Công tác phòng, chống lụt bão năm 2010: Tất cả đã sẵn sàng
Năm 2010 được đánh giá là năm có diễn biến thời tiết khá phức tạp, mưa bão sẽ tập trung mạnh vào dịp cuối năm gây ra nhiều thiệt hại khôn lường. Với phương châm chủ động phòng là chính, ứng phó và khắc phục kịp thời, có thể nói đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị phòng, chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai đã sẵn sàng.
Dù không phải địa phương chịu sự tàn phá trực tiếp của cơn bão số 9 và số 11 nhưng trong năm 2009, tỉnh ta cũng đã có 7 người chết và thiệt hại về tài sản hơn 522 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm 2010 này, chính quyền và người dân trong tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để phòng, tránh mưa lũ, giảm đến mức thấp nhất các thiệt hại do mưa lũ gây ra. Khác với hình ảnh cách đây 1 năm khi cánh đồng lúa gần 1.000 ha ở buôn Tría (xã Buôn Tría, huyện Lak) ngập trong biển nước do ảnh hưởng của cơn bão số 9 và số 11, thời điểm này, bà con nông dân nơi đây đang thi đua gặt lúa. Gia đình anh Văn Học có gần 2 ha lúa đã gặt gần xong, cho biết: “Năm ngoái chủ quan nên gia đình tôi và nhiều bà con trong xã gần như mất trắng vụ lúa hè thu. Năm nay được sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp huyện và chính quyền xã, bà con đã tập trung gieo cấy những giống ngắn ngày để thu hoạch trước thời điểm mưa lũ, đến giờ đã gặt được 2/3 diện tích lúa, số còn lại chỉ thu hoạch trong nay mai là xong. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã hướng dẫn bà con cách chằng chống lại nhà cửa, thông báo địa điểm di dời tài sản trong trường hợp xảy ra lũ lụt hoặc địa phương chịu ảnh hưởng của bão...”.
Người dân xã Buôn Tría (huyện Lak) tổ chức thu hoạch sớm vụ hè thu để tránh bão lụt. |
Huyện Lak là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất của tỉnh do ảnh hưởng của các trận bão cuối năm ngoái với 4 người chết, hàng chục ngàn ha hoa màu bị ngập úng. Rút kinh nghiệm, ngay từ đầu mùa mưa năm nay, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) huyện đã diễn tập công tác cứu hộ cứu nạn, rà soát, kiểm tra toàn bộ hệ thống hồ đập, trạm bơm để có phương án khắc phục kịp thời. Huyện đã tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác khi bão lũ xuất hiện và lên phương án di dời dân ở những vùng ven suối, dưới chân núi. Bà Nguyễn Thị Hảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Năm 2010 này, huyện Lak được hỗ trợ 300 triệu đồng, mua 7 chiếc xuồng máy phân bổ cho 7 xã để đưa người dân đến nơi an toàn khi lũ lụt xảy ra, và dự trữ các nguồn lương thực để hỗ trợ khi đưa bà con lên vùng cao tránh lũ. Ngoài ra, để tránh được lụt bão đến đột xuất hoặc bất chợt xảy ra trong đêm tối, huyện đã tăng cường tuyên truyền cho bà con hiểu thời điểm xảy ra lũ lụt thường rơi vào các tháng 9, 10, 11 nên phải hạn chế đi rừng, làm rẫy, nếu đi thì phải có những chuẩn bị về phương thức đối phó.”
Đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa có trận mưa nào gây lũ. Tổng lượng mưa từ đầu mùa cũng ít hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, để đề phòng mưa lũ có thể diễn biến phức tạp về cuối năm, UBND tỉnh đã chỉ thị cho các sở, ban, ngành phối hợp với Ban Chỉ huy PCLB-GNTT tỉnh quán triệt phương châm “chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”. Ông Mai Trọng Dũng, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCLB-GNTT tỉnh cho biết, ngoài việc liên lạc thường xuyên để nhắc nhở, Ban Chỉ huy PCLB-GNTT tỉnh đã phối hợp với các địa phương kiểm tra và hướng dẫn các chủ đầu tư chủ động sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng. Kiểm tra diện tích cây trồng, cơ sở hạ tầng, các trục giao thông chính để bảo đảm sẵn sàng ứng phó khi có bão lũ xảy ra. Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCLB-GNTT tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB-GNTT, rà soát lại chủng loại, phương tiện, vật tư bảo đảm công tác phòng-chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Trên cơ sở rà soát đã xây dựng phương án hỗ trợ thêm vật lực, thiết bị, huy động lực lượng cho từng vùng, từng địa bàn để tham gia ứng cứu, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp theo phương châm sử dụng 4 tại chỗ; tổ chức cứu người trước, tài sản sau, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân. Đến nay, cơ bản chuẩn bị bảo đảm cơ số trang bị, phương tiện thiết yếu như ca nô, phao cứu sinh, áo phao, dây cứu hộ, rọ thép, rọ đá, máy xúc đào, máy ủi, cần cẩu, đội xe, gia công cầu tạm để lắp ráp nhanh, bảo đảm giao thông thông suốt khi có mưa bão xảy ra nhằm phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ, giảm nhẹ thiên tai.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ trên, trước khi mùa bão lụt bắt đầu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của tỉnh đã tổ chức kiểm tra, tu sửa và bổ sung đầy đủ hệ thống chống sét, neo chằng; hệ thống kho, trạm, trại, nhà xưởng bảo đảm không bị ảnh hưởng của thiên tai. Chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm, vật tư xăng dầu cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả. Chuẩn bị trước địa điểm bảo đảm sơ tán dân và các khu vực tập kết cơ sở vật chất để kịp thời ứng cứu. Triển khai lực lượng khảo sát, thống kê những khu vực, mục tiêu trọng điểm bị lũ quét, lốc xoáy, hồ đập có nguy cơ sạt lở cao và các địa phương trọng điểm chịu tác động bão lụt trên phạm vi toàn tỉnh làm cơ sở xây dựng phương án phòng, chống, ứng cứu phù hợp với thực tế. Theo đó, đã xác định được những khu vực trọng điểm bị ngập lụt, lốc xoáy gồm các huyện Ea Súp, Lak, Krông Ana, Krông Bông, Buôn Đôn, Cư M’gar; khu vực thường bị lũ quét như: Buôn Đôn, Cư M’gar. Số đèo, hồ đập thủy lợi có nguy cơ bị sạt lở cao như Đèo Yang Sơn, Đèo Phượng Hoàng; hồ thủy lợi Cư Pam (huyện Krông Bông), Ea Bông (huyện Krông Ana), Ea Kar (huyện Ea Kar), Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), Drao 2 (huyện Cư M’gar). Để chủ động trong công tác phòng chống lụt bão, cứu nạn, cứu hộ, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của tỉnh đã được trang bị đầy đủ các phương tiện như: 5 xuồng cao tốc, 3 thuyền nhựa, 5 thuyền nhôm, 95 nhà bạt, 585 phao cứu sinh, 735 áo phao và một số phương tiện khác. Hiện tại, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề của các tài công, huấn luyện bổ sung lái ca nô, máy đẩy, diễn tập công tác phòng, chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt, dự lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra tại các khu vực, địa bàn trọng điểm chịu tác động bão lụt, lốc xoáy, lũ quét, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của tỉnh đã xây dựng kế hoạch, thành lập các đội cơ động, xây dựng phương án phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên của các địa phương để ứng phó kịp thời.
Lực lượng vũ trang tỉnh tập huấn kỹ năng cứu hộ, cứu nạn khi bão lũ xảy ra. |
Cùng với phòng tránh, tỉnh cũng đã xây dựng phương án cứu trợ thiên tai chi tiết hơn. Theo chỉ đạo của tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn đã dự trữ một lượng lớn lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu, đủ cho khoảng 2 vạn dân sinh hoạt trong vòng một tuần nếu xảy ra hiện tượng bị cô lập do ảnh hưởng của bão. Để bảo đảm ứng phó kịp thời trong mùa mưa bão, ngành Y tế tỉnh cũng triển khai công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2010 theo phương châm 4 tại chỗ. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ (Sở Y tế), ngành đã xây dựng đội cấp cứu cơ động có chuyên môn nghiệp vụ cao được trang bị đầy đủ thuốc men, phương tiện sẵn sàng ứng cứu cho những địa bàn trọng yếu. Bên cạnh đó, ngành cũng đã chuẩn bị 70 cơ số thuốc, các hóa chất khử khuẩn nước, thuốc phòng chống bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, đau mắt đỏ, xây dựng các phương án tiếp nhận, hỗ trợ thuốc men, thực phẩm cho người dân.
Có thể nói đến thời điểm này công tác chuẩn bị ứng phó cứu nạn, cứu hộ mùa bão lụt năm 2010 đã được cơ quan, đơn vị trong tỉnh hoàn thành. Thiết nghĩ, ngoài sự chuẩn bị của các ngành, địa phương thì người dân ở các địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai cũng cần chủ động, nêu cao tinh thần cảnh giác trước diễn biến bất thường của thời tiết để có biện pháp phòng tránh kịp thời nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do ảnh hưởng của lụt bão gây ra.
Ý kiến bạn đọc