Multimedia Đọc Báo in

Câu chuyện dân số

Tuyên truyền vận động vẫn là giải pháp hàng đầu

08:59, 27/09/2010

Hằng tháng, cứ vào ngày chủ nhật, tuần thứ 3, thì 30 thành viên trong nhóm tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở thôn Tam Thịnh 2 (xã Ea Tam, Krông Năng) lại gặp mặt để cùng nhau sinh hoạt. Trong mỗi buổi sinh hoạt, cộng tác viên dân số sẽ đưa ra nội dung theo từng chuyên đề như: các biện pháp tránh thai, phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, nuôi con khỏe, dạy con ngoan… để mọi người cùng trao đổi. Các cộng tác viên dân số đều soạn câu hỏi và các câu trả lời có hình ảnh minh họa. Cách làm này thu hút được sự tập trung, hứng thú tham gia của các thành viên trong nhóm. Đồng thời, các kiến thức về vấn đề DS-KHHGĐ sẽ được mọi người tiếp thu nhanh và ghi nhớ lâu. Sau khi sinh đứa con thứ 3, chị La Thị Phòng, dân tộc Tày ở thôn Tam Thịnh 1 đã đặt vòng để thực hiện KHHGĐ. Vậy mà không hiểu tại sao vẫn bị lỡ kế hoạch sinh thêm con thứ 4. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, lại đông con, anh chị không muốn sinh thêm để tập trung phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, nhưng chưa biết nên sử dụng biện pháp nào cho an toàn. Sau khi tham gia sinh hoạt nhóm, chị đã bàn bạc thống nhất với chồng quyết định triệt sản từ năm 2007. Nhờ vậy, anh chị có điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, áp dụng trồng, chăm sóc tốt 4 ha cao su, cà phê và buôn bán ở chợ nên kinh tế dần ổn định, các con đều được học hành đầy đủ. Chị Phòng cho biết: “Trước đây, tôi nghĩ nếu triệt sản người sẽ rất yếu không làm rẫy được, trong khi đó tôi lại không hợp với các biện pháp tránh thai khác nên có bị lỡ kế hoạch nữa thì cũng đành chịu. Vậy mà sau 4 năm triệt sản, thấy người ngày càng khỏe ra, tinh thần thoải mái, phấn khởi”. Theo tập quán của người dân tộc Nùng, chị Hà Thị Nhung cũng như nhiều chị em ở thôn Tam Liên đều muốn sinh nhiều con để có người làm rẫy. Nhưng nhờ được tuyên truyền, vận động thông qua các buổi sinh hoạt nhóm, quan niệm của chị về việc sinh đẻ đã thực sự thay đổi. Chị Nhung tâm sự: “Nội dung trong các buổi sinh hoạt nhóm rất thiết thực, gần gũi; cách truyền đạt cũng dễ hiểu. Tham gia sinh hoạt nhóm không chỉ giúp tôi biết sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả, biết cách phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục mà còn tự tin để thuyết phục chồng dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt”. Nhận xét về hiệu quả của việc tuyên truyền theo nhóm, chị Phùng Thị Niên, cộng tác viên dân số thôn Tam Thịnh 2 cho biết: “Khi tham gia sinh hoạt nhóm, chị em có cơ hội bày tỏ những khúc mắc trong cuộc sống vợ chồng, những điều thầm kín mà trước kia không biết chia sẻ cùng ai. Nhờ vậy, mọi người gần gũi hơn, cùng giúp đỡ nhau trong công việc gia đình, nuôi dạy con cái, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm”.

Một buổi sinh hoạt tuyên truyền nhóm ở thôn Tam Thịnh 2 (xã Ea Tam, huyện Krông Năng).
Một buổi sinh hoạt tuyên truyền nhóm ở thôn Tam Thịnh 2 (xã Ea Tam, huyện Krông Năng).

Từ chỗ chỉ có một vài nhóm điểm, đến nay, toàn xã Ea Tam đã có 21 nhóm do cộng tác viên ở các thôn, buôn phụ trách. Mỗi nhóm có khoảng 30 thành viên là những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhà trong cùng khu dân cư. Đối với những trường hợp khó tuyên truyền, chuyên trách dân số xã, cộng tác viên dân số thôn, buôn và một số thành viên trong nhóm sẽ đến trực tiếp vận động, thuyết phục. Bên cạnh đó, còn có sự phối hợp, triển khai đồng bộ của các đoàn thể, ban tự quản các thôn, buôn. Tại các cuộc họp luôn có sự lồng ghép, nhắc nhở, khuyến khích đẻ ít, đẻ thưa để tập trung phát triển kinh tế. Chị Dương Thị Hoa, chuyên trách dân số xã Ea Tam cho biết: “Trước đây, nhận thức của đại đa số người dân trên địa bàn về vấn đề này còn nhiều hạn chế, chị em rất ngại sử dụng các biện pháp tránh thai nên tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên cao… Được sự chỉ đạo của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, xã đã đưa ra nghị quyết chuyên đề về công tác DS-KHHGĐ, trong đó chú trọng đẩy mạnh việc tuyên truyền miệng thông qua hình thức sinh hoạt nhóm đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét”. Cũng theo chị Hoa, trong 5 năm qua, xã Ea Tam đã vận động được 177 ca triệt sản, hơn 83% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm từ 24 trường hợp năm 2006, xuống còn 9 trường hợp năm 2010, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của xã giảm còn 1,3%, vượt 0,6% so với kế hoạch. Nhờ làm tốt công tác dân số, người dân trong xã có điều kiện tập trung phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 41% năm 2005, xuống còn gần 8% năm 2009; toàn xã hiện có 12/15 thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa; 77% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc