát cơm chan với nước sôi để nguội ăn ngon lành. Người anh của chúng là cháu Hoàng Seo Vình đã 12 tuổi mà trông như đứa trẻ lên 7, nhận nhiệm vụ vừa trông em, nấu cơm và chăn trâu quanh nhà, những đứa còn lại đều đi làm cỏ lúa với mẹ. Chị Mai năm nay mới ngoài 40 tuổi nhưng có tới 7 người con, không một đứa nào được đi học. Đứa con trai đầu Hoàng Seo Dình (sinh năm 1989) lại mới đi hỏi vợ năm ngoái. Để cưới được vợ, Dình phải trả 5 triệu đồng tiền thách cưới cho nhà gái và đãi cả thôn uống rượu nên gia đình chị đã nghèo nay lại càng khó khăn hơn. Căn nhà rộng chừng 20 m2, bên trong chỉ có 2 cái giường gỗ ọp ẹp, vài cái chén, xoong, chậu nhưng có tới 10 người sinh sống. Cách đây vài tháng, chị Mai sinh đứa con thứ 7 thì con dâu chị cũng sinh đứa con đầu, căn nhà lại càng trở nên chật chội, nóng bức. Khi thắc mắc tại sao cán bộ dân số không vận động chị Mai “kế hoạch”, chúng tôi được chị Thào Thị Dung, cộng tác viên dân số của thôn giải thích: “Mặc dù ban tự quản thôn và cộng tác viên dân số đã đến vận động năm lần bảy lượt, nhưng chị Mai vẫn nhất định không chịu. Chị ấy cho rằng không quen và nếu sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sẽ không còn sức khỏe đi làm rẫy. Mới đây chúng tôi cũng đến nữa nhưng chị Mai không muốn tiếp chuyện và nói thẳng “tôi đẻ, tôi nuôi, không cần mọi người lo”. Cứ đà này, không biết chị Mai sẽ sinh bao nhiêu đứa con nữa?”. Phụ nữ lấy chồng sớm, đẻ nhiều, đẻ dày ở đây không phải là hiếm. Chẳng hạn như chị Lò Thị Mỵ (sinh năm 1973) nhưng cũng đã có đến 9 đứa con, đứa lớn nhất 20 tuổi cũng đã có gia đình, đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi, đứa nào được học nhiều nhất cũng chỉ hết cấp I là nghỉ ở nhà chờ gả chồng. Hay như trường hợp của chị Lý Thị May năm nay mới 25 tuổi nhưng đã lấy chồng cách đây 8 năm và hiện đã có 2 đứa con. Tài sản gia đình không có gì ngoài 3 sào lúa rẫy nên hằng ngày chồng chị May phải đi kiếm măng rừng đổi lấy gạo ăn.

Nhiều phụ nữ ở thôn Ea Luêh, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông đã làm mẹ khi mới 16,17 tuổi.
Nhiều phụ nữ ở thôn Ea Luêh, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông đã làm mẹ khi mới 16,17 tuổi.

Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn
Tuy không còn hủ tục “bán con” và “mua dâu”, nhưng đồng bào Mông ở thôn Ea Luêh vẫn còn tồn tại tập tục thách cưới. Theo chị Thào Thị Dung thì ai gả con gái khi mới 13, 14 tuổi thì có quyền đòi tiền thách cưới nhiều hơn, nếu đã 18, 19 tuổi thì chả được là bao. Và như vậy, nhiều đứa trẻ mới 14, 15 tuổi đã làm bố, làm mẹ và bố mẹ chúng được lên chức ông, bà khi mới ngoài 30 tuổi. Từ lâu đời, người phụ nữ Mông luôn là lao động chính trong gia đình, nên nhà nào càng có đông người làm có nghĩa là sẽ có nhiều của ăn, của để. Chính từ suy nghĩ đó, họ đều muốn con trai mình lấy vợ sớm và sinh càng nhiều con thì càng có thêm nhiều lao động. Vì làm vợ, làm mẹ sớm lại không được học hành gì nên phụ nữ Mông thường không biết cách nuôi dạy con và chăm sóc sức khỏe cho mình. Lấy chồng sớm - đông con - nghèo đói, cái vòng luẩn quẩn đó cứ lặp đi lặp lại trong cuộc sống của người dân nơi đây. Thôn Ea Luêh có 90% bà con theo đạo Tin lành. Trước đây, họ rất ngại sử dụng các biện pháp tránh thai và không thích khi đề cập đến vấn đề này. Nhưng từ năm 2005 trở lại đây nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời sử dụng cộng tác viên dân số là người tại chỗ nên nhận thức của bà con cũng dần được nâng cao. Đến nay, trong thôn đã có 43 trường hợp sử dụng các biện pháp tránh thai, một số người sinh 8, 9 đứa con đã chịu đi triệt sản. Mặc dù vậy, về lâu dài để thôn Ea Luêh có thể phát triển, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường rất cần sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện Pháp lệnh dân số. Có như vậy thì cuộc sống của người dân trong thôn mới bớt đói nghèo.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc